BìnhThuận tiếp tục đề xuất không nhận chìm chất nạo vét

Ngày 7-9, tại cuộc họp báo thường kỳ tỉnh Bình Thuận, ông Võ Thành Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, thừa ủy quyền của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh vừa có công văn gửi Sở TN&MT liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong.

Không nhận chìm 3 triệu m3 vật chất nạo vét tiếp theo?

Theo đó, Bộ TN&MT đã có công văn chấp thuận cho phép đưa 1 triệu m3 chất nạo vét từ Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (350.000 m3) và Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (650.000 m3) sang khu vực lấn biển của dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Do đó UBND tỉnh không xem xét, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm vật chất ở biển theo giấy phép mà Bộ TN&MT đã cấp cho Vĩnh Tân 1 ngày 23-6.

UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT tiếp tục theo dõi nội dung chỉ đạo của Bộ TN&MT để chủ động triển khai kế hoạch phối hợp giám sát, quan trắc môi trường trong hoạt động nạo vét và đổ vật chất nạo vét thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định.

Như chúng tôi đã thông tin, Bộ Công Thương đã lên phương án chia việc xử lý hơn 4 triệu m3 bùn cát nạo vét còn lại thành ba giai đoạn. Ngoài giai đoạn 1 là nạo vét 1 triệu m3 bùn, cát với phương án xử lý như trên, Bộ cũng giao cho các bên liên quan nghiên cứu các phương án khác nhau (chuẩn bị bãi chứa hoặc nhận chìm) để xử lý khối lượng bùn, cát còn lại (trong số này có 950.000 m3 từ Vĩnh Tân 1 và 2,4 triệu m3 nạo vét từ Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Vĩnh Tân 3 và số chất nạo vét từ việc nạo vét duy tu hằng năm các bến của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân) vào các giai đoạn tiếp theo.

Về vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã xác định những vị trí sạt lở ven biển có thể tiếp nhận vật chất nạo vét mà không cần phải nhận chìm xuống biển. Và đây là phương án sử dụng vật chất nạo vét phù hợp, khả thi nếu Bộ TN&MT, Chính phủ đồng ý.

Bản đồ các vị trí sạt lở mà tỉnh Bình Thuận đề xuất có thể chứa 3 triệu m3 bùn, cát nạo vét. Đồ họa: PN

Làm rõ tác động của phương án mới

Được biết sau khi Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 có văn bản kiến nghị giải pháp cho hoạt động nạo vét cảng chuyên dùng, Bộ TN&MT đã có công văn hồi đáp kiến nghị này. Theo đó Bộ TN&MT đã chấp thuận chủ trương cho Vĩnh Tân 1 đổ toàn bộ khối lượng nạo vét sang khu vực lấn biển dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Bộ TN&MT yêu cầu Vĩnh Tân 1 có văn bản báo cáo về những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu đã được phê duyệt.

Trong đó phải làm rõ chín nội dung: Lý do đề nghị thay đổi, điều chỉnh phương án đổ vật chất nạo vét; khối lượng và thành phần vật chất dự kiến đổ sang khu vực lấn biển; vị trí hiện trạng khu vực, khả năng tiếp nhận tại khu vực lấn biển; phương án, công nghệ và tiến độ thực hiện. Cùng đó là biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó lưu ý phòng ngừa rủi ro và sự cố môi trường như vỡ đập kè, rò rỉ; chương trình giám sát và quan trắc môi trường; tóm tắt, giải trình ý kiến các bên liên quan đến hoạt động nạo vét và đổ sang khu lấn biển kèm theo các văn bản, tài liệu chứng minh và cuối cùng là kết luận, cam kết, kiến nghị của Vĩnh Tân 1.

Theo Bộ TN&MT, Vĩnh Tân 1 chỉ được phép triển khai thực hiện việc đổ vật chất nạo vét sang khu lấn biển của dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân sau khi Bộ TN&MT chấp thuận điều chỉnh các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ba vị trí sạt lở có thể tiếp nhận 3 triệu m3

Cụ thể, có ba vị trí ưu tiên hiện nay là bờ biển thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân), cách Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 2 km, đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 800 m, xâm thực vào đất liền 20-30 m. Việc xâm thực này ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của 114 hộ dân sinh sống ven bờ biển.

Cạnh đó là bờ biển thôn Vĩnh Tiến, cách Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân 2 km, cũng bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài lên đến 2.992 m, xâm thực vào đất liền 10-30 m, gây mất an toàn nhà cửa của người dân; làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống dọc bờ biển.

Địa điểm thứ ba là bờ biển khu phố 13, 14 (thị trấn Liên Hương), cách Trung tâm điện lực Vĩnh Tân 15 km, bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.200 m, xói sâu vào đất liền 50-100 m đã làm sập hoàn toàn 25 căn nhà và đang tiếp tục đe dọa đến sự ổn định của hàng trăm căn nhà khác cùng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ba vị trí trên có thể tiếp nhận khoảng 3 triệu m3 bùn, cát nạo vét. Riêng với bờ biển thôn Vĩnh Hưng, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân dự kiến tiếp nhận hơn 2 triệu m3. Đây là hai vị trí nằm sát với khu vực nạo vét của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, vì vậy thuận lợi cho công tác thi công nạo vét kết hợp bồi lấp bờ biển do cự ly vận chuyển gần, tiết kiệm kinh phí đầu tư. Đồng thời, với khối lượng đó có thể sẽ bồi lấp trả lại mặt bằng cho khu vực xã Vĩnh Tân với diện tích lên đến gần 38 ha. Đối với vị trí bờ biển khu phố 13, 14 (thị trấn Liên Hương), bãi đổ tại đây sẽ tận dụng được khối lượng nạo vét khoảng 840.000 m3, lấn biển thêm 12 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm