Sau hai ngày mưa, sáng 11-10, mặc dù trời bắt đầu trở nên khô ráo nhưng người dân ở đường Thủy Hoa, TP Lào Cai (bên bờ sông Hồng) thấy nước sông bất ngờ dâng lên rất nhanh, ngầu đỏ, cuồn cuộn chảy một cách lạ lùng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai, cho hay Cơ quan Khí tượng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (TQ) thông báo xả lũ trên thượng nguồn sông Hồng, cách Lào Cai 200 km với lưu lượng 2.500 m3/giây, bắt đầu từ 1 giờ sáng 11-10.
Nhiều chuyên gia cho rằng mực nước sông Hồng tăng đột ngột đến mức báo động lũ có thể do xả lũ các hồ đập thủy điện ở phía TQ. Vấn đề sông Hồng làm nhiều người ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long "giật mình" vì vấn đề quản lý sông Mekong cũng đang khó khăn vì hệ thống thủy điện TQ ở thượng nguồn.
Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nhận định không chỉ ở sông Hồng, việc kiểm soát thủy điện ở thượng nguồn ở sông Merkong hiện cũng không đảm bảo an toàn cho việc kiểm soát lũ ở vùng hạ lưu.
Rủi ro xả lũ thủy điện rất cao
. Phóng viên: Thông tin TQ xả lũ đầu ngày 11-10 trùng khớp với hiện tượng lũ đột ngột ở sông Hồng, nằm ở hạ nguồn của TQ, trong bối cảnh thời tiết tại đây khá ổn định. Quan điểm của ông như thế nào về nguy cơ gây lũ từ các thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Hồng?
+ PGS-TS Lê Anh Tuấn: Việc TQ xả đập thủy điện đột ngột ngày 11 và 12-10 vừa qua mà báo chí đưa tin, dù phía TQ có thông báo nhưng vẫn khiến nhiều người dân sống dọc theo sông Hồng đến Hà Nội bất ngờ, nhất là trước tình trạng mực nước sông Hồng tăng đột ngột đến mức cảnh báo lũ.
Mặc dầu chưa gây ra rủi ro thiệt hại về người nhưng vẫn làm ngập nhiều vùng trồng hoa màu hai bên bờ sông và làm chìm một số tàu thuyền nhỏ. Điều này chứng tỏ việc quản lý thủy điện (ở thượng nguồn) vẫn chưa mang lại sự an toàn về mặt kiểm soát lũ ở hạ lưu.
. Truyền thông trong nước dẫn lời các chuyên gia đặt nghi vấn việc TQ xả đập thủy điện chính là nguyên nhân nước sông Hồng tăng đột biến. Mối quan hệ nhận-quả này có diễn ra tương tự sông Mekong - vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ nguồn?
+ Thật ra bây giờ mối quan hệ nhân quả của hệ thống đập thủy điện TQ và lũ lụt ở Việt Nam chưa rõ ràng vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với sự bất thường về thời tiết và mật độ xây dựng thủy điện ngày càng lớn (phần sông Mekong thượng nguồn thuộc TQ) thì nguy cơ lũ tăng đột ngột ở hạ nguồn có khả năng xảy ra càng cao.
Khi mưa bão liên tiếp có thể làm mực nước đến các hồ chứa thủy lợi tăng nhanh buộc các nhà điều hành thủy điện của TQ phải khẩn cấp mở cửa van xả nước để tránh vỡ đập. Hiệu ứng xả lũ theo kiểu domino có thể xảy ra khiến vùng hạ lưu rất rủi ro.
. Còn nguyên nhân nào củng cố nghi vấn TQ xả đập thủy điện sẽ khiến hạ nguồn chịu thiệt, nhất là vùng hạ nguồn sông Mekong?
+ Trên dòng chính sông Mekong đoạn từ Lào xuống Việt Nam chưa có công trình thủy điện nào đưa vào hoạt động, chỉ có một số dòng nhánh phía Tây Nguyên để xuống Campuchia có mật độ thủy điện khá nhiều.
Phía thượng nguồn sông Mekong, đoạn Lancang thuộc tỉnh Vân Nam, TQ cũng đã hình thành nhiều công trình thủy điện lớn, sự vận hành các công trình này đã làm thay đổi quy luật thủy văn vùng dưới, đặc biệt ở phía Lào khiến lũ lụt và khô kiệt gia tăng mức độ gây hại.
Trung Quốc xả nước gây lũ ở thượng nguồn sông Hồng. Ảnh: HỒNG THẢO
Nằm ở phía cuối cùng của hạ lưu sông Mekong, Việt Nam sẽ chịu tác động to lớn và vĩnh viễn nếu các thủy điện chắn ngang dòng chính của sông được xây dựng. Ảnh: HỮU THIỆN/THESAIGON-TIMES
Thượng nguồn thêm điện, hạ nguồn chật vật
. Hệ thống thủy điện của TQ trên dòng chính sông Mekong hiện nay như thế nào, thưa ông?
+ Lan Thương (Lancang) là phần sông ở thượng nguồn Mekong, nằm ở địa phận tỉnh Vân Nam của TQ, chi phối trung bình khoảng 16% tổng lượng nước hằng năm trên toàn lưu vực Mekong. Đây là vùng cao, có tiềm năng thủy điện rất lớn.
Từ năm 1980, TQ đã tiến hành quy hoạch bậc thang thủy điện trong lưu vực sông Lan Thương với 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thủy điện trên các dòng nhánh với tổng công suất lắp máy là 2.600 MW.
Hiện nay có 14 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương do Yunnan Huaneng Lancang River Hydropower Company là chủ đầu tư. Trong Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), TQ đã khảo sát thăm dò cho các công trình thủy điện ở Lào, Campuchia và Việt Nam.
Đây là điều khá lo ngại cho một hệ thống sông lớn như sông Mekong, con sông mang tính quốc tế, giàu tiềm năng sinh thái và nguồn sinh kế cho hàng triệu người liên quan.
. Vị trí hạ nguồn của Việt Nam gặp thách thức gì khi TQ không ngừng phát triển hệ thống thủy điện?
+ Do vị trí nằm ở cuối nguồn nước trong các hệ thống lưu vực sông lớn (sông Mekong), Việt Nam chịu nhiều bất lợi do các công trình thủy điện phía thượng nguồn. Rất nhiều rủi ro và khó khăn cho vùng hạ nguồn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Trước tiên là sự thay đổi đặc điểm thủy văn dòng chảy sẽ không còn như quy luật xưa, phù sa bị sụt giảm, nguồn cá ngày một nghèo nàn hơn, lũ lụt, sạt lở, khô kiệt, xâm nhập mặn sẽ gia tăng.
Ngoài ra, nguồn điện phát sinh ở phía các nước thượng nguồn sẽ tạo điều kiện cho các khu công nghiệp hai bên sông mọc lên. Ô nhiễm từ các nhà máy công nghiệp sẽ tràn xuống vùng hạ lưu. Tính đa dạng sinh học ở các vùng đất ngập nước sẽ bị đe dọa. Song song đó những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ khó thực hiện hơn và bấp bênh hơn.
Rất khó cho Việt Nam
. Những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đối mặt cần những giải pháp cấp bách nào?
+ Cá nhân tôi nghĩ Việt Nam đang nằm ở thế “đã rồi” trước rất nhiều thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Nếu muốn có giải pháp tốt nhất thì đó phải là hạn chế tối đa việc xây dựng thủy điện tràn lan nhưng cho đến lúc này hệ thống thủy điện đã dày đặc. Mặt khác, trong bối cảnh khí hậu biến đổi khó lường như hiện nay, nguy cơ lũ đột ngột là thường xuyên do các đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ thường xuyên và bất ngờ hơn.
Tuy ở vùng phía Bắc nước ta đời sống người dân ít phụ thuộc vào sông nước hơn (vùng Đồng bằng sông Hồng quy mô nhỏ hơn) là bà con đồng bằng sông Cửu Long nhưng các thiệt hại về người và của là rất khó lường trước.
Mặt khác, các đập thủy điện trên sông Mekong chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, được xem là vùng trọng điểm sản xuất lương thực và thủy sản lớn nhất nước và là vùng đất rất phong phú về đa dạng sinh học, là môi trường sống của khoảng 20 triệu người dân Việt Nam.
. Ông đánh giá thế nào về cơ chế thông báo trước khi xả lũ để người dân có thể chuẩn bị phản ứng?
+ Tôi nghĩ giải pháp này không còn thiết thực và hiệu quả. Theo quy định thì phía thủy điện chỉ thông báo xả lũ trước 2-3 tiếng đồng hồ. Họ thông báo đến chính quyền địa phương và mất một khoảng thời gian dài mới đến tai người dân. Khi đó lũ đã tràn về, dân không kịp thu hoạch mùa, cũng chẳng kịp vớt vát tài sản. Trường hợp TQ thông báo xả lũ cũng là ví dụ cho thấy việc thông báo trước hiện nay không thể giúp người dân kịp thời thích ứng khi lũ tràn về.
. Xin cám ơn ông.
Phải đánh giá lại “luật chơi Mekong” . Ở góc độ hợp tác quốc tế giải quyết việc quản lý sông Mekong - một con sông quốc tế, theo ông Việt Nam cần tiếp cận giải pháp nào để tháo gỡ rủi ro thủy điện? + Trước năm 1995, các nước thuộc khu vực sông Mekong muốn tiến hành xây dựng thủy điện trên dòng chính phải được sự đồng ý và thông qua của các thành viên Ủy ban Lâm thời sông Mekong (1978-1995). Tuy nhiên, Hiệp định hợp tác Mekong đã được bốn quốc gia thành viên Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) ký kết năm 1995, lại có quyền “phủ quyết”. Tôi nghĩ đây là một “bước lùi” về mặt pháp lý khi quản trị sông Mekong. Bởi quy định này khiến các quốc gia Mekong tuy không phải có toàn quyền quyết định sông Mekong thuộc lãnh thổ của họ nhưng vẫn dễ dàng tiến hành các dự án thủy điện. Theo tôi, sau 20 năm thực hiện, đã đến lúc Việt Nam nên lên tiếng kêu gọi MRC xem xét, đánh giá, rà soát lại hiệu quả và tính thích hợp của hiệp định để thay đổi kịp thời. |