Hàng ngàn gia súc đang đổ dồn về vùng đồng bằng, chen nhau nhai từng gốc rạ - Ảnh: V.Sự |
Giữa làn bụi mờ mịt, tôi theo chân anh Bạch Thanh Luông và bầy cừu hơn 400 con đi vào lòng hồ Suối Lớn ở xã Phước Ninh (Thuận Nam, Ninh Thuận).
Vượt qua những vùng truông bụi tre gai và xương rồng khô cháy, một vùng cỏ non lún phún hiện ra, bầy cừu của anh Luông và hàng ngàn con cừu của các bầy khác cùng ào đến.
Cỏ mọc dưới đáy hồ
Thoạt nhìn vùng cỏ non, tôi thắc mắc vì sao giữa đỉnh điểm nắng hạn cỏ lại có thể mọc non tơ như vậy? Nhưng ánh mắt của anh Luông thì rầu rĩ, chỉ tay về phía bờ đập xa xa và một lúc sau tôi hiểu rằng bãi cỏ non nơi mình đang đứng chính là đáy hồ Suối Lớn.
Cả một hồ nước rộng mênh mông, từng chứa trong mình hàng triệu mét khối nước nay không còn một giọt nước nào. Và vùng cỏ non mà dê cừu đang gặm được mọc lên từ những lớp bùn đã khô nứt nẻ dưới đáy hồ.
15 năm cùng cả gia đình sống đời du mục dưới chân tháp Po Rome, đây là lần đầu tiên anh Luông chứng kiến cảnh hồ Suối Lớn cạn trơ đáy. Bãi cỏ non dưới đáy hồ đang là niềm vui thú của hàng ngàn con dê, cừu.
Nhưng với những gia đình du mục và các chủ trại dê, cừu trong vùng thì đó là một nỗi ám ảnh. Vì “chỉ vài ngày nữa thì đám cỏ này cũng chết héo” - anh Luông buồn bã.
Anh Luông nói cả gia đình anh nhận chăn hơn 800 con cừu cho gia đình bà Trần Kỳ Bé - một chủ trại nuôi cừu ở Thuận Nam. Khi chưa có nắng hạn, anh Luông và mấy đứa con chỉ cần lùa cừu đi trong bán kính 10km là tìm được nguồn cỏ thì nay phải chia bầy cừu thành hai đàn, đi xa gấp đôi, gấp ba quãng đường mà cừu không đủ no.
“Cừu khát nên chết miết, lâu lâu có con nào yếu đi không nổi mình phải ẵm về chuồng, tới nơi là mình cũng muốn xỉu theo” - anh Luông thật thà nói.
Khắp vùng đồng hoang Thuận Nam, nơi được coi là đồng dê, cừu lớn nhất Ninh Thuận, đều rơi vào tình trạng như ở Suối Lớn.
Đi thêm 15km nữa qua những cánh rừng khộp về phía đầu nguồn, chúng tôi đến hồ Sông Biêu và cũng chứng kiến cảnh những bầy gia súc đang lê bước tìm cỏ khắp... đáy hồ. Khác với hồ Suối Lớn, dù vẫn còn đôi vũng nước nhưng cỏ lại không mọc được dưới đáy hồ Sông Biêu khi cạn nước vì đá quá nhiều.
Trong ánh chiều sắp buông, hàng ngàn con dê, cừu cùng bóng những người du mục lê bước chân mỏi mệt trở về trại sau một ngày lang thang tìm thức ăn càng làm cho viễn cảnh của vùng “thủ phủ dê cừu” thêm u ám.
Anh Nguyễn Minh Thuận, nhân viên ban quản lý hồ Sông Biêu, nói hồ nước có sức chứa gần 20 triệu m3này đã xuống mực nước chết từ đầu tháng 4, nay chỉ còn vài lạch nước nhỏ đục ngầu.
“Mang tiếng là đi giữ hồ nước ngọt lớn nhất huyện nhưng đến nước uống mình cũng phải xách từng can từ dưới xuôi lên. Người còn trụ không nổi thì dê cừu chắc khó cầm cự qua mùa khô này” - anh Thuận nói.
Anh Bạch Thanh Luông thả bầy cừu trên vùng cỏ được mọc lên từ... đáy hồ Suối Lớn - Ảnh: Thuận Thắng |
Tháo chạy
Những thảo nguyên mênh mông dưới chân núi không còn cỏ, tất cả hồ chứa cũng đã cạn trơ đáy, chủ những bầy gia súc ở Ninh Thuận đành phải tìm cách đưa bầy về đồng bằng để cầm cự.
Dưới chân đập hồ Lanh Ra ở xã Phước Vinh (Ninh Phước, Ninh Thuận), tôi gặp ông Bá Bổn - một thầy chang (một chức sắc tôn giáo của người Chăm Hồi giáo) ở làng Tuấn Tú - đang hò hét, quơ roi lùa bầy bò gầy rạc từ trên núi về.
Với những người dân xứ này, đó là một hình ảnh lạ bởi thầy chang thường chỉ lo việc cúng kiếng trong tộc họ, ít khi phải tham gia việc đồng áng, chăn nuôi.
Nhưng thầy chang Bá Bổn nói nắng hạn quá gay gắt, thầy phải thân chinh cùng hai đứa cháu lên núi Lanh Ra đưa bò về đồng bằng nếu không bò sẽ chết.
Chỉ tay về ngọn núi Lanh Ra chỉ còn một màu vàng khé vì cây cỏ đã chết héo, thầy chang Bá Bổn nói trên đó không còn cọng cỏ nào. Những cây bụi chỉ còn sót lại vài chiếc lá già trên ngọn cây, bò không với tới nổi.
Câu chuyện của thầy chang Bá Bổn lên núi lùa bò cũng là chuyện chung của rất nhiều chủ trại gia súc ở Ninh Thuận vào những ngày này. Khắp vùng đồng bằng ven quốc lộ 1, nơi có những chân ruộng vừa gặt, hàng vạn con dê, cừu, bò từ trên núi đổ về phủ khắp đồng.
Anh Châu Karim - chủ bầy cừu 800 con ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Nam (Thuận Nam) - nói để di chuyển cả bầy cừu từ hồ Sông Biêu về anh đã phải bán đi 30 con cừu cái để có tiền dựng trại mới.
Nhưng đưa cừu về đồng bằng chỉ tạm thời giải được cơn khát, còn thức ăn mỗi ngày anh Karim phải tốn thêm hơn 1 triệu đồng tiền cỏ và cám để cừu cầm hơi. “Giá dê, cừu đang giảm dần từ tết đến nay mà cứ tốn tiền mua thức ăn như vầy thì có khi tụi tui chết đói trước cả bầy cừu” - anh Karim than thở.
Ông Phan Hoàng Tựu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận - cho biết từ đầu mùa khô đến nay đã có gần 300 con gia súc chết vì thiếu nước và thiếu dinh dưỡng, nhưng đây chưa phải là con số chính xác vì nhiều gia súc chết không được chủ đàn báo về.
Ông Tựu dự báo số gia súc chết trong thời gian tới khi đỉnh điểm nắng hạn sẽ lên cao. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận dự báo có ít nhất 150.000 con gia súc sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán.
Hạn hán được dự báo còn kéo dài đến tháng 9-2015 nhưng đến đầu tháng 5-2015 20 hồ chứa ở Ninh Thuận chỉ còn khoảng 8% nước so với dung tích thiết kế.
Ông Phan Hoàng Tựu thừa nhận: “Chỉ cố gắng để ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, còn nước cho gia súc và trồng trọt thì biết thế nhưng đành chịu nếu hạn hán kéo dài...”.
Du mục “lỡ vận” Những bầy gia súc tan tác vì nắng hạn, nhiều chủ đàn gia súc bắt đầu bán mão cả bầy để cắt lỗ kéo theo cảnh thất nghiệp của những gia đình du mục. Gặp anh Thành Ngọc Hạo đang cùng cả gia đình lên chiếc máy cày tay từ vùng hoang mạc Đồng Dày, Tham Dú ở xã Phước Trung (Bác Ái) về làng cũ ở An Xuân (Ninh Hải), anh nói: “Nắng hạn quá, chủ trại cừu bán bớt 500 con nên cũng không cần thuê mướn nữa. Họ trả thêm cho tôi ¼ năm lương chăn cừu được 6 triệu đồng rồi kêu cả nhà đi về. Chục năm nay chỉ biết chăn cừu nuôi thân, giờ về làng không biết sống sao đây”. Anh Bạch Thanh Luông, người chăn cừu dưới chân hồ Suối Lớn, cũng nói ngoài tiền lương chăn cừu mỗi năm thì thu nhập chính của các gia đình du mục là bán phân cừu. “Nhưng cỏ không có cho cừu ăn thì lấy đâu ra phân. Hồi trước mỗi tháng bán phân được 3 triệu đồng thì nay chỉ còn 1 triệu”. Anh Luông nói xung quanh vùng hồ Suối Lớn đã có hơn chục gia đình du mục phải dắt díu nhau trở về làng cũ vì chủ trại bán cừu hoặc không trụ nổi với mùa nắng hạn gay gắt năm nay. |
________________
Gần 1.000 năm sau, những kênh đào và đập nước được xây đắp bằng tay của tổ tiên người Chăm vẫn đầy ắp nước và giúp dân xứ hoang mạc vượt qua những ngày hạn hán.
Kỳ tới:Nhữngkênh đào huyền thoại