Bày tỏ lòng yêu nước cũng không được trái pháp luật

Trước tình hình khá nóng bỏng mấy ngày qua,Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa xoay quanh vấn đề về quyền biểu tình, biểu thị chính kiến của công dân.

“Không thể thực hiện quyền của mình một cách trái luật”

. Phóng viên: Ông nhận định thế nào với tình trạng như vừa qua, nhiều người thực hiện quyền công dân của mình bằng cách tập hợp thành đám đông gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển, làm ăn của người khác, thậm chí tấn công lực lượng chức năng, đốt trụ sở, đập phá, hủy hoại tài sản…?

+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, ở đây có hai điều cần phân biệt rạch ròi: Bày tỏ lòng yêu nước, thể hiện sự quan tâm đối với lợi ích xã hội, lợi ích đất nước, muốn tham gia ý kiến vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, thậm chí đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, là những quyền hiến định và hợp pháp. Tuy nhiên, công dân phải thực thi những quyền đó trong khuôn khổ và hành lang pháp lý do luật định và nếu thực thi quyền và lợi ích, dù hợp pháp, của mình một cách trái pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội, cho người khác thì phải chịu trách nhiệm.

. Thưa ông, thời gian qua rất nhiều lời kêu gọi người dân thực hiện quyền biểu tình của mình được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013 được lan truyền đi trên cộng đồng mạng, thậm chí đã rải truyền đơn đến tận tay công dân ở nhiều khu vực. Là một người nghiên cứu sâu về quyền con người, quyền công dân và theo suốt quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013, ông có thể nói rõ là quyền biểu tình của công dân hiện nay cần được hiểu như thế nào? Nó có phải là có thể thực hiện quyền của mình một cách bất chấp như thế không?

+ Rõ ràng, trong một bộ phận công dân có sự ngộ nhận về quyền tự do biểu tình và do đó đã hành động trái pháp luật.

Về pháp lý, “quyền biểu tình” là cách gọi Việt Nam hóa của khái niệm “quyền tụ họp hòa bình” (tiếng Anh: right to peaceful assembly), quy định tại Điều 21 Công ước về quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia. Ngay tại Điều 21 này, công ước cũng quy định “quyền tụ họp hòa bình” có thể bị hạn chế bằng luật vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn của công chúng, trật tự công, vì sức khỏe và đạo đức xã hội hay bảo vệ các quyền tự do của người khác.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đang phát biểu góp ý cho các dự luật tại nghị trường QH. Ảnh: TTXVN

Như vậy, biểu tình mà cản trở giao thông, ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội và công chúng là trái với tinh thần của công ước; còn nếu tấn công người thi hành công vụ, lực lượng bảo vệ pháp luật, đốt phá hay hủy hoại tài sản, xâm nhập trái phép vào cơ quan, nhà của người khác, dùng bạo lực như gạch đá hay hung khí thì là hành vi vi phạm pháp luật, cả hình sự và dân sự.

. Cả hai phía, người dân và chính quyền, cần có những ứng xử thế nào cho phù hợp với quyền và chức trách của mình, thưa ông?

+ Tôi không có dịp chứng kiến những cuộc biểu tình vừa qua nhưng tôi có thông tin là chính quyền đã rất nỗ lực, đã huy động nhiều lực lượng hành chính và dân sự để hạn chế tác hại, thiệt hại của các cuộc biểu tình theo kiểu như đã đề cập, cố gắng ổn định sản xuất, kinh doanh và các sinh hoạt xã hội.

Sau khi Chính phủ và QH đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và đã quyết định hoãn thông qua dự luật về đặc khu kinh tế, tôi cho rằng người dân cũng nên chấm dứt việc biểu tình, biểu thị kiểu như trên. Việc quan tâm góp ý về đặc khu kinh tế nên được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác, như đăng báo, bày tỏ trên mạng xã hội, hội thảo khoa học, gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan và đại biểu dân cử, chính quyền, đoàn thể.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về biểu tình

. Thưa ông, với diễn biến thực tế như vừa qua, ông thấy có cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện quyền biểu tình của công dân?

+ Theo tôi biết, một số ĐBQH, chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước và nhiều người dân mong muốn QH cụ thể hóa quyền biểu tình trong hiến pháp bằng một đạo luật. Tôi có dịp nghiên cứu luật biểu tình hay luật tụ họp hòa bình của một số nước và tôi thấy một đạo luật như vậy sẽ giúp cho nước ta giải quyết được nhiều vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

. Chủ trương xây dựng dự luật biểu tình đã có trước đây. Tại cuộc họp báo sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay Thường vụ QH đang đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự án luật này để trình Thường vụ QH xem xét. Ông có ý kiến gì về việc này?

+ Như đã nói, tôi và một số ĐBQH ủng hộ việc này. Nhiều chuyên gia, học giả, nhất là trong giới luật sư, cũng sẵn sàng đóng góp miễn phí vào việc này nếu có yêu cầu.

. Trong thời gian chưa có luật biểu tình thì quyền này của công dân cần được tổ chức thực hiện thế nào để người dân biểu thị thái độ của mình trước các vấn đề lớn của quốc gia và Nhà nước cũng thuận tiện trong việc quản lý?

+ Chí ít, theo tôi, Chính phủ cũng nên ban hành một số quy định sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về việc tập trung đông người. trên cơ sở đó, HĐND các tỉnh, thành phố ra các quy định về tụ họp đông người phù hợp với hoàn cảnh địa phương.

Ở nhiều nước, chính quyền địa phương có quyền quy định về việc tụ họp nơi công cộng ở địa phương. Ở nước ta, nếu HĐND làm việc này cũng không sai. Nhưng đó cũng vẫn là quy định về tụ họp đông người và chỉ là tạm thời, vì nếu quy định về quyền biểu tình, nhất là những hạn chế đối với quyền này thì phải bằng luật.

Về phía người dân, tôi cho rằng không nên có những hành vi xâm nhập công sở trái phép; không đập phá, cướp bóc, hủy hoại tài sản, hành hung; nói chung là không có những hành vi trái pháp luật, nhất là pháp luật lao động, pháp luật về trật tự an toàn giao thông và pháp luật hình sự.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm