“Nhà nước cần đất mở rộng TP làm khu đô thị (KĐT) mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng hơn 20 năm qua, KĐT mới Thủ Thiêm chỉ là những villa, bán đất, phân lô, xây chung cư...”. Ông Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 7 vào ngày 9-5.
Nhiều cử tri đã bật khóc khi nói về tình cảnh của họ vì dính đến dự án trên.
Cử tri bật khóc khi nói về Thủ Thiêm
Đoàn ĐBQH TP tiếp xúc với cử tri quận 2 gồm Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TP.
Ngay từ những phút đầu, hội trường đã nóng lên với hàng trăm phóng viên các báo đến dự đưa tin và nhiều cuộc đối thoại với người dân diễn ra trước cả khi buổi tiếp xúc bắt đầu. Người dân Thủ Thiêm mang theo nhiều tài liệu, hồ sơ, bản đồ quy hoạch... để phản ánh với các ĐBQH.
Với hơn 50 ý kiến của cử tri tại hội trường chủ yếu xoay quanh hai vấn đề chính: Ranh dự án KĐT mới Thủ Thiêm tới đâu? Có hay không tiêu cực trong việc thu hồi đất của người dân Thủ Thiêm để thực hiện các dự án tại KĐT này?
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho hay nhà bà đã bị giải tỏa để thực hiện KĐT mới Thủ Thiêm. May mắn là bà vẫn còn có quê để về sinh sống nhưng bao năm qua vẫn uất ức vì hơn 3.000 m2 đất của gia đình chỉ được trả 150.000 đồng/m2. “Sau bao năm trở lại KĐT mới chỉ thấy toàn dự án nhà ở mọc lên, giá bán hàng chục, hàng trăm triệu đồng/m2, nghĩ mà xót” - bà nghẹn ngào nói.
Cử tri Nguyễn Hồng Quang trưng ra tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, tỉ lệ 1/10.000, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của đoàn ĐBQH TP.HCM đơn vị số 7, ngày 9-5. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lấy thêm nhà, đất của dân ngoài ranh dự án?
Cuộc tiếp xúc thêm căng thẳng khi cử tri Nguyễn Hồng Quang trưng ra tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm khoảng 4 m2. Ông Quang cho biết đây là bản đồ 255 (tỉ lệ 1/10.000) quy định các khu vực được bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
“Chúng tôi muốn qua bản đồ này để khẳng định nhà, đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Nếu Nhà nước cần đất mở rộng TP, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua, chưa thấy cái gì thành hình, tất cả chỉ là bán đất, phân lô, xây chung cư...” - cử tri Quang bức xúc.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê đã xuống tận nơi xem tấm bản đồ này.
Cử tri Đặng Thị Bích Ngọc cho rằng Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, quy mô 930 ha bao gồm hai phần: KĐT mới 770 ha và khu tái định cư 160 ha. Trong phần 770 ha KĐT mới có 637 ha phần đất và kênh rạch. Nếu lấy tổng diện tích đất tự nhiên của ba phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh trừ đi phần diện tích phê duyệt theo Quyết định 367 vẫn còn dư 49 ha. Như vậy, ranh quy hoạch KĐT Thủ Thiêm ban đầu không liên quan gì đến khu dân cư phường Bình An và Bình Khánh.
Tuy nhiên, sau này nhà bà Ngọc và khu dân cư tại đây lại bị thu hồi. Tại chính khu đất thu hồi này lại phê duyệt dự án khu dân cư phía Bắc. “Như vậy việc đẩy người dân đi và lập khu dự án dân cư phía Bắc có được báo cáo Thủ tướng không? Việc TP điều chỉnh đồ án quy hoạch không theo Quyết định 367 của Thủ tướng có đúng quy định hay không?” - bà hỏi.
Dân bức xúc về bản đồ gốc
Bà Trần Thị Mỹ, phường An Khánh cho rằng quyết định của Thủ tướng là quyết định mang tính nhân văn, phân rõ khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, chứ không phải lấy thêm đất của dân ngoài ranh còn phần tái định cư phân bổ rải rác nhiều nơi như sau này.
“Trong chia sẻ của ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND TP.HCM, ông nói đồng tiền đã làm biến đổi bản chất KĐT mới Thủ Thiêm. Tôi đồng ý với ý kiến này của vị cựu chủ tịch. Bởi từ khi được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch Thủ Thiêm còn dở dang, đất được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Còn nhà tôi bị thu hồi, được bồi thường chỉ 200.000 đồng/m2” - bà Mỹ nói.
Đề cập đến việc thất lạc bản đồ, cử tri Lê Thị Ngọc Nga cho rằng cơ quan chức năng nói không có bản đồ KĐT mới Thủ Thiêm thì “tôi cho là đã bị thủ tiêu”. “Nay ông Võ Viết Thanh đã trưng bày bản đồ cho người dân rõ, như vậy tôi đề nghị trả lại nhà và đất cho tôi” - bà Nga đề nghị.
Cử tri Lê Văn Lung, phường Bình An cho hay sau nhiều năm căn nhà bị cưỡng chế, người dân đã mệt mỏi, chán nản. “Bộ bản đồ vừa qua mà TP nói mất, nếu tìm được rồi thì xem lại, rồi trả đất cho dân. Hãy xem lại tập bản đồ mà cựu Chủ tịch Võ Văn Thanh cung cấp, rồi giải quyết cho dân” - ông Lung nói.
Trả dân 18 triệu, bán 350 triệu đồng/m2
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết đặt vấn đề về tiêu cực trong việc thu hồi đất khi cho biết bà liên hệ phòng kinh doanh của dự án KĐT Sala, tại khu vực nhà cũ của mình để hỏi giá. “Họ nói 350 triệu đồng/m2 và đã hết hàng, đến năm sau mới có một số căn nữa bán giá 23 tỉ đồng. Nhà nước bồi thường cho chúng tôi 18 triệu đồng/m2, mà giờ công ty này bán lại giá cao như vậy. Làm như thế là ép dân quá, trong khi người dân đa số rất nghèo” - bà bày tỏ. Theo bà, nếu chủ đầu tư bán 350 triệu đồng thì ít nhất cũng phải bồi thường 50 triệu đồng/m2 mới tạm chấp nhận được.
Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh, phường Thạnh Mỹ Lợi đề nghị phải làm rõ với nhân dân về bốn con đường “dát vàng” chưa đầy 12 km nhưng tiêu tốn hết 12.000 tỉ đồng ở KĐT mới Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Phi Thường (71 tuổi, phường An Khánh) đã đề nghị trung ương cử một đoàn thanh tra vào thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm.
Đề nghị giữ lại nhà thờ Thủ Thiêm Ông Nguyễn Hoàng Vân, cử tri phường Bình An đề nghị giữ lại nhà thờ Thủ Thiêm. Điều này cũng nằm trong kế hoạch của bản thiết kế đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt vào năm 1996 không giải tỏa những nơi mang tính tâm linh của người dân như nhà thờ, đình, chùa... |