Tại hội thảo sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong được tổ chức ở Cần Thơ hôm 22-4, các đại biểu, chuyên gia đã phân tích những tác động tiêu cực của thủy điện trên dòng chính sông Mekong đến các cộng đồng ven sông và các quốc gia liên quan.
Từng bước hủy hoại sông Mekong
Trước đây, Ủy hội Sông Mekong (MRC) thuê tư vấn phân tích tác động của các kịch bản khác nhau đối với nguồn lợi thủy sản ở vùng lưu vực sông Mekong. Theo đó, việc xây tất cả 11 đập ở hạ lưu sông Mekong sẽ làm giảm 340.000 tấn sản lượng khai thác thủy sản của dòng sông. Nếu chỉ xây chín đập trên dòng chính của Lào thì thiệt hại còn 140.000 tấn. Hoặc nếu chỉ xây sáu đập ở bắc Viêng Chăn thì thiệt hại sẽ còn 60.000 tấn.
Theo TS Kim Geheb, điều phối viên khu vực sông Mekong, hiện có 66 đập thủy điện trên lưu vực sông Mekong với công suất 15 MW hoặc lớn hơn. Ngoài ra, 37 đập đang được xây dựng và ước tính rằng 93 đập nữa sẽ được đề xuất hoặc lên kế hoạch xây tiếp. Đó là chưa kể hàng ngàn đập thủy lợi lớn nhỏ.
Ông Brian Eyler, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson - Hoa Kỳ), là một chuyên gia về Mekong, cho biết: “Có tới 11 con đập lớn được lên kế hoạch hoặc đang được xây và hàng chục con đập nằm trên các phụ lưu sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học của sông Mekong, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực. “Các đập thủy điện giữ lại phù sa giàu dinh dưỡng để bổ sung cho các cánh đồng nông nghiệp và duy trì sức sống của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi mặn hóa và nước biển dâng” - ông Brian Eyler nói.
Ông Brian Eyler cũng cho rằng nếu xây dựng tổ hợp chín đập thủy điện trên dòng chính ở Lào có thể đến năm 2030 sẽ mang lại hằng năm 4,6 tỉ USD. Nhưng các dự án này sẽ từng bước hủy hoại sông Mekong.
Hạn mặn gay gắt đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất phát từ việc sử dụng nguồn nước sông Mekong không hợp lý. Ảnh: GIA TUỆ
Hậu quả dồn lên ĐBSCL
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Trưởng nhóm Việt Nam của Chương trình đánh giá tác động môi trường chiến lược của thủy điện trên dòng chính sông Mekong, ĐBSCL được tạo nên bởi các trầm tích của sông Mekong trong hơn 6.000 năm qua. Nói cách khác, nếu các đập ở sông Mekong xây 6.000 năm trước, ĐBSCL đã không được hình thành. “Nền kinh tế ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu vào hai trụ cột kinh tế chính là nông nghiệp và thủy sản, gồm đánh bắt và nuôi trồng” - ông Thiện nói.
Ông Thiện cho rằng theo đánh giá, việc mua điện từ các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong sẽ đáp ứng 4,4% nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2025. Tổng lợi ích kinh tế mà Việt Nam có được từ các đập này (gồm việc đầu tư và mua điện) cũng chỉ là 5% nhu cầu. Nhưng các đập trên sông Mekong sẽ ngăn giữ trầm tích, làm đảo ngược quá trình bồi đắp đồng bằng, gây nên xói lở. Kéo theo đó còn là sự xuống cấp của đất và giảm thiểu năng suất nông nghiệp...
“Lợi ích các đập đem lại cho Việt Nam rất hạn chế song các tác động tiêu cực lại rất nhiều. Các tác động theo hướng phức tạp, gây ảnh hưởng lên các ngành công nghiệp phụ thuộc như chế biến, thương mại và gây ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân, nền kinh tế. Các tác động này nghiêm trọng, có tính lâu dài và một số tác động này thậm chí còn đe dọa đến sự tồn tại tự nhiên của đồng bằng” - ông Thiện nhấn mạnh.
Hợp tác cùng sử dụng nguồn nước Đã đến lúc sáu nước trong lưu vực sông Mekong phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước dựa trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Theo đó, quyền và lợi ích của mỗi nước phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Hội nghị cao cấp hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất liên quan đến sử dụng nguồn nước sông Mekong diễn ra vào tháng 3-2016 tại Tam Á (Trung Quốc) là bước đi đầu tiên. Nó cần được thể hiện tiếp theo bằng những hành động, dự án cụ thể, chân thực đúng với tinh thần trên. GS-TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Xung đột khu vực có thể xảy ra Các kế hoạch xây dựng thủy điện có khả năng gây thiệt hại phá hoại sông Mekong, kéo theo các hậu quả nghiêm trọng về sinh kế và gây mất an ninh của các nước lẫn khu vực nội tại và giữa các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, nếu không có giải pháp thích hợp để đảm bảo việc sử dụng và quản lý thích hợp tài nguyên nước ở sông Mekong thì các căng thẳng, mâu thuẫn có thể xảy ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân mà còn làm mất ổn định hòa bình, ổn định của từng quốc gia và cả khu vực. GS POU SOVACHANA, Phó Viện trưởng Viện Hợp tác |