Khi nghe hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang báo cáo diện tích lúa chết vì mặn khoảng 50.000 ha, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhẩm tính ngay ra số tiền thiệt hại của người dân ban đầu lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Cũng theo ông Phát, hầu hết các tỉnh ĐBSCL ít nhiều đã bị xâm nhập mặn. Hiện ĐBSCL có hai gói hỗ trợ ODA về quản lý thủy lợi nông thôn với số tiền khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ kể một vài công trình đã thấy số tiền trên là không đủ cho cả vùng. “Riêng một cái cống ở Cái Lớn, Cái Bé đã 3.800 tỉ đồng, tức gần 200 triệu USD rồi. 29 cống của vùng An Biên, An Minh (Kiên Giang) thôi đã gần 1.000 tỉ đồng, vùng Bắc Bến Tre là 200 triệu USD, thế mà tất cả vùng ĐBSCL có 500 triệu USD thì làm sao đủ, phải nói cả tỉ USD” - ông Phát cho hay.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết đợt xâm nhập mặn này trong đời ông mới thấy lần đầu, sông Cái Lớn đã bị xâm nhập 34 km. Dịp tết vừa rồi, các hồ nước ngọt cũng không lấy được. Vùng U Minh Thượng (bán đảo Cà Mau trước đây) xâm nhập mặn rất nghiêm trọng. Toàn tỉnh hiện có 34.000 ha lúa đã bị thiệt hại nhưng con số sắp tới sẽ còn nhiều hơn.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương giải quyết nhanh, kịp thời trước tình hình hạn, mặn này, trước mắt là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, cho chăn nuôi, trồng trọt. Các địa phương cần chăm lo đảm bảo đời sống người dân, không để thiếu đói, dịch bệnh bùng phát do hạn, mặn kéo dài. Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và Văn phòng Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL trong gói dự phòng thiên tai 23.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính trình đề án hỗ trợ các địa phương ngay sau hội nghị này…