Cán bộ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm khai gì trước tòa

10 giờ sáng, HĐXX bước vào phần xét hỏi. Mặc dù nhận sai nhưng đa phần các bị cáo khi được hỏi đều cho rằng cáo trạng chưa phản ánh đúng với thực tế sử dụng đất của họ, sau này thanh kiểm tra mới biết rằng mình sai phạm.

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Đức, cựu Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm, thừa nhận được cấp giấy chứng nhận đất nhưng “thực tế chưa được giao đất” tại khu vực này. ““Sổ đỏ” trên đứng tên vợ bị cáo. Đầu năm 2013, bị cáo đã giao nộp sổ đỏ trên cho UBND huyện Mỹ Đức" - bị cáo Đức khai.

Còn bị cáo Nguyễn Tiến Triển, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, khẳng định một số nội dung cáo trạng truy tố chưa đúng: “Cáo trạng nêu việc bị cáo đồng ý với chủ trương chia đất cho cán bộ xã mà không thu tiền là không đúng. Đó là thống nhất bán cho anh em đất thừa, có thu tiền”.

Bên cạnh đó, bị cáo Triển khẳng định cáo trạng nêu bị cáo đồng ý chủ trương đấu giá đất, không vụ lợi 1,7 tỉ đồng hưởng lợi 2 suất đất không phải nộp tiền sử dụng đất là chưa đúng.

“Thực hiện kế hoạch giao đất số 868, còn một diện tích đất thừa, “nghĩ đó là “đất ế”, các anh ấy đề xuất, giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy hợp lý nên bị cáo đã đồng ý chủ trương giao đất cho cán bộ” - bị cáo Triển khai và cho biết thêm đã nhường 1 suất đất cho một người cháu.

Trước ý kiến của bị cáo Triển, Chủ tọa phiên tòa vặn hỏi: “Nếu không phải bí thư Đảng ủy xã, liệu bị cáo có được xét duyệt giao, cấp đất không?” . Bị cáo Triển trả lời: “Trong văn bản thống nhất bán đất cho cán bộ, bị cáo là cán bộ thì được phân, tôi không có nhu cầu nên nhường cho người cháu. Việc cấp đất như thế nào tôi không nắm rõ, chỉ biết là sau này số đất bán cho cán bộ đều được cấp GCNQSDĐ”.

Còn nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Lê Đình Thuần khai thực tế không có cuộc họp thống nhất việc giao đất năm 2002. Năm 2013, bị cáo đã làm đơn gửi xã và huyện xin không mua suất đất được giao nữa.  Và mặc dù vợ bị cáo đã đứng tên thửa đất này nhưng “bị cáo không biết diện tích đất bản thân được cấp nằm chính xác chỗ nào”.

Liên quan đến việc xác nhận cho 12 hộ dân để hợp thức diện tích đất được giao trái thẩm quyền, bị cáo Thuần cho hay sau khi cơ quan chức năng thanh tra, bị cáo biết mình có sai phạm. Bị cáo này lý giải việc ký giấy xác nhận là do áp lực giải quyết tồn đọng việc cấp GCNQSDĐ huyện giao.

Đối với một số trường hợp cụ thể, bị cáo Thuần tiếp tục “đổ lỗi” cho hội đồng tư vấn đất đai và cho rằng mình không thể nắm bắt hết hồ sơ từng trường hợp. Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi “việc bị cáo ký xác nhận vào các đề nghị cấp GCNQSDĐ là đúng hay sai?”. Thì bị cáo Thuần thừa nhận: “Dạ, là sai.”.

Các bị cáo còn lại hầu hết đều thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng, không có oan sai. Như bị cáo Nguyễn Văn Khang, nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm, khai: “Bị cáo chưa được nhận đất thực tế, chưa biết là chỗ nào nên chưa sử dụng, không biết hiện trạng đất và không chuyển nhượng cho ai. Sau năm 2013, khi có đơn khiếu nại, tôi viết đơn xin thôi không mua suất đất đó”.

Bị cáo Bùi Văn Dũng, nguyên trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm, thì cho biết đất được cấp vẫn để đó, chưa sử dụng vào việc gì. Đặc biệt bị cáo Dũng trực tiếp ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10-12-2002 và thừa nhận do “chưa nhận thức đầy đủ nên mới sai phạm”.

Tương tự, bị cáo Bùi Văn Hồng, nguyên xã đội trưởng, khai đã nhận đấtnhưng không biết vị trí chính xác, năm 2013 sau khi có kiện cáo đã làm đơn trả lại đất. “Bị cáo còn hạn chế nhận thức về pháp luật, về quản lý đất đai nên thời điểm đó, được các “anh ấy” quan tâm thì bị cáo cứ nhận, giờ mới biết là sai” - bị cáo Hồng nói.

Chiều nay, vào 13 giờ 30 tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

Theo cáo trạng, 10 bị can nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 4 bị can nguyên là cán bộ huyện Mỹ Đức bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm