Trong bài “Muốn xã thành phường phải xin Thủ tướng” (Pháp Luật TP.HCM ngày 25-8), chúng tôi đã phản ánh hiện trạng đô thị tại bốn xã Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện nay đã hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí để lên thành phường nhưng vẫn mang “chiếc áo” của xã.
Thực tế trong công tác quản lý hiện nay, cơ chế dành cho xã đang trở thành tấm áo quá chật đối với những địa phương này. Để hiểu sự “chật chội” ấy thế nào, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo của các xã này.
Quá tải, bộ máy phải gồng mình xử lý
Với gần 80.000 dân, xã Bình Hưng có số dân cao gần gấp đôi nhiều phường ở quận 9, quận 12. Theo số liệu thống kê của huyện Bình Chánh, mỗi ngày toàn huyện xử lý khoảng 210 tấn rác thì riêng Bình Hưng đã chiếm tới 70 tấn.
Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết hiện xã đã rất nỗ lực để giải quyết các vấn đề của người dân nhưng vẫn không xuể. Công việc quá tải trong khi bộ máy không đủ để đáp ứng nhu cầu công việc.
Đơn cử, xã Bình Hưng có quy mô 1.372 ha với 12 ấp, gần 300 tổ dân phố nhưng chỉ có ba cán bộ địa chính, xây dựng vừa quản lý hồ sơ hành chính về đất đai, xây dựng, cấp số nhà, vừa quản lý quy hoạch, lại vừa lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Các xã Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B cũng tương tự. Bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, cho hay địa bàn xã thì rộng, dân cư đông (55.000 dân), cán bộ trong biên chế thì thiếu nên phải chuyên trách, hợp đồng thêm bên ngoài. Bà Thảo nhấn mạnh nặng nề nhất là nhân sự địa chính, xây dựng. Xã Tân Kiên được phân bổ bốn cán bộ địa chính, xây dựng nhưng hiện chỉ còn hai cán bộ chính thức, một tập sự và một người mới luân chuyển theo quy định.
Những dãy nhà phố trong khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
“Chúng tôi phải hợp đồng thêm, có những cán bộ không phụ trách địa chính mà là nông nghiệp, thủy lợi, kinh tế cũng phải đi thực tế, về chuyển hồ sơ cho xã phối hợp làm” - bà Thảo cho biết.
Ngoài ra, để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ, xã này phải phân công cho cả lực lượng trật tự đô thị kiểm tra công trình có phép hay không trong khi trách nhiệm của họ là quản lý trật tự lòng, lề đường.
Ông Thành cũng cho hay không chỉ địa chính mà các lĩnh vực văn hóa xã hội, tư pháp cũng quá tải làm giảm chất lượng phục vụ người dân.
Căng thẳng trong đảm bảo an ninh trật tự
Một nghịch lý khác là với quy mô dân số như thế nhưng chỉ có một trưởng và hai phó công an xã, còn lại là cảnh sát khu vực và công an viên. Thêm vào đó, công an viên chỉ là bán chính quy, không được đào tạo bài bản, không những lương thấp mà chế độ đãi ngộ gần như không có. Trong khi lượng công việc của công an viên cũng chẳng thua kém gì công an chính quy, thậm chí còn cực hơn rất nhiều. Còn ở phường thì lực lượng công an được đào tạo chính quy, có đầy đủ chế độ đãi ngộ và nhân sự cũng nhiều hơn.
Theo ông Thành, trước đây xã còn được tuyển công an viên nhưng kể từ cuối năm 2015 thì Quyết định 12/2004 của UBND TP hết hiệu lực nên xã cũng không được tuyển công an viên nữa. “Theo quy định, chúng tôi được phân bổ 61 nhân sự nhưng hiện nay chỉ còn có 40 công an viên, chỉ có thể cho nghỉ chứ không được tuyển thêm. Bình Hưng lại là địa bàn giáp ranh, tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp nhưng với nhân sự này đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý địa bàn và trấn áp tội phạm” - ông Thành nói.
Liên quan đến công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở xã Tân Kiên, bà Thảo nói với hơn 10.000 phòng trọ giáp các KCN nhưng lực lượng công an toàn xã chỉ có 11 công an chính quy và 22 công an viên dẫn đến quá tải. Để “chữa cháy”, xã Tân Kiên phải trưng dụng thêm lực lượng dân phòng, dân quân. “Ở xã có tổ dân phòng tự quản, giao cho trưởng ấp với trưởng công an điều hành. Họ giống như chân rết chia ca đi tuần tra địa bàn ban đêm, trực chốt hỗ trợ lòng, lề đường, khi có án thì được điều động. Dù không có lương mà chỉ có hỗ trợ nên họ làm vì trách nhiệm và tình cảm là chính” - bà Thảo nói.
Ông Thành cho biết từ năm 2012, xã đã làm đề án xin áp dụng cơ chế phường nhưng vướng cơ chế đến nay. “Nếu được áp dụng cơ chế phường thì sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh hơn và chất lượng đời sống người dân cũng sẽ được nâng cao. “Chiếc áo” xã hiện nay đã quá chật rồi” - ông Thành nói.
Chúng tôi mong mỏi lên phường Năm 2014, chúng tôi đã có báo cáo đề án thành lập cơ chế phường gửi UBND huyện Bình Chánh. Từ đó đến nay chúng tôi luôn trong tâm thế mong mỏi được áp dụng cơ chế này để thuận tiện cho công tác quản lý và tạo điều kiện tốt hơn nhằm phát triển địa phương về mọi mặt vì xã Vĩnh Lộc A hiện gần như đô thị hóa hoàn toàn. Bà DƯƠNG THỊ THÙY TRANG, Cơ chế xã đã không còn phù hợp Xã Vĩnh Lộc B có quy mô hơn 1.700 ha với dân số hơn 100.000 người. Với quy mô dân số như hiện nay và đang có xu hướng gia tăng, cơ chế quản lý hành chính của xã không còn phù hợp và vượt quá tầm quản lý của chính quyền địa phương. Chúng tôi rất mong được áp dụng cơ chế phường để xây dựng xã Vĩnh Lộc phát triển tương xứng hơn và đồng thời phục vụ người dân được tốt hơn. Ông VÕ TRƯỜNG THÀNH, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B |