Giải pháp nào cho điểm nóng Đồng Tâm?

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định như vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đại truyền hình Hà Nội (HTV) hôm qua, 18-4. Ông Toàn là Trưởng ban giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ đô, được Thành ủy phân công trực tiếp chỉ đạo giải quyết sự việc dân bắt giữ công an, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Cuộc phỏng vấn của HTV được Đài truyền hình quốc gia VTV phát lại ở phần cuối chương trình thời sự tối cùng ngày.
Xem xét thoả đáng kiến nghị của người dân
Theo ông Toàn, tình hình an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm đã phức tạp nhiều năm nay. Thời gian vừa qua, người dân Đồng Tâm liên tục khiếu nại, tố cáo về vi phạm đất đai cũng như tham nhũng của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã. Hà Nội đã chỉ đạo huyện Mỹ Đức kiểm tra, thanh tra và đi đến kỷ luật 08 đảng viên, khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với nguyên bí thư, nguyên chủ tịch, cán bộ địa chính xã Đồng Tâm.
Thời gian gần đây, khi Viettel thực hiện dự án, người dân đã cản trở, cho rằng đây là đất nông nghiệp do dân canh tác chứ không phải đất quốc phòng. Theo ông Toàn, thành phố và huyện đã đối thoại, thuyết phục nhưng một số người dân vẫn chống đối.
Đây là lý do dẫn tới việc Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, bắt giữ 04 người ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, và liên quan cuộc bắt giữ này, người dân đã không chế, giữ 38 người trong lực lượng công an, tổ công tác của huyện Mỹ Đức…
Cũng theo Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, thành phố đã chủ động trao đổi, tiếp xúc, đối thoại, và sẽ tiếp tục kiên trì vận động, sẵn sàng đối thoại với bà con Đồng Tâm, để người dân nhận thức đúng đắn vấn đề, hợp tác với chính quyền, giải quyết mọi chuyện một cách thấu đáo. Các kiến nghị của người dân về đất đai, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan xem xét một cách thỏa đáng.
“Quan điểm trước sau như một của thành phố là tìm mọi cách ổn định tình hình xã Đồng Tâm, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ, và sinh hoạt của người dân”, vị lãnh đạo thành phố trực chiến tại Mỹ Đức nhấn mạnh.
Tường trình từ điểm nóng
Tiếp cận khu vực xã Đồng Tâm, chiều 17-4, phóng viên Pháp Luật TP.HCM nhận thấy tâm lý người dân khá lạc quan. Tại các đầu ngõ xóm dẫn vào thôn Hoành vẫn ngổn ngang vật cản, người dân vẫn cảnh giác với người lạ, song nhiều người trong số họ bày tỏ sự quan tâm, hi vọng về khả năng “trao đổi người”.
Sáng hôm ấy, đã có thông tin một số người bị Công an Hà Nội giữ hai hôm trước sẽ được thả, và thực tế đến trưa đã có người về tới nhà. Các cuộc họp dân Đồng Tâm hôm ấy hé lộ khả năng sẽ bàn giao cho nhà chức trách một số người đã bị dân giữ, mà ưu tiên đầu sẽ là các chiến sĩ cảnh sát cơ động.
Những lời bàn tán như vậy có từ giữa giờ chiều nhưng kết quả thực tế cho thấy việc thực hiện các giải pháp hạ nhiệt là không dễ dàng. Đã có những hồi kẻng gọi dân đi họp, nhưng tới 6 giờ 30 tối, tại lối ra - vào phía sau xã, nối với cổng Trung tâm Huấn huyện Miếu Môn của Bộ Quốc phòng, vẫn chưa có cán bộ, chiến sĩ công an nào được đưa ra. Và như lời Thiếu tướng Bạch Thành Định – Phó giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội chia sẻ với báo chí sáng 18-4, chính quyền đã phải ba lần điều xe ra vào, mãi tối mịt mới đón được 15 cảnh sát cơ động ra ngoài…

Hà Nội thông tin chi tiết về vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức - ảnh 1
Người dân xã Đồng Tâm lập các điểm kiểm soát đường ra vào thôn xóm, cắt cử người trông coi 24/24 giờ. Ảnh: NN-VL

Không khí lạc quan từ hôm trước đến chiều hôm sau lại có phần chùng xuống. Chiều 18-4, trở lại Đồng Tâm, nhóm phóng viên Pháp Luật TP.HCM và ba báo khác vấp phải những phản ứng căng thẳng, thậm chí là hăm dọa từ một số thanh niên thôn Hoành…
Đâu là giải pháp?
Đối thoại, dù bằng hình thức gì, có lẽ là giải pháp tốt nhất trong tình hình căng thẳng nghiêm trọng này. Những cán bộ, chiến sĩ công an Mỹ Đức và thành phố Hà Nội, cũng như cán bộ huyện Mỹ Đức đang bị người dân Đồng Tâm giữ trái phép, dù được chính những người dân đó chăm sóc ăn uống đầy đủ, thì rõ ràng họ luôn muốn được về với gia đình êm ấm. Đấy là chưa kể, còn một giờ ở lại nơi nước sôi lửa bỏng ấy, thì rủi ro với tính mạng, sức khỏe của “con tin” thật mong manh – điều mà một người phụ nữ ngoài 70 tuổi, tự giới thiệu có 50 tuổi đảng, tham gia khá sâu vào các sự kiện đang diễn ra, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, trong lần hiếm hoi phóng viên được “áp tải” vào giữa thôn Hoành.
Đây cũng là quan điểm được Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nêu ra với HTV: “Thường trực Thành ủy đã phân công, chỉ đạo trực tiếp ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình ở đây. Chủ động trao đổi, tiếp xúc, đối thoại các vấn đề với người dân để giải quyết các vấn đề ở đây theo quy định của pháp luật”.
Lấy lại tự do, an toàn cho những người đại diện công quyền bị giữ trái phép rõ ràng là điều cần làm, và cũng đang là ưu tiên cao nhất của Hà Nội. Nhưng với lịch sử phức tạp của sự việc, với chỉ số khó nói về lòng tin của người dân Đồng Tâm, thì để đạt mục đích ấy, các cấp, các ngành từ địa phương tới trung ương cần thuyết phục, không chỉ với người dân sở tại, mà với công chúng cả nước đang dõi theo là các vấn đề đúng, sai trong sự việc rồi sẽ được kiểm tra, thanh tra làm rõ một cách đầy đủ, khách quan nhất, có tình có lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm