Theo một số phi công, thời gian làm việc của hãng hàng không Vietnam Airlines quá tải nhưng lương không tương thích so với một số hãng khác. Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không VietJet, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng. Bên cạnh đó, các phi công phản ánh khi bay ra Hà Nội được bố trí nơi nghỉ ngơi chưa tốt.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cho biết việc nhân viên kỹ thuật cao phản ánh về nơi ở thì cách đây một tháng đã có cuộc đối thoại giữa phi công và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: “Tại đây mọi việc đã được giải quyết, hiện các phi công được đưa ra khách sạn ở rồi…”.
Cũng theo ông Minh, các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines thấp hơn VietJet nên xin nghỉ là không đúng. “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng…” - ông Minh nói. Ông Minh cho rằng: “Họ phải suy nghĩ mức lương họ đang được hưởng là bao nhiêu và với số tiền đó có chật vật khi sống ở Việt Nam hay không…”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ thị yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Vì điều này tạo ra xáo trộn, suy giảm nguồn nhân lực kỹ thuật cao của tổng công ty, tác động trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt. Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng đến công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và làm lực lượng dự bị cho quốc phòng, an ninh quốc gia, cũng như uy hiếp an toàn khai thác bay.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam điều chỉnh chế độ tiền lương để tăng thu nhập của lực lượng lao động kỹ thuật cao một cách hợp lý và có những chế độ đãi ngộ khác.