Huyện Bình Chánh muốn lên quận

Tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, trong khi cơ chế quản lý vẫn “mặc áo” nông thôn khiến huyện Bình Chánh (TP.HCM) gặp rất nhiều vướng trở trong phát triển. Để khai thông các nút thắt này, UBND huyện Bình Chánh đang chuẩn bị các bước để thực hiện đề án thành lập quận cho phù hợp với tình hình mới. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện này.

Gác đề xuất thành lập thị xã, xin lên quận luôn

. Phóng viên: Thưa ông, những dấu hiệu nào cho thấy “chiếc áo” nông thôn ở huyện Bình Chánh đã quá chật?

+ Ông Nguyễn Văn Hồng: 10 năm trước, thời điểm năm 2004, khi huyện Bình Chánh mới được thành lập, dân số mới chỉ 240.000 dân nhưng đến nay đã tăng gấp hơn 2,5 lần với hơn 625.000 dân. Mỗi năm dân số huyện Bình Chánh tăng bình quân bằng số dân của một xã nông nghiệp (khoảng 30.000 dân) đã gây ra áp lực rất lớn trong công tác quản lý nhà nước trên mọi mặt.

Huyện Bình Chánh là địa bàn cửa ngõ phía tây TP.HCM với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Ngoài ra, theo quy hoạch thì Bình Chánh có hơn 200 dự án lớn, nhỏ về đầu tư hạ tầng, công trình công cộng cũng như các dự án phát triển đô thị.

Sự gia tăng dân số cơ học tăng rất nhanh khiến cho áp lực quản lý nhà nước trên mọi mặt (từ trật tự xã hội, môi trường…) đều quá tải dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao, không theo kịp được yêu cầu phát triển của địa phương. Do đó, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý phù hợp để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và người dân cũng được lợi hơn.

. Được biết trước đây huyện Bình Chánh từng có đề án xin thành lập thị xã Bình Chánh (vừa có phường vừa có xã) phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Số phận của đề án đó hiện nay ra sao?

+ Năm 2013, huyện đã đề xuất cơ chế thành lập thị xã Bình Chánh thuộc TP.HCM. Giải pháp này rất phù hợp với đặc điểm, tình hình của huyện Bình Chánh khi đó. Sở Nội vụ cũng đã khảo sát và có tám xã đủ điều kiện để áp dụng cơ chế phường như Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Túc, An Phú Tây… Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm TP đang xây dựng đề án chính quyền đô thị, theo đó Bình Chánh là một trong bốn TP vệ tinh nên đề án thành lập thị xã dừng lại. Đến năm 2015, Đại hội Đảng bộ huyện tiếp tục đưa nội dung thành lập thị xã hoặc quận Bình Chánh vào nghị quyết đại hội để thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số đang gây sức ép rất lớn lên sự phát triển của huyện Bình Chánh. Trong ảnh: Một góc của khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đây, quan điểm thành lập thị xã Bình Chánh là phù hợp nhưng sau này khi đánh giá về tốc độ đô thị hóa của Bình Chánh thì không lâu nữa, Bình Chánh sẽ phát triển rất nhanh. Hiện nay bình quân một quận có khoảng 200.000-300.000 dân trong khi Bình Chánh đã 625.000 dân rồi.

. Tại sao huyện không tiếp tục trình đề án đó mà lên quận luôn trong khi hiện nay huyện Bình Chánh còn nhiều xã nông nghiệp?

+ Với tốc độ phát triển như hiện nay, khi các dự án hạ tầng giao thông và dự án phát triển đô thị hoàn thành thì dân cư còn tăng nhanh hơn. Lúc đó lại phải trình đề án thành lập quận một lần nữa. Mà một đề án từ thị xã lên quận hoặc từ huyện lên quận sẽ kéo dài từ một đến hai nhiệm kỳ. Đường đi của một đề án là sau khi khảo sát xong, trình Sở Nội vụ xem xét để trình UBND TP. TP phải thông qua HĐND rồi mới trình Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội rồi mới quay trở về TP.HCM.

Trước đây, để tách được quận Bình Tân ra khỏi huyện Bình Chánh cũng phải mất 10 năm mới thực hiện xong. Nhận định đây là vấn đề trước sau gì cũng phải làm nên chúng tôi chuẩn bị thật kỹ để lên quận luôn thay vì thị xã như đề xuất trước đây.

Về đề án này, lãnh đạo TP cũng đã thống nhất. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì lên quận luôn, vì một lần làm là một lần khó.

Người dân được hưởng rất nhiều lợi ích

. Thưa ông, việc lên quận sẽ thuận lợi hơn cho địa phương trong công tác quản lý, còn người dân sẽ được lợi gì?

+ Việc thành lập quận Bình Chánh sẽ được hưởng nhiều lợi thế như cơ chế chính sách, nhân sự. Đặc biệt là sẽ rất có lợi cho người dân, nhất là trong các chính sách liên quan đến đất đai như bồi thường; cấp giấy tờ nhà, đất; xây dựng.

Khi đã lên quận thì xã sẽ thành phường, đất nông nghiệp sẽ thành đất đô thị xen cài trong khu dân cư. Do đó, khi thực hiện dự án, áp dụng mức giá bồi thường thì sẽ phù hợp hơn và người dân cũng dễ chấp nhận hơn. Như vậy cũng để cân xứng hơn với các quận nội thành hoặc các quận giáp ranh.

Thực tế là khi bồi thường dự án, người dân các quận nội thành ít khi có ý kiến vì giá bồi thường bao giờ cũng cao hơn. Còn như ở huyện Bình Chánh, giá đất nông nghiệp hiện nay đang khoảng 150.000-250.000 đồng/m2. Chẳng hạn như việc bồi thường dự án xây dựng BV Chấn thương Chỉnh hình ở xã Bình Hưng nhiều năm nay chưa giải phóng mặt bằng xong vì giá bồi thường không hợp lý. Khu vực này nằm kế bên khu dân cư Trung Sơn, một trong những khu hiện đại ở xã Bình Hưng nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp chỉ có 250.000 đồng/m2 thì người dân làm sao chịu. Đó là chưa nói đến việc xã Bình Hưng đã phát triển như một đô thị rồi.

. Đề án thành lập quận hiện đang thực hiện tới đâu, thưa ông?

+ Huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Sở Nội vụ rà soát số liệu thống kê để xem xét các tiêu chí đã phù hợp chưa. Sau khi gửi lấy ý kiến các sở, ngành, huyện sẽ trình Đảng bộ huyện để hoàn chỉnh lại trình Sở Nội vụ các cấp trên. Dự kiến phải cuối nhiệm kỳ này, hình hài của đề án này mới rõ nét.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy