Ráo riết trữ nước ngọt chống hạn, mặn

Trước tình trạng hạn, mặn nguy cấp, gây thiệt hại nặng trong suốt thời gian qua ở ĐBSCL (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), nhiều địa phương đã cố gắng đưa ra hàng loạt biện pháp khắc phục, hạn chế.

Bạc Liêu gieo sạ hơn 46.000 ha lúa đông xuân 2015-2016, trong số này đã có hơn 10.000 ha đang bị ảnh hưởng mặn xâm nhập, tập trung nhiều ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Trước tình hình trên, từ trước tết Nguyên đán 2016, các địa phương chủ động đóng kín các hệ thống cống đập phân ranh mặn-ngọt trên địa bàn nhằm kịp thời ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho sản xuất. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế, mỗi địa phương có hướng xử lý, điều tiết nước hợp lý.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết thêm: “Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo một số địa phương không xuống giống vụ lúa đông xuân ở một số vùng có nguy cơ thiếu nước và nhiễm mặn cao, đồng thời rút ngắn thời vụ gieo sạ để né hạn, mặn”.

Một mảnh ruộng khô nẻ của người dân ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ảnh: QT

Nạo vét kênh ở Bạc Liêu để tích trữ nước ngọt. Ảnh: QT

Bên cạnh đó, Bạc Liêu đầu tư hơn 47 tỉ đồng để thi công hơn 340 công trình thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thủy lợi và cống, đập điều tiết nước vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhiều đập phân ranh mặn-ngọt do trung ương đầu tư trước đây hiện đã xuống cấp, có dấu hiệu rạn nứt, rò rỉ, thậm chí những ngày vừa qua có nơi van đập bị vỡ tung, nước mặn tràn vào tàn phá ruộng lúa, hoa màu.

Tại tỉnh Tiền Giang, ngoài việc làm thủy lợi nông đồng, khai thông dòng chảy, tỉnh còn đầu tư hơn 4,2 tỉ đồng lắp đặt hệ thống bơm hướng trục đứng tại cống Xuân Hòa (thuộc xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) gồm 32 ống. Nhờ có hệ thống bơm này giúp cống Xuân Hòa vừa lấy nước từ sông Tiền vào khi triều dâng và bơm nước ngọt vào khi triều cạn. Nếu cống Xuân Hòa có nước ngọt lấy vào từ nay đến hết tháng 2 này thì số diện tích lúa bị thiệt hại ở tỉnh Tiền Giang không đáng kể.

Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện nay, ngành nông nghiệp tập trung cho lấy nước ngọt, tranh thủ có nước ngọt thì lấy vào. Riêng phần cuối huyện Gò Công Đông phải giải quyết lượng mặn tồn đọng. Hiện đã phân công trách nhiệm huyện lo phương tiện, máy bơm, tỉnh cấp kinh phí”.

Thời điểm có nước ngọt diễn ra rất ngắn

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo nước ngọt (độ mặn dưới 4 g/lít) sẽ đến trong thời gian từ ngày 22 đến 25-2 trên phạm vi 25-40 km ở các cửa sông Mekong. Để tận dụng nguồn ngọt xảy ra rất ngắn, đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy ngọt, trong đó đặc biệt chú ý là mở các cống (ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít...), bơm nước khi nước ngọt xuất hiện để trữ nước sản xuất.

Hiện có hơn 620.000 ha lúa ở các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn xâm nhập gây khó khăn, trong đó, hơn 100.000 ha lúa… bị nước mặn xâm nhập nặng. 

___________________________________

- Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Chưa năm nào nước mặn lại bao vây toàn bộ tỉnh như năm nay. Hiện nay, các cống hoàn toàn được đóng lại để ngăn mặn và ngành thủy lợi chủ động canh trực lấy nước ngọt để cứu lúa”.

- Tỉnh Kiên Giang và Bến Tre đã quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 và các địa phương đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện Kiên Giang dự kiến chi ngân sách hỗ trợ hơn 150 tỉ đồng cho 18.125 hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm