Đường kiểu mẫu không khác dự án… bán nhà

Vậy thì đừng nên coi nó là kiểu mẫu mà oan uổng cho nó, nó chỉ là quy hoạch cho một dự án bán nhà, bán đất nào đó thôi.

Mà dự án này quy hoạch kiến trúc xấu òm và xấu đều, chắc chẳng có ai thèm mua.

Phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được xem là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với thiết kế và quy hoạch đồng bộ. Tuy nhiên, con phố này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

“Tình trạng của ta đang lộn xộn giống Ấn Độ mà muốn cải tạo một bước lên thành Âu Mỹ thì làm sao được. Muốn học cái hay của người ta nhưng lại học sai. Chuyện làm các căn nhà, các con phố giống hệt nhau là kiểu của… Campuchia chứ không phải của các nước phát triển” - KTS Trần Đình Nam nói.

Ý tưởng “đồng bộ”, “kiểu mẫu” sai từ trong bản chất

. Phóng viên: Dư luận đang bàn tán nhiều về phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn ở TP Hà Nội. Xin ông chia sẻ quan điểm về con phố này?

+ KTS Trần Đình Nam, ĐH Kiến trúc TP.HCM: Ngay ý tưởng làm các bảng hiệu giống nhau đã là suy nghĩ lạc hậu hơn cả ý tưởng quy hoạch từ cách đây mấy trăm năm. Tôi hay ví kiểu làm này trong kiến trúc là “trại tập trung”.

Ý tưởng “kiểu mẫu”, “đồng bộ” sai từ trong bản chất quy hoạch kiến trúc đô thị. Mỗi con phố đều có một bản sắc riêng, không thể đem bản sắc của một con phố nhân lên cho tất cả con phố còn lại của TP. Chỉ nên nhìn nhận những con phố đẹp, giàu bản sắc chứ không nên có khái niệm “đồng bộ”, “kiểu mẫu”.

. Có ý kiến cho rằng có thể TP Hà Nội chỉ muốn chấn chỉnh tình trạng lộn xộn của các dãy nhà phố hiện nay. Ông nghĩ sao?

+ Với những căn nhà còn đang trong tình trạng lộn xộn ở đường Lê Trọng Tấn hiện nay cho thấy con đường này chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản cho chuyện quy hoạch con phố đẹp. Ta dẹp cái lộn xộn đi không có nghĩa là đánh đồng, mình phải nhận biết được chỗ nào là lộn xộn để mình thay đổi nó, để nó hài hòa với nhau. Tuyệt đối không phải vì dẹp lộn xộn mà bắt phải rập khuôn. Cần những người có trình độ chuyên môn mới làm được việc này.

. Vậy ông cho rằng đâu là động cơ ra đời con phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn hiện nay?

+ Có lẽ từ một cơn ngẫu hứng cải tạo kiến trúc nào đó của các ông quản lý đô thị TP Hà Nội. Nó làm tôi nhớ đến sự kiện khoảng năm 2006-2007, ta bỗng dưng có chủ trương Việt hóa các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài ra thành “Măng Gồ”, “Ạc Ma Nì”, “Lâm Bồ Ghi Nì”… Đương nhiên chủ trương phải phá sản ngay từ trứng nước vì không ai chấp nhận một chuyện phi lý như vậy ở thế kỷ 21.

Cần người quản lý đô thị có trình độ cao mới chỉ đạo được xu hướng cho khu phố xứng “kiểu mẫu”. Trong ảnh: Phố Lê Trọng Tấn với dãy bảng hiệu đồng bộ đang bị phản đối.

Hãy nhìn vào phố Hội An mà làm

. Theo ông, một con phố được quy hoạch như thế nào mới đúng là “đẹp”, chứ không phải là “kiểu mẫu” theo cách nói của ông?

+ Người quản lý đô thị phải nhìn thấy phong cách riêng của khu phố đó. Dù khu phố đó theo phong cách kiến trúc đầu thế kỷ, của thế kỷ 20 hay hoàn toàn hiện đại thì người quản lý đô thị cũng đều định ra, đưa ra được một “luật” riêng cho kiến trúc khu phố. Nếu ở khu phố đó có nhiều căn nhà cổ thì khi thiết kế những căn nhà mới, người ta phải đảm bảo những nguyên tắc để nhà mới không chỏi so với tổng thể con phố. Chẳng hạn, phải hạn chế một số loại vật liệu như mái tôn, kính… Những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như McDonald, Starbuck… khi mở cửa hàng ở những con phố cổ thì những bảng hiệu cũng mộc mạc hơn so với ở những con phố hiện đại. Cá tính và phong cách kiến trúc của từng con phố, cá tính của từng thương hiệu phải kết hợp tốt với nhau.

Quy hoạch phố ở các nước phát triển quy định năm loại lô đất. Mỗi lô đất có 5-10 mẫu thiết kế. Những luật đưa ra rất đơn giản, ví dụ không làm hàng rào cao quá 1 m. Tôi đi vào một khu biệt thự thấy rất dễ thương. Nhà sơn khác nhau, kiểu mẫu khác nhau nhưng cùng một phong cách, toàn bộ là mái ngói hoặc toàn bộ mái bằng.

. Trong thực tế, ông nhận thấy đâu mới là con phố thực sự đẹp, thực sự có bản sắc riêng?

+ Những đô thị rất đẹp ở châu Âu, ở Mỹ đều có rất nhiều con phố như vậy.

Dễ thấy hơn, một đô thị có từ cách đây mấy trăm năm đến nay vẫn còn đẹp là khu phố cổ Hội An của ta. Cái đẹp của nó không phải nhờ cổ xưa, nhờ mái dốc mà cái đặc sắc là ở chỗ không căn nhà nào giống căn nào. Mỗi căn nhà đều có nét riêng ở chiều rộng, màu sắc, kiểu cửa… Cho đến bây giờ chẳng ai bàn cãi về sự đồng bộ của nó bởi vì nó đã hoàn chỉnh từ lâu. Các thương hiệu lớn vẫn đổ vào đây, biển hiệu được trưng ra rất hài hòa với kiến trúc. Bây giờ nếu bắt các biển hiệu ở đây “mặc đồng phục” thì không khác nào phá hoại phố Hội An.

Sẽ thật kinh khủng nếu nhân lên nhiều đường “kiểu mẫu”

. Nói thí điểm khu phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn hiện nay có nghĩa con phố này sẽ được nhân rộng ra. Hình dung của ông cả TP Hà Nội đều có những con đường giống hệt đường Lê Trọng Tấn thì bộ mặt kiến trúc của Hà Nội sẽ ra sao?

+ Sẽ rất kinh khủng. Chắc chắn sẽ không có ai đồng ý. Trong một đô thị, bản thân mỗi con phố đã khác nhau, không cần thiết phải quy hoạch cả TP theo một kiến trúc đặc trưng.

. Và nếu TP.HCM cũng áp dụng theo thì sao?

+ Không bao giờ cái chuyện bắt chước này xảy ra. Nó sẽ gặp sự phản đối dữ dội của người Sài Gòn. Ngay cả người Hà Nội còn không chịu nổi chứ đừng nói tới người Sài Gòn.

Thực lực kém, phương pháp tệ

. Theo ông, cần phải làm gì để TP Hà Nội đạt được mục đích tốt đẹp là làm ra những con đường năng động, văn minh, hiện đại?

+ Có thể nào đạt được mục đích tốt với thực lực kém và giải pháp tệ!

. Nhìn rộng ra với tình trạng quy hoạch đô thị còn nhiều lộn xộn ở các TP lớn như TP.HCM, ông nghĩ ta nên làm gì?

+ Chỉ nên làm những gì ta đang làm tốt, ở trong tầm tay chứ đừng nghĩ đến chuyện lớn lao quá. Chẳng hạn như cải tạo đường sá, trồng cây xanh. Năm nay Sài Gòn làm tốt chuyện thay đổi lề đường, trồng dãy cây xanh cho các tuyến đường lớn, tăng mảng xanh cho TP. Còn mặt tiền những khu buôn bán thì cũng khó làm cho đẹp mắt. Nhưng nếu rơi vào tay những người có trình độ chuyên môn cao thì vẫn có thể làm được, chẳng hạn hai khu phố cổ hai bên chợ Bến Thành, nếu quản lý tốt ta sẽ có hai khu phố rất đẹp, mang đậm sắc thái Sài Gòn.

. Xin cám ơn ông.

Luật sư HUỲNH TRUNG HIẾU:

Không phạm luật nhưng quyền lợi bị ảnh hưởng trầm trọng

Đường kiểu mẫu không khác dự án… bán nhà ảnh 3

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không quy định nội dung quảng cáo là yếu tố cấu thành trong biển hiệu. Do vậy theo tôi, quy định của UBND TP Hà Nội về xây dựng biển hiệu chung là phù hợp với pháp luật quảng cáo hiện nay.

Riêng về yếu tố sở hữu trí tuệ của bảng hiệu thì quy định của UBND TP Hà Nội không áp đặt, điều chỉnh các quyền sở hữu trí tuệ vì mỗi doanh nghiệp có quyền lựa chọn nơi kinh doanh và đặt biển hiệu quảng cáo, không nhất thiết trong các khu vực bị hạn chế.

Tuy nhiên, quy định cũng không nên máy móc buộc phải thực hiện đồng bộ vì doanh nghiệp đâu chỉ có nhu cầu đặt biển hiệu mà đặt biển hiệu để quảng cáo vẫn là mục đích chính của họ. Do vậy quy định biển hiệu phải gắn với yếu tố quy hoạch đô thị, quy hoạch hoạt động quảng cáo tại từng khu vực, nơi thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, tránh tình trạng không doanh nghiệp nào chọn những khu vực hạn chế làm nơi kinh doanh của họ. Điều này không chỉ địa phương bị thiệt vì môi trường kinh doanh không thuận lợi mà quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng một cách trầm trọng.

Họa sĩ NGÔ LỰC:

Đường kiểu mẫu chỉ triệt tiêu ý tưởng sáng tạo

Đường kiểu mẫu không khác dự án… bán nhà ảnh 4

Với đường kiểu mẫu quy định hai màu xanh và đỏ. Câu hỏi đặt ra là ý tưởng cho con đường kiểu mẫu là gì, nằm ở đâu? Tại sao, vì sao lại chọn hai màu xanh và đỏ? Anh nhìn vào biển hiệu hai màu xanh, đỏ sức hấp dẫn ở đâu, vì sao? Nhìn vào hai màu xanh và đỏ ấy có thấy đột phá không? Làm sao để các thương hiệu giữ được tính sáng tạo trong ngành biển hiệu quảng cáo? Cụ thể làm sao để các thương hiệu có thể nổi bật được thương hiệu của mình?...

Trong ngành mỹ thuật màu xanh và màu đỏ với thị giác là màu nguyên bản, màu mạnh nhất. Làm thế nào để có thể nổi bật hơn hai màu này đây.

Nếu mục đích đầu tiên của phố kiểu mẫu là sự đồng bộ thì đồng bộ cũng phải có tính đột phá. Và đem lại cảm xúc cho mọi người… Một khi sự đồng bộ tầm thường quá thì lại tôn vinh tầm thường lên một chút. Đồng bộ phải có tính đột phá… chứ không phải ấn định hai màu nhìn thấy chán ngắt.

Trong ngành quảng cáo có âm có dương, nếu đứng trước một nơi nhiều màu sắc người ta luôn phải sáng tạo là làm sao để nổi lên. Vậy ấn định hai màu đỏ xanh chẳng khác nào triệt tiêu ý tưởng sáng tạo và làm vô hiệu hóa công nghệ quảng cáo.

Nếu có quy hoạch thì quy hoạch đồng bộ phần khung là được rồi, còn về màu sắc thì hãy để cho sáng tạo, thuộc về thẩm mỹ hội họa.

Chứ như hiện nay làm như thế chỉ mới gọi là có manh nha sự đồng đều, trái với sự lộn xộn thôi chứ chưa có gì.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm