Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính, tổ chức chiều 31-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thu tăng, chi tiết kiệm là hai việc Bộ Tài chính làm rất tốt trong năm 2024.
Làm tốt việc thu tăng, chi tiết kiệm
Thủ tướng đánh giá cao việc tiết kiệm chi 10% ngay từ đầu năm của ngành Tài chính. “Vừa rồi, tôi chỉ đạo tiết kiệm chi thêm 10% nữa, trị giá khoảng 6.000 tỉ đồng để đưa vào việc xóa nhà dột, nhà tạm, nhà nát cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nếu chúng ta không quyết tâm thì làm sao có được 6.000 tỉ đồng này để làm những việc nhân văn như vậy”.
Đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài chính và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay tình hình năm 2024 có thời cơ và thuận lợi đan xen, khó khăn thách thức nhiều hơn, cạnh tranh chiến lược và chiến tranh giữa các nước, các vấn đề an ninh diễn tiến phức tạp… Cùng với đó, trong nước cũng có nhiều vấn đề nổi lên, chẳng hạn vấn đề già hóa dân số.
Nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng quy mô còn khiêm tốn, các khó khăn nước ta phải đối mặt còn nhiều. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp của Trung ương mà đứng đầu là Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay và sự chung sức của người dân, doanh nghiệp thì kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng.
Trong lĩnh vực tài chính nhiều chỉ tiêu đã đạt, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội được tăng cường, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, biểu hiện là đã nhanh chóng xây dựng lại làng Nủ (Lào Cai) cho người dân và đã khởi công xây dựng cầu Phong Châu (Phú Thọ), có tác dụng củng cố niềm tin của người dân, chứng minh việc “đã nói là làm”.
Trong các điểm sáng, có sự đóng góp của ngành tài chính. Ngành Tài chính đã tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, như việc 1 luật sửa 9 luật, 23 Nghị định hướng dẫn và các thông tư của Bộ.
Đồng thời, thu ngân sách là một thành tích nổi bật và chi ngân sách tiết kiệm với quyết tâm rất cao. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng, phối hợp với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; nuôi dưỡng nguồn thu, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, hỗ trợ người nghèo.
"Bên cạnh đó, chúng ta vẫn giảm, miễn thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, chúng ta cũng kiểm soát được nợ công, nợ Chính phủ ở mức 36-37% và 33-34%, tạo không gian tập trung cho phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước là một bài toán “đau đầu”
Nhìn nhận nhiều mặt tích cực, song Thủ tướng nêu một số vướng mắc, hạn chế vẫn tồn tại. Chẳng hạn như việc giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho rằng nguyên nhân vẫn nằm ở thể chế, ở thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT phải cắt giảm các thủ tục không cần thiết, phân cấp phân quyền mạnh hơn theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
“Buông bỏ cái này ra, không thu vén về để sinh ra tham nhũng, tiêu cực, rồi lại bị kỷ luật, truy tố, rất đau lòng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát, báo cáo về các công trình, dự án còn dang dở, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm về tài sản công. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định về quản lý tài sản công để tháo gỡ các điểm nghẽn lớn.
Mặt khác, theo Thủ tướng, việc cơ cấu, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước là một bài toán “đau đầu”, do đó, cần làm rõ cơ chế đại diện của Nhà nước đối với vốn chủ sở hữu, có giải pháp sử dụng hiệu quả tài sản, tài chính công của khu vực doanh nghiệp Nhà nước trị giá trên 4 triệu tỉ đồng.
Theo Thủ tướng, nguồn vốn nhà nước hiện đầu tư còn rất ít, cần làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp quản lý hợp lý, theo tinh thần quản lý để phát triển trong quá trình sửa Luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh sửa luật để "cởi trói" cho doanh nghiệp Nhà nước và cho rằng, cần đẩy mạnh tinh thần đoàn kết; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nói đi đôi với làm, đổi mới sáng tạo, dám vượt qua chính mình trong thực thi công vụ.
Và để tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, cần phân cấp phân quyền triệt để, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, làm mất thời gian, tăng chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp…