Nhà công vụ: Không trả sẽ bị cưỡng chế

Với tỉ lệ 77,46% đại biểu tán thành, chiều 25-11, Quốc hội (QH) đã thông qua dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Điểm nổi bật của Luật Nhà ở sửa đổi lần này là đưa ra nhiều điều kiện khá chặt chẽ để hạn chế tình trạng “nhà công vụ thành nhà tư vụ” như thời gian qua. Cùng với việc kiểm soát chặt nhà công vụ, luật lần này đã nới rộng điều kiện người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.

Hết hạn ở nhà công vụ phải trả lại

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết nhiều ý kiến cho rằng quy định về đối tượng được thuê nhà ở công vụ như dự thảo luật là quá rộng, chưa khắc phục được tình trạng bao cấp về nhà ở công vụ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng thu hẹp đối tượng được ở nhà công vụ.

“Cụ thể đối với cán bộ, công chức ở trung ương được thuê nhà ở công vụ phải từ cấp tổng cục trưởng và tương đương trở lên. Còn nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên. Các đối tượng này phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác. Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sĩ” - ông Lý nói.

Theo quy định tại Điều 34 về quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ của luật này, những trường hợp được thuê nhà ở công vụ chỉ được sử dụng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác chứ không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ. Đồng thời, những trường hợp được thuê nhà công vụ phải trả lại nhà ở công vụ khi không còn thuộc đối tượng được thuê, hoặc khi không còn nhu cầu thuê, hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở.

Theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, quyền lợi người mua nhà ở hình thành trong tương lai sẽ được đảm bảo hơn. Ảnh: HTD

Ngoài ra, theo Điều 84 về thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của dự luật quy định tám trường hợp bị thu hồi nhà công vụ. Bên cạnh những trường hợp cho thuê, cho mượn nhà ở công vụ không đúng quy định hoặc hết hạn ở nhà công vụ thì nhà công vụ cũng bị thu hồi nếu người được thuê nhà ở công vụ chết. Những trường hợp không bàn giao lại nhà ở công vụ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.

Được nhập cảnh thì được mua nhà

Liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại chương IX (từ Điều 159 đến Điều 162), ông Lý cho biết dự luật lần này quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, không ít đại biểu tỏ ra lo lắng về việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà như vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của đất nước.

Để bảo đảm điều này, ông Lý cho hay dự thảo luật đã có các quy định chặt chẽ chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỉ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu… “Quy định này được xây dựng trên cơ sở tổng kết thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Singapore...” - ông Lý nhấn mạnh.

Theo Điều 160 của dự thảo luật quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đối với tổ chức nước ngoài thì phải có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam. Còn đối với cá nhân nước ngoài phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của luật.

THU HẰNG

Khách hàng có quyền biết tiền chủ đầu tư ứng trước sử dụng ra sao

Chiều cùng ngày, QH đã thông qua dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi. Vấn đề khiến nhiều người lo lắng lâu nay trong các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai đã được dự luật lần này quy định khá chặt chẽ.

Theo đó, để tăng cường thêm các biện pháp bảo vệ người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung quy định bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng dự án, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình.

Ngoài ra luật cũng đưa ra nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong giao dịch đối với nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể như quy định chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo hợp đồng, chỉ được thu tiền ứng trước của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và phải được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra đủ điều kiện của nhà ở được phép bán, cho thuê mua. Đồng thời, lần đầu chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng và không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, không quá 95% giá trị hợp đồng khi khách hàng chưa được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng đúng mục đích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm