Bộ trưởng Nội vụ: ‘Loại ngay cán bộ đánh dân!’

Trước khi đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng ông rất lo lắng vì ông mới nắm lĩnh vực nội vụ được bảy tháng và những vấn đề như cả họ làm quan, bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, cán bộ đánh dân… là những vấn đề rất nóng, dư luận đang bức xúc.

Và ngay trong phần khởi động trước khi vào chất vấn, Bộ trưởng Tân nói: “Tôi mới nhận nhiệm vụ được bảy tháng, nếu tôi có giải thích mà các ĐB chưa hài lòng thì mong các ĐB và nhân dân thông cảm, tiếp tục giúp đỡ Bộ Nội vụ”.

Có nơi liên tiếp bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ

Đúng như dự báo của bộ trưởng, ngay tám câu hỏi chất vấn đầu tiên, các ĐBQH đã đặt ra hàng loạt vấn đề nóng về các vấn đề có liên quan đến ngành nội vụ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hỏi thẳng: “Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ? Trách nhiệm của Bộ Nội vụ và bộ trưởng là gì?”.

Thẳng thắn đáp lại, Bộ trưởng Tân thừa nhận có tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ và Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15-9 và 31-10 về tình hình này. “Nhưng chúng ta cần phân tích rõ là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đủ điều kiện, đúng quy định. Vấn đề này cần có thời gian, Bộ Nội vụ sẽ thanh tra một số nơi để làm rõ vấn đề”, Bộ trưởng Tân lý giải và cho biết: Thanh tra, kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm ồ ạt sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 để chấn chỉnh tình trạng này.

Chưa hài lòng với câu trả lời, bà Nga giơ biển tranh luận tiếp: “Trước dư luận bức xúc của cử tri, báo chí, những nơi là điểm nóng về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ đã có. Chúng ta biết có những nơi có hai nhiệm kỳ liên tiếp có hiện tượng này. Bốn tháng tôi nghĩ cũng đủ thời gian để thanh tra. Đề nghị bộ trưởng cho thanh tra ngay”.

Sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hứa với ĐB Nga: “Ngày mai (tức 17-11 - PV) Bộ Nội vụ sẽ gửi báo cáo sơ bộ về tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ cho ĐB”.

Chặn nạn dùng “đúng quy trình” làm rèm che

Vấn đề lạm dụng “bổ nhiệm đúng quy trình” để làm bệ đỡ cho nhiều nơi tiếp tục đặt Bộ trưởng Tân vào “tuyến lửa”. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: “Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt. Nhưng cụm từ “đúng quy trình” đang bị lợi dụng, là “bà đỡ”, là “rèm che” cho những sai phạm trong bổ nhiệm khiến cho tình trạng “chọn người nhà mà không chọn người tài” xảy ra, nhân dân xói mòn niềm tin. Vậy bộ trưởng cho biết cần phải làm thế nào để chọn lựa được người tài, cứu nguy cho đất nước?”.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời: Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ rà soát những thông tin báo chí nêu về hiện tượng bổ nhiệm người nhà. Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng này ở chín địa phương và đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND chín địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, điều kiện.

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng tuyển người nhà mà không tuyển người tài, Bộ trưởng Tân cho rằng: Công tác này cần phải công khai, minh bạch, dân chủ. “Bộ Nội vụ cũng kiến nghị xem xét kỷ luật những trường hợp tham mưu bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình, đồng thời cũng kiến nghị rút lại các quyết định bổ nhiệm không đúng trong thời gian vừa qua” - Bộ trưởng Tân nói.

Dẫn vụ việc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo, Bộ trưởng Tân cho hay thông tin như báo chí nêu là đúng. Bộ Nội vụ đã cử đoàn kiểm tra, thanh tra và kết quả là sở này thừa tám phó phòng. “Có một người xin về nhiệm vụ cũ, bảy người còn lại xin không nhận chức phó phòng. Bộ Nội vụ đã kiến nghị phải xử lý nghiêm cả những người tham mưu, đề bạt, bổ nhiệm phó phòng vượt quá quy định tại sở này làm dư luận bức xúc” - Bộ trưởng Tân thông tin.

Bộ trưởng Tân cũng thừa nhận “còn nhiều khoảng hở” trong việc bổ nhiệm cán bộ, vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các cấp; khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng yêu cầu, tiêu chuẩn mà không ai chịu trách nhiệm. “Nơi nào đủ điều kiện đổi mới tuyển chọn cán bộ thì làm công khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm” - ông chia sẻ.

Công bộc của dân sao lại đánh dân?

Bộ trưởng Tân trả lời dứt khoát như vậy khi trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương về hiện tượng gần đây nhiều cán bộ, công chức đánh dân, hành hung nhà báo. Chất vấn bộ trưởng, ông Cương hỏi: “Một số cán bộ, công chức có còn là công bộc của dân hay không khi đánh người dân, đánh nhà báo như vừa qua?”.

Đáp lời, Bộ trưởng Tân dứt khoát: “Đây là kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức. Chính phủ có Nghị quyết 07 và gần đây Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ Nghị định 26 về quản lý cán bộ, công chức có văn hóa công chức, xây dựng văn hóa công sở. Những trường hợp cán bộ đánh người như ĐB Cương nêu, chúng ta nên loại ngay ra khỏi bộ máy. Họ không xứng đáng là công bộc của dân”.

Như đồng điệu với bức xúc của ĐB và nhân trước các hành xử phi pháp này, Bộ trưởng Tân nhấn mạnh thêm đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp, chúng ta còn đưa ra khỏi bộ máy thì những công chức, cán bộ đánh người cần phải xử lý nghiêm và loại bỏ ngay lập tức...

Xử lý ông Vũ Huy Hoàng: Không phải nghỉ hưu là hạ cánh an toàn

Bộ trưởng Nội vụ: ‘Loại ngay cán bộ đánh dân!’ ảnh 2

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng, ảnh) đặt vấn đề: “Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết luận nhiều sai phạm về nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đã cách chức bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011-2016. Đề nghị bộ trưởng cho biết hình thức xử lý về mặt Nhà nước đối với ông Hoàng. Xin lưu ý rằng ông Hoàng đã được miễn nhiệm, không còn là cán bộ, công chức nữa”.

Bộ trưởng Tân cho biết: Đây là việc chưa có tiền lệ nên Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Ban Cán sự Đảng của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH… Luật Cán bộ, Công chức hiện nay chưa có quy định xử lý cán bộ hưu trí. Bộ Nội vụ chuẩn bị tổng kết 10 năm thi hành luật này và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để sửa luật này nhằm xây dựng hành lang pháp lý lâu dài cho việc xử lý các cán bộ có sai phạm nhưng đã về hưu.

“Đây là quyết tâm chính trị về việc xử lý các cán bộ, dù tại chức hay về hưu cũng sẽ bị xử lý chứ không phải nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là cảnh báo cho các đồng chí đang tại chức, cần làm đúng các quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Tân nói.

Truy vấn vụ ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đi lặng lẽ’

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam, ảnh) chất vấn: “Trịnh Xuân Thanh một mình không thể làm được những việc tày đình. Xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao ông Thanh lại được tặng thưởng huân, huy chương mặc dù công ty của ông Thanh làm ăn thua lỗ, rồi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, để khi bị khởi tố thì ra đi êm ả. Xin bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” như ông Trịnh Xuân Thanh? Giải pháp nào để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới. Đề nghị đồng chí bộ trưởng Bộ Công an cũng trả lời cho ĐB và công luận biết về trách nhiệm giám sát thế nào mà để ông Trịnh Xuân Thanh “ra đi lặng lẽ”, rồi phát lệnh truy nã như kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.

Bộ trưởng Nội vụ: ‘Loại ngay cán bộ đánh dân!’ ảnh 3

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Tân nói rằng: “Tôi sẽ trả lời rõ ràng về trách nhiệm của cá nhân cũng như tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ trong việc này vào ngày mai”. Bộ trưởng Tân cũng cho hay: Ban Cán sự Đảng đã kiểm điểm rất nghiêm túc, tự nhận hình thức kỷ luật, ai sai tới đâu nhận tới đó.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy