Cũng dễ hiểu vì sự quy củ của một tuyến phố đã được tiến hành một cách trơn tru, ít nhiều nhận được sự ủng hộ, nhưng lại gây ra những quan ngại về tự do kinh doanh và sở hữu trí tuệ.
Lật lại Nghị định 103/2009 của Chính phủ, Luật Quảng cáo năm 2012, tuyệt nhiên không hề có quy định về việc biển hiệu, biển quảng cáo phải sử dụng những màu cụ thể nào. Để đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị, Luật Quảng cáo cũng chỉ quy định kích thước của biển hiệu từ 20 m2 trở lên phải xin phép, cũng như quy định cụ thể về số lượng biển hiệu ngang, dọc mà một cửa hàng, công ty… được phép treo.
Những nhà hoạch định chính sách trong trường hợp trên chắc chắn đã không hạn chế sự sáng tạo, vốn là động lực quan trọng của phát triển, trong lĩnh vực này.
Hơn nữa Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 72 về nhãn hiệu được bảo hộ nêu rõ: Nhãn hiệu được bảo hộ là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Màu sắc vì thế là một thành tố quan trọng làm nên nhãn hiệu.
Vậy sẽ ra sao nếu những nhãn hiệu của các công ty, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng màu nền là xanh hoặc đỏ? Nên nhớ, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.
Vậy khi phải sử dụng “đồng phục” như biển hiệu ở đường Lê Trọng Tấn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hay không?
Hơn nữa, để xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu, chắc hẳn các công ty, hộ kinh doanh tốn không ít kinh phí và tâm sức. Phải chăng nếu họ phải sử dụng một trong hai màu xanh, đỏ là họ đang bị cưỡng bức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của mình?
Ở một góc độ khác, cần phải đặt ra câu hỏi: Việc quy định “đồng phục” biển hiệu có vi phạm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay không?
Những câu hỏi trên cần được cơ quan chức năng của quận Thanh Xuân trả lời một cách thấu đáo.