Liên quan đến Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (ban hành ngày 19-12-2017), báoPháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Bình cho hay: “Từ Đại hội XII đến nay, đảng ta có những nhận thức, phát triển mới về công tác cán bộ. Vậy nên Ban Tổ chức Trung ương tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Quy định 105, vừa tích hợp được hai vấn đề phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, thuận lợi cho việc áp dụng, vừa giải quyết những vấn đề mới đặt ra”.
Phân cấp mạnh, giảm tải cho Ban Tổ chức Trung ương
. Phóng viên: Thưa ông, ở nội dung phân cấp quản lý cán bộ, Quy định 105 có gì mới?
+ TS Nguyễn Thanh Bình: Khóa trước, chúng ta đã sửa, ban hành Hiến pháp mới 2013, rồi sửa đổi, bổ sung một loạt các luật về tổ chức bộ máy. Tổ chức các ban đảng ở trung ương và địa phương cũng có sự điều chỉnh. So với 10 năm trước, một số chức danh không còn nữa, thay đổi hoặc được bổ sung. Chẳng hạn, tổ chức lại hệ thống tòa án, VKS; điều chỉnh thẩm quyền bổ nhiệm một số chức danh tư pháp… Vậy nên một yêu cầu đặt ra cho Quy định 105 lần này là chuẩn hóa lại các chức danh trong hệ thống chính trị.
Một vấn đề mới nữa là phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền quản lý cán bộ. Nhiều chức danh trước đây do Bộ Chính trị quản lý thì giờ phân cấp cho Ban Bí thư quản lý. Nhiều chức danh trước do Ban Bí thư quản lý thì nay phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý. Chẳng hạn, chức danh đại sứ trước thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư thì nay phân cấp cho Ban Cán sự đảng Chính phủ…
. Riêng công tác quy hoạch cán bộ thì sao thưa ông?
+ Công tác quy hoạch cán bộ của các tỉnh, thành, trước đây Ban Tổ chức Trung ương phải xem xét, phê duyệt thì nay được phân cấp cho tỉnh, Thành ủy chịu trách nhiệm. Chỉ riêng khâu này, Ban Tổ chức Trung ương đã giảm đi số hồ sơ của hơn 10.000 nhân sự quy hoạch ban chấp hành, hơn 2.000 nhân sự quy hoạch thường vụ. Chưa kể, theo tinh thần Quy định 105, các tỉnh, Thành ủy tới đây sẽ hướng dẫn, quy định, phân cấp xuống sâu nữa cho địa bàn mình.
Hôm vừa rồi, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính có phát biểu là trên này phải xem xét nhiều hồ sơ quá, đâu có sát được như địa phương, cho nên nhiều khi hình thức, như hợp thức hóa. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Ban Tổ chức Trung ương, mà cả các cấp dưới nữa. Quy định 105 phân cấp mạnh là khắc phục hạn chế, bất cập ấy.
Việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai của cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, làm giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này đã dính nhiều vi phạm. Ảnh: Sở KH&ĐT Quảng Nam
Quy trách nhiệm rõ ràng hơn
. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra một số sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ ở cả địa phương và một số bô,̣ ngành. Nay phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ mạnh hơn như vậy thì có kiểm soát, ngăn ngừa sai phạm được không?
+ Việc đẩy mạnh phân cấp này là trên cơ sở thực tiễn, khoa học, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được tổng kết. Còn việc kiểm tra, giám sát thì lúc nào cũng phải chú trọng. Trong Quy định 105, ở mục thi hành, Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo ban cũng đã yêu cầu các vụ theo dõi địa bàn chủ động, tập trung xây dựng kế hoạch, bám sát địa bàn để thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các bộ ngành, địa phương. Nhiều việc đang làm và sẽ tiếp tục làm.
. Về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, so với quy chế trước đây (Quy chế 68 ban hành năm 2007) thì bổ sung gì?
+ Điểm mới đầu tiên là làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bốn chủ thể tham gia công tác bổ nhiệm, giới thiệu, gồm: Cá nhân, tập thể đề xuất nhân sự; cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ; các cơ quan liên quan đến việc thẩm định; và tập thể quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
So với quy định trước đây, chỉ một dòng chung chung về vấn đề này thì nay bóc tách ra chủ thể nào có thẩm quyền gì, trách nhiệm ra sao. Như thế tránh đùn đẩy trách nhiệm khi công tác cán bộ với nhân sự cụ thể có sai sót, khuyết điểm, vi phạm.
Về tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ đưa ra xem xét bổ nhiệm, giới thiệu thì hồi tháng 8, Bộ Chính trị ban hành Quy định 89 và 90 về khung và tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Quy định 105 làm rõ hơn tiêu chuẩn độ tuổi là đủ để làm việc trọn nhiệm kỳ và phải trong quy hoạch... Khắc phục quy định trước đây, chung chung, dễ tạo sơ hở vận dụng sai.
. Xin cám ơn ông.
Quy trình giới thiệu, bổ nhiệm từ 3 bước lên 5 bước . Ở Quảng Nam khóa vừa rồi, con trai bí thư Tỉnh ủy đã được bổ nhiệm giám đốc sở khi còn rất trẻ, rồi trúng cử Tỉnh ủy viên. Ủy ban Kiểm tra kết luận có nhiều sai phạm về công tác cán bộ nhưng rà lại thì các bước quy trình đều 100% phiếu. Vậy Quy định 105 có cách khắc phục hiện tượng bổ nhiệm thì đúng quy trình nhưng lại chọn không đúng cán bộ? + Hồi tháng 3-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 12 đổi mới quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, từ ba bước lên năm bước. Điểm mới là ngay bước đầu tiên về xem xét về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, phương pháp, cách làm nhân sự thì đã phải đưa ra trao đổi, bàn luận, công khai trong tập thể ban thường vụ, ban chấp hành. Rồi ngay từ đầu, từng thành viên ban chấp hành đã có quyền bỏ phiếu giới thiệu ứng viên. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cấp ủy và thường vụ mới đi vào quy trình chung xây dựng phương án nhân sự… Cách làm mới này phát huy dân chủ, chủ động và trách nhiệm của cả ban thường vụ, ban chấp hành ở bước đầu tiên, với nội dung quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ, của quy trình nhân sự. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng tập thể lãnh đạo là ban chấp hành lại bị động, hay bị áp đặt bởi người đứng đầu hoặc một nhóm nào đó. Ban chấp hành được tham gia từ bước đầu tiên như thế thì sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bỏ phiếu biểu quyết nhân sự. Quy trình năm bước này đã được áp dụng ở nhiều nơi, nhận được nhiều góp ý, đánh giá tích cực. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã tiếp thu, hoàn thiện, tích hợp vào Quy định 105. Với các điểm mới mà tôi nêu trên, Quy định 105 sẽ tạo khuôn khổ đảng quy chặt chẽ hơn, rạch ròi hơn trong phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Tuy nhiên, đây mới là hoàn thiện khung thể chế. Phát huy được hiệu quả nhiều hay ít còn rất cần trách nhiệm, tính gương mẫu, công tâm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các đảng bộ địa phương cũng như tổ chức đảng các bộ, ngành trung ương. Ngoài ra, cũng cần sự vào cuộc giám sát, kiểm tra nghiêm khắc của các cơ quan trung ương nữa. Đây sẽ là một nội dung công tác quan trọng trong năm 2018 của Ban Tổ chức Trung ương. |