"Để giám sát cam kết xả nước, hiện chúng ta có hai trạm giám sát tự động, một trạm nằm ở gần đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) và một trạm nữa cách đó không xa. Qua các trạm này chúng ta hoàn toàn biết được phía Trung Quốc có thực hiện xả lũ như cam kết không..." - ông Cường nói.
Ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, trả lời những thắc mắc của cơ quan truyền thông. Ảnh: VIẾT LONG
Một số chuyên gia cho rằng với đoạn đường 4.000 km, trong khi các quốc gia “dọc đường” cũng đang thiếu nước và cần lấy nước, như vậy nước khó tới đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào đâu để Ủy ban sông Mekong đưa ra đề xuất xả nước với các nước?
Trả lời vấn đề trên, ông Cường cho rằng phía Trung Quốc hiện tích khoảng 50% dung tích hữu ích, như vậy họ sẽ có khoảng 23 tỉ m3 nước. Thái Lan và Lào khoảng 20 tỉ m3 nước. "Dựa vào những con số trên, Ủy ban sông Mekong Việt Nam thấy với lượng nước trên có thể giải được bài toán khô hạn nên chúng tôi đã khuyến cáo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để có công hàm trao đổi" - ông Cường giải thích.
Cũng theo ông Cường, trước diễn biến khô hạn ở khu vực lưu vực sông Mekong, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã có cuộc điều tra và xác định nguyên nhân.
Cụ thể, dòng chảy từ phía thượng nguồn sông Mekong xuống đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2015-2016 suy giảm nghiêm trọng.
Theo con số quan trắc kết hợp giữa Ủy ban sông Mekong Việt Nam và Hiệp hội sông Mekong quốc tế, dòng chảy từ thượng nguồn về cửa Tân Châu và Châu Đốc suy giảm trên 30% so với các năm. Bên cạnh đó, lượng mưa gần đây suy giảm trên dưới 50%, đặc biệt tháng mùa khô giảm 75%.
Ngoài ra, lượng nước điều tiết tự nhiên từ biển hồ (Campuchia) xuống sông Mekong xem như không có.
Đặc biệt, do nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, chăm sóc cây trồng tăng cao. Đỉnh triều lên rất cao so các năm cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.