Hàng loạt phi công xin nghỉ là bất thường

Cả trăm lượt phi công xin nghỉ ốm

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cho biết hiện tượng hàng loạt phi công xin nghỉ việc và xin nghỉ ốm là bất thường và nghiêm trọng. Cụ thể, từ 30-12-2014 đến 4-1-2015 có 117 lượt phi công báo ốm (nhưng chỉ có chín phi công có chứng nhận của bác sĩ), cao hơn gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. “90% trong số này là phi công lái máy bay A320 (loại máy bay phổ biến được các hãng hàng không nội địa khác sử dụng), không có người trong các đội bay Boeing và ATR 72 xin nghỉ. Bên cạnh đó, có thêm 30 phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin nghỉ việc” - ông Minh thông tin. Theo ông Minh, với số lượng 600 phi công hiện nay thì vấn đề trên có nguy cơ xáo trộn lịch bay. “Nếu không xử lý dứt điểm sẽ tái diễn ở lúc cao điểm vào dịp tết âm lịch thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay. Nên chúng tôi đã có báo cáo, sau đó Bộ GTVT đã có chỉ thị để đảm bảo an toàn bay” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, sau khi có chỉ đạo của bộ trưởng GTVT thì đã có nhiều trường hợp phi công làm đơn nghỉ việc nay xin rút đơn. Đối với các phi công xin nghỉ cũng phải tính đến khoản tiền bồi thường bởi trước khi vào nghề các phi công đã được Nhà nước bỏ ra khoản tiền lớn để đào tạo. Việc cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp dừng để xem xét việc nghỉ việc theo ông Minh là nhằm đảm bảo an ninh an toàn hàng không nên khó có thể đề cập đến việc phạm luật lao động: “Tôi cũng xin nhắc lại Bộ GTVT chỉ thị là tạm ngừng chứ không phải cấm”.

Bảng điều chỉnh thu nhập của đội ngũ phi công Vietnam Airlines nằm trong lộ trình cải cách tiền lương từ tháng 9-2014 đến tháng 7-2015.

Thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/tháng

Về việc tăng lương theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ông Phạm Ngọc Minh cho biết từ năm 2008 đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Trong đó, đưa ra mục tiêu trong vòng 5-7 năm mức lương của lao động kỹ thuật cao sẽ tiếp cận 75%-80% mặt bằng khu vực (xem bảng).

Ông Minh thừa nhận mức lương hiện tại của phi công vẫn thấp so với một số hãng hàng không trong khu vực và sẽ điều chỉnh theo lộ trình và kế hoạch đã cam kết. Và toàn bộ phi công đều được điều chỉnh chứ không phải ở một vài người xin bỏ đi.

Theo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, việc tăng lương chủ yếu tập trung cho phi công, trong khi đó mức lương chung cho các lao động khác (9.000 người) vẫn giẫm chân tại chỗ. Bình quân lương của lao động Vietnam Airlines hiện nay xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, tiếp viên khoảng 19 triệu đồng/tháng. Chi phí tiền lương cho nhân công của Vietnam Airlines chiếm 8% chi phí hoạt động của hãng.

Trả lời câu hỏi nếu Vietnam Airlines tăng lương nhưng phi công vẫn xin nghỉ, đại diện Vietnam Airlines cho rằng ngoài việc tăng lương thì cần phải tính đến các biện pháp dài hạn đổi mới phương thức quản trị, tăng năng suất lao động, xã hội hóa tuyển dụng phi công…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm