LTS: Trong hai số báo ngày 25 và 26-8, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh tình trạng “ruột phường mà “mặc áo” làng” tại các xã Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng như cơ chế quản lý dành cho xã ở các địa phương này đã quá chật chội. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những xung đột giữa thực trạng đô thị hóa với cơ chế quản lý không tương thích hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn, người đã có nghiên cứu sâu về vấn đề này.
Đô thị hóa là quá trình lịch sử tự nhiên gắn liền với sự phát triển kinh tế, những biến đổi về cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Cùng với đó là những biến đổi về cơ cấu dân số, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa từng vùng lãnh thổ hợp quy luật. Điều này tất yếu không thể cưỡng lại vì là hệ quả của những dự án đầu tư công nghiệp, dịch vụ, đất nông nghiệp đương nhiên bị thu hẹp dần, người lao động nông thôn như một dòng chảy dữ dằn đổ vào các khu công nghiệp, dịch vụ.
Nhiều xung đột xảy ra
Quá trình này khi diễn ra mạnh mẽ ở những xã nông thôn của các đô thị lớn như TP.HCM đã dẫn đến thực trạng nhiều “phố phải mặc áo làng”. Điều này gây ra những xung đột giữa thực tiễn đô thị hóa và cơ chế quản lý mà nó phải mang, do quy định pháp luật khác biệt giữa các loại đơn vị hành chính xã - phường.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực xây dựng, thực tế gần 80% vụ vi phạm trong xây dựng các công trình xây dựng xảy ra ở các xã đang đô thị hóa. Phường là đơn vị hành chính đô thị nên việc xây cất theo quy hoạch, quy chuẩn với những tiêu chí rất cụ thể về mật độ, công trình ngầm, điện, nước… trong khi xã lại không được các quy chuẩn tương tự. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy rất khó giải quyết về sau khi xã lên phường. Vì nếu ngay từ xã việc xây cất không theo quy hoạch, trật tự thì sau này đô thị sẽ lãnh đủ!
Ngược lại, sự đô thị hóa rầm rộ mà không được quản lý chặt chẽ, một cách hệ thống thì mặt trái của nó sẽ làm chất lượng đời sống suy giảm. Mặc dù người dân có nhiều tiền, nhiều tiện nghi, phương tiện hiện đại nhưng khi phá vỡ các không gian xanh mà không khoa học sẽ dẫn đến những tác động đến nhiều thứ khác. Cho nên vấn đề đặt ra là cần có sự phát triển cân bằng dựa trên cơ sở truyền thống chứ không phải đô thị hóa chỉ là ngổn ngang những “phố làng”, chẳng ra phố phường cũng chẳng ra làng xóm.
Cán bộ xã Bình Hưng làm việc quá giờ nghỉ trưa vì đông người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nên tái khởi động đề án “thị xã Bình Chánh”
Có một nguyên tắc có thể được coi là căn bản: Khi hiện đại hóa nông thôn, sự cân bằng giữa yếu tố hiện đại hóa theo kiểu đô thị và bảo lưu các lợi thế từng có của nó là một giải pháp hiệu quả để xây dựng mô hình lý tưởng cho tương lai. Thiết nghĩ ở tầm vĩ mô nên nghiên cứu thực trạng của những xã đang đô thị hóa và những nơi hiện đang mang ruột là phường chưa đủ tiêu chuẩn phường thành một loại đơn vị hành chính trung gian để có cơ chế thích hợp. Chẳng hạn có thể gọi là Xã phát triển như kinh nghiệm trước năm 1975.
Riêng với năm xã, thị trấn Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Túc (huyện Bình Chánh), thực tiễn hiện nay cho thấy những tiêu chí về đô thị đã rõ ràng. Do tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cấp xã không theo kịp tốc độ phát triển nên cần phải có cơ chế phường để phù hợp với tình hình hiện nay… Tất nhiên điều này sẽ không dễ.
Huyện Bình Chánh từng có ý định xin chuyển lên quận, tuy nhiên điều này khó và cũng không hợp lý vì quận không có đơn vị hành chính xã mà chỉ toàn là phường. Vậy đối với các xã không thể lên phường thì sao?
Để xử lý việc này, trước mắt nên tái lập đề án xin nâng cấp toàn huyện Bình Chánh thành thị xã trước vì trong thị xã cho phép có cả xã và phường. Về sau, tổng số phường đủ tiêu chí để lên quận thì xin chia ra thành huyện và quận, như trường hợp phân tách Nhà Bè và quận 7 mà TP đã từng thực hiện trước đây.
Chung một con đường bên là phường, bên là xã Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hà Linh nằm ngay mặt tiền đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, thuộc ấp 4B, xã Bình Hưng. Mua nhà về đây, bà Linh rất hài lòng vì không gian đẹp, văn minh chẳng thua kém gì ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Tuy nhiên, bà Linh cho rằng ngay địa giới hành chính là xã làm giảm hẳn giá trị của nơi bà sinh sống. Hơn nữa, mọi chất lượng phục vụ hành chính cũng không thể nào bằng được so với các đô thị. “Tôi thấy rất vô lý vì ngay sát khu nhà tôi ở là khu đô thị kiểu mẫu của TP là Phú Mỹ Hưng, nơi tôi ở cũng chẳng thua kém gì nhưng vẫn bị gọi là xã, rất không tương xứng” - bà Linh nói. Còn ông Đặng Văn Cường ở ấp 2, xã Tân Kiên cho biết ấp 2 giáp với phường Tân Tạo A, quận Bình Tân đang phát triển vượt trội, nhà cửa được xây dựng khang trang, ai nấy đều kinh doanh, mở cửa hàng. Ông Cường cho biết con đường Trần Đại Nghĩa một bên là xã Tân Kiên, một bên là phường Tân Tạo A tuy chẳng có gì khác biệt nhưng người dân ở xã Tân Kiên thì thiệt thòi hơn. “Giá trị nhà, đất của bên xã và bên phường cũng khác hẳn, chính tôi trước đây khi mua nhà về ở đây, phía xã giá đất rẻ hơn rất nhiều nên đã chọn ở Tân Kiên trong khi về mặt bằng đô thị thì chẳng có gì khác nhau cả” - ông Cường nói. VIỆT HOA - LÊ THOA ghi |