Trong phiên chất vấn bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội chiều 16-11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt. Nhưng cụm từ “đúng quy trình” đang bị lợi dụng, là “bà đỡ”, “rèm che” cho những sai phạm trong bổ nhiệm khiến tình trạng chọn người nhà mà không chọn người tài xảy ra, nhân dân xói mòn niềm tin. Vậy Bộ trưởng cho biết cần phải làm thế nào để chọn lựa được người tài cho đất nước?”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: “Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ rà soát những thông tin báo chí nêu về hiện tượng bổ nhiệm người nhà. Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng này ở chín địa phương.
Bộ Nội vụ cũng đã cử ba đoàn kiểm tra những thông tin báo chí nêu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND chín địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình của Đảng, Nhà nước trong việc tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo”.
Về giải pháp ngăn chặn tình trạng tuyển người nhà mà không tuyển người tài, Bộ trưởng Tân cho rằng công tác này cần phải công khai, minh bạch, dân chủ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
“Bộ Nội vụ cũng kiến nghị xem xét kỷ luật những trường hợp tham mưu bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện… đồng thời rút lại các quyết định bổ nhiệm không đúng quy trình trong thời gian vừa qua” - Bộ trưởng Tân thông tin.
Đại biểu Lê Thị Nga với câu hỏi về tình trạng "tranh thủ" bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ.
Đối với vụ việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo, Bộ trưởng Tân nói thông tin như báo chí nêu là đúng. Bộ Nội vụ đã cử đoàn kiểm tra, thanh tra và kết quả là sở này thừa tám phó phòng.
“Có một đồng chí xin về nhiệm vụ cũ, một đồng chí xin không nhận chức phó phòng” - ông Tân nói.
Trong vụ việc này, Bộ Nội vụ đã kiến nghị phải xử lý nghiêm cả những người tham mưu, đề bạt, bổ nhiệm phó phòng vượt quá quy định tại sở này làm dư luận bức xúc.