Ngày 8-8, TAND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã mở phiên xử sơ thẩm các bị cáo nguyên là cán bộ huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm liên quan đến sai phạm đất đai tại xã Đồng Tâm. Trong 14 bị cáo thì 10 người nguyên là cán bộ xã bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bốn người nguyên là cán bộ huyện bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xã, huyện cùng sai
Cáo trạng của VKSND huyện xác định: Từ năm 2002 đến 2013, do buông lỏng quản lý đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, nhiều nguyên cán bộ xã và huyện vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái luật.
Các nguyên cán bộ xã đã cùng nhau bán đất trái thẩm quyền cho chín hộ dân với diện tích hơn 1.600 m2, để ngoài sổ sách số tiền khoảng 15 triệu đồng. Trong việc thực hiện quyết định giãn dân của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), các bị cáo cũng sai phạm khi giao đất không đúng đối tượng và tổ chức đấu thầu đất trái quy định. Các nguyên cán bộ xã như Đinh Văn Dũng gây thiệt hại hơn 650 triệu đồng, Trần Trung Tấn hơn 1 tỉ đồng, Bạch Văn Đông hơn 584 triệu đồng, Phạm Hữu Sách hơn 1,2 tỉ đồng.
Sai phạm của các nguyên cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) và Phòng TM&MT huyện Mỹ Đức thể hiện ở việc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký nhận không có cơ sở.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TP
Nghĩ là đất “ế” nên bán cho cán bộ
Đó là lời khai của bị cáo Nguyễn Tiến Triển (nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) khi tòa hỏi suy nghĩ gì về cáo trạng. Theo bị cáo Triển, có một số nội dung của cáo trạng như quy cho bị cáo được hưởng hai suất đất là chưa hợp lý. Theo bị cáo, “Đây là bán cho anh em có thu tiền chứ không phải chia mà không thu tiền. Việc bị cáo thay mặt cho Đảng ủy xã ký, đóng dấu việc giao cấp đất ở xã là do thiếu hiểu biết vì cứ thấy ủy ban xã trình là ký”.
Liên quan đến khu đất Rặng Trúc tại xã Đồng Tâm, ông Triển khai: “Đó là đất cấp giãn dân. Tôi nghĩ đó là đất ế nên khi được ủy ban trình bày là bán cho anh em hợp lý nên tôi đồng ý”. Bị cáo thừa nhận có được một suất nhưng không có nhu cầu nên nhường lại cho người cháu mua.
Tòa hỏi: “Bị cáo có được chia chác gì khi ký văn bản chủ trương cấp đất không?”. Bị cáo đáp: “Tôi không được một hào nào, một hớp nước cũng không có…”.
Nguyên chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Lê Đình Thuần cho rằng: Năm 2013 bị cáo làm đơn gửi xã và huyện xin không mua suất đất được giao. Ngoài ra dù vợ đứng tên thửa đất này nhưng bị cáo không biết diện tích bao nhiêu, đất nằm ở chỗ nào.
Liên quan đến việc xác nhận cho 12 hộ dân để hợp thức đất được giao trái thẩm quyền, ông Thuần khai rằng sau khi cơ quan chức năng thanh tra thì mới biết mình sai phạm. Việc ký giấy xác nhận là do áp lực tồn đọng trong giải quyết việc cấp giấy đỏ do UBND huyện giao. Với một số trường hợp thì có lỗi của hội đồng tư vấn đất đai chứ bản thân bị cáo không thể nắm bắt hết hồ sơ. Tuy nhiên, bị cáo này thừa nhận có sai phạm khi ký xác nhận vào các đề nghị cấp giấy đỏ cho một số người.
Các bị cáo nguyên cán bộ xã còn lại hầu hết đều thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng.
Sai nhưng do cấp dưới
Phần thẩm vấn buổi chiều tòa làm rõ hành vi sai phạm của nhóm bị cáo nguyên là cán bộ huyện.
Bị cáo Trần Trung Tấn (nguyên cán bộ VPĐKĐĐ huyện) thừa nhận cáo trạng truy tố đúng nhưng là làm theo phân công của lãnh đạo: “Giai đoạn 2010-2013, bị cáo là cán bộ hợp đồng nên không được giao mảng cụ thể, là cán bộ hợp đồng mới nên cũng không biết gì…”. Theo bị cáo, lúc đó được lãnh đạo giao thẩm định chín hồ sơ cấp đất nhưng chỉ thẩm định trên giấy, không đi thực địa. Hồ sơ xác nhận các trường hợp sử dụng đất trước 15-10-1993 nhưng lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.
Về việc hồ sơ sai nhưng vẫn được phê duyệt, bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện) khẳng định mình đã… làm tròn trách nhiệm. Tòa hỏi: “VKS truy tố bị cáo tội thiếu trách nhiệm có đúng không?”. Ông Dũng đáp: “Tôi không phát hiện sự dối trá, lừa đảo của cấp dưới!”.
Tương tự, bị cáo Bạch Văn Đông (nguyên phó giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện) khai: Từ năm 2011 đến 2015 có phê duyệt bốn hồ sơ. Bị cáo nói mình bị tai bay vạ gió vì không phụ trách địa bàn xã Đồng Tâm nhưng lãnh đạo đi vắng, công việc nhiều nên bị cáo phải ký thay. Bị cáo thừa nhận bốn hồ sơ đã ký là sai nhưng lỗi là do cấp xã xác định nguồn gốc đất không đúng, hội đồng xét duyệt cấp đất của xã có gian dối.
Trưởng Phòng TM&MT huyện Phạm Hữu Sách khai nhận đã ký sai 12 giấy đỏ cho người dân. Nhưng bị cáo này cũng đổ lỗi cho cấp dưới: “Không phải bây giờ bị cáo mới nhận thức ra mà khi có đơn thư tố cáo đã thấy sai. Chủ yếu sai ở chỗ các cán bộ thẩm định không phát hiện ra gian dối của cấp dưới, cứ thế ký”.
Bị cáo thanh minh thêm: “Lúc đó xã Đồng Tâm có hai loại bản đồ, 2003 và 2009. Hai tài liệu này đều thể hiện tên tuổi, chủ sử dụng đất, như vậy là có sự hợp thức hóa rồi. Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận của xã làm sai hồ sơ đó trong khi cấp huyện không có tài liệu cụ thể…”.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục.
Nhiều người dân theo dõi phiên tòa Phiên tòa thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó có nhiều người dân xã Đồng Tâm. An ninh phiên tòa được tổ chức khá chặt chẽ, các PV đến đưa tin phiên tòa cũng phải qua hai lần kiểm tra an ninh. Do hội trường phiên xử khá chật nên nhiều người phải đứng ngoài theo dõi phiên xử qua hệ thống loa được gắn trước trụ sở TAND huyện Mỹ Đức. |