“Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta phải vận động các nước trên lưu vực sông Mê Kông xả lũ. Việc Trung Quốc xả lũ là động thái tích cực trong sử dụng nước. Sau Trung Quốc là Lào cũng đang mở đập xả nước thủy điện ở các dòng sông nhánh của sông Mê Kông” - ông Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng cũng cho hay hiện Việt Nam đã gia nhập Ủy hội sông Mê Kông với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và trong đó có cơ chế phối hợp sử dụng bền vững nguồn nước trên con sông này. Hiện Myanmar và Trung Quốc chưa thuộc Ủy hội sông Mê Kông nhưng các nước đang thống nhất một cơ chế hợp tác mới. Cơ chế này là hợp tác giữa sông Lan Thương với Mê Kông và trên thực tế sáu nước trên dòng Mê Kông đang hợp tác, trong đó có năm lĩnh vực ưu tiên, đáng lưu ý có phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững nguồn nước. Các nước đang đưa ra các dự án cụ thể, lập quỹ để hiện thực hóa hợp tác này.
Liên quan đến vấn đề hạn chế xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, Phó Thủ tướng cho hay: “Ủy hội sông Mê Kông đã có quy định phát triển thủy điện, sử dụng nguồn nước phải thông báo cho các nước còn lại và phải tôn trọng quốc gia khác. Nhưng vì Trung Quốc và Myanmar chưa vào ủy hội, chỉ là đối tác nên vấn đề quản lý sử dụng nguồn nước, xả nước trên thượng nguồn Lan Thương vẫn chưa có”.