Quốc hội (QH) vừa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi với quy trình thảo luận qua ba kỳ họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, người trực tiếp tham gia quá trình thẩm tra, hoàn thiện đạo luật, có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các nội dung mới của luật này.
Ông Nguyễn Mạnh Cường
Từ “kê khai” đến “kiểm soát tài sản, thu nhập
. Phóng viên: Nếu so với Luật PCTN hiện hành thì một cách ngắn gọn nhất, ông sẽ nói gì về đạo luật vừa thông qua?
+ Ông Nguyễn Mạnh Cường (ảnh): Luật PCTN hiện hành gốc của nó là luật 2005, qua hai lần sửa đổi nhỏ năm 2007 và 2012, đến lần này là sửa đổi nhiều nhất, toàn diện nhất, có thể được gọi là Luật PCTN 2018.
So với Luật PCTN 2005, luật 2018 viết gọn, súc tích hơn, nhất là phần mục công khai, minh bạch. Bởi những năm qua QH đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, cụ thể hóa yêu cầu về công khai, minh bạch, nên quy định mang tính liệt kê trong luật 2005 không cần thiết nữa.
Luật 2018 cũng bổ sung nhiều vấn đề mới, như một số nguyên tắc về kiểm soát xung đột lợi ích, thiết lập cơ quan độc lập về kiểm soát tài sản, thu nhập, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, mở rộng yêu cầu PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước…
Các quy định mới ấy cùng nhiều nội dung sửa đổi khác sẽ giúp công tác PCTN tới đây mạnh mẽ, bài bản, hiệu quả hơn.
. Trong luật, phần kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất?
+ Đúng vậy! Pháp lệnh PCTN 1998 lần đầu tiên có một điều về “kê khai nhà đất, tài sản giá trị lớn”, đến luật 2005 yêu cầu cao hơn là “minh bạch tài sản, thu nhập” với một mục riêng gồm chín điều. Tới lần sửa đổi toàn diện này, phát triển một bước nữa, thành một mục lớn về “kiểm soát tài sản, thu nhập” với bốn tiểu mục: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là mục lớn nhất, chiếm tới 24/96 điều của cả đạo luật.
Các đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Cơ quan kiểm soát tài sản có nhiều thực quyền
. Sửa đổi, bổ sung nhiều như vậy thì có thay đổi được tình hình 13 năm qua, kể từ khi có Luật PCTN đầu tiên, tham nhũng ngày càng phức tạp trong khi hàng triệu bản kê khai chỉ xác minh vài trăm trường hợp và chỉ vài trường hợp được kết luận là không trung thực?
+ Để PCTN có hiệu quả thì không thể chỉ trông đợi vào luật này mà còn vào nhiều luật, nghị định khác của QH, Chính phủ cùng sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Cứ coi diễn biến từ sau Đại hội XII thì thấy, vẫn các quy định hiện hành nhưng lò nóng, củi cháy rực đấy thôi.
Còn trong phạm vi luật 2018 này, tôi tin là sẽ thúc đẩy.
Lần đầu tiên chúng ta sẽ có cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập. Cơ chế này rất quan trọng vì lâu nay bản kê khai tài sản được giao cho bộ phận tổ chức, cán bộ quản lý. Cũng có quy định về xác minh tính trung thực nhưng trong một bộ, vụ tổ chức làm gì có nhân lực, nghiệp vụ, sức mạnh để đi xác minh bản kê khai tài sản của anh em ở các vụ khác. Giờ thì tách ra: Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ từ giám đốc sở và tương đương ở địa phương cũng như ở các bộ trong Chính phủ. Cấp thấp hơn thì thanh tra địa phương, thanh tra bộ… chịu trách nhiệm.
Luật cũng trao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này; quy định kho bạc, tổ chức tín dụng, kể cả ngân hàng nước ngoài, công an, thuế, hải quan, quản lý đất đai… phải cung cấp thông tin phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập cũng được mở rộng hơn nhiều so với hiện hành, trong đó đáng chú ý là sẽ tiến hành xác minh ngẫu nhiên. Như vậy, cán bộ, công chức nào cũng có thể được yêu cầu giải trình hoặc buộc phải trải qua xác minh tính trung thực trong việc kê khai, bao gồm cả nguồn gốc tài sản, thu nhập.
. Một vấn đề được cử tri quan tâm là xử lý tài sản bất minh. Các dự thảo của Chính phủ và ở QH đều có nhiều phương án xử lý, như thu hồi qua con đường tòa án, truy thu thuế. Vậy tại sao ở dự thảo cuối cùng khi QH bấm nút thông qua lại không có?
+ Nói chung chung là tài sản bất minh thì không chính xác lắm.
Trong PCTN, có hai loại tài sản. Thứ nhất là loại tài sản, thu nhập do phạm tội hoặc vi phạm pháp luật liên quan tới tham nhũng mà có. Loại vi phạm này thì cơ quan tố tụng phải chứng minh và thu hồi thông qua điều tra, truy tố, xét xử. Vấn đề này được điều chỉnh chủ yếu bởi luật hình sự, luật tố tụng. Luật PCTN sửa đổi lần này có bổ sung thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết ngăn chặn sớm việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản tình nghi do vi phạm pháp luật mà có.
Thứ hai là tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc thì luật quy vào hành vi không trung thực. Về xử lý tài sản thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển cho các cơ quan liên quan như thuế, hải quan, công an để xác minh, làm rõ. Các bước tiếp theo có thể là truy thu thuế, thậm chí thu hồi nếu chứng minh được là do phạm pháp mà có. Còn người kê khai, giải trình không trung thực thì ít nhất sẽ bị cảnh cáo - nặng hơn so với hiện tại là có thể chỉ bị khiển trách. Ngoài ra, nếu liên quan đến quy hoạch, ứng cử, bổ nhiệm thì còn bị loại khỏi danh sách.
Hoàn thiện thể chế
. Cố nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, từng nhận xét: “Cái khó nhất của quan chức mình là giải thích với dân tại sao họ giàu thế”...
+ Cá nhân tôi thì thấy nếu lần sửa đổi này đưa được một cơ chế để tịch thu hoặc thu hồi một phần tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì cũng tốt. Nhưng nói thật, nó mang tính răn đe chứ chưa khả thi.
Như mấy vụ đại án vừa rồi, có vị cựu quan chức phải thi hành án 600 tỉ đồng mà cơ quan tố tụng chỉ kê biên được một căn hộ chung cư. Tài sản khác không nổi lên được thì lấy đâu mà thu hồi, thu thuế.
Bên Trung Quốc làm rất mạnh, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, tức là cứ giàu có bất thường là tội phạm nhưng có xử được mấy đâu.
Vậy nên, cái gốc vẫn là hoàn thiện thể chế, nhất là các vấn đề như giảm lưu thông tiền mặt, đăng ký tài sản, kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội… Lúc đấy thì người có tài sản cũng dễ chứng minh sự trong sáng của mình. Còn như bây giờ, tài sản trong mỗi gia đình hình thành qua nhiều thế hệ, nhiều nguồn, rất khó để bóc tách thế nào là hợp lý.
Việc Luật PCTN hình thành cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trao cho nó quyền hạn, công cụ để thực thi nhiệm vụ, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập… chính là góp phần hoàn thiện thể chế ấy. Đây là nền tảng quan trọng để một thời gian nữa ta có thể bổ sung các biện pháp mạnh để thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc.
. Thanh tra Chính phủ được xác định là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức từ cỡ giám đốc sở trở lên. Khối lượng công việc sẽ rất lớn và rất khó khăn, liệu họ có đảm đương được không?
+ Đây là phương án Chính phủ trình và QH cũng thống nhất cao. Tới đây mà có ý chí chính trị mạnh mẽ thì kết quả sẽ được chứng minh. Theo tôi biết, Chính phủ đã có đánh giá tác động và sẽ sớm có đề án để củng cố tổ chức, bộ máy cho Thanh tra Chính phủ đảm đương được công việc này.
. Luật PCTN chỉ là luật gốc. Với các tinh thần, quan điểm mới lần này thì các luật chuyên ngành khác có phải sửa đổi, bổ sung không?
+ Có chứ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật là việc làm thường xuyên. Ngay khi Luật PCTN 2005 ra đời thì nhiều luật sau đó đã phải sửa đổi, bổ sung để bổ sung các quy định phòng ngừa tham nhũng. Giờ cũng vậy thôi. Chẳng hạn Luật Giáo dục, tôi thấy quy định về công khai, minh bạch là chưa đủ, chưa bao quát hết...
Không còn dễ “làm giàu” bằng buôn chổi đót Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi có đưa ra một số phương án xử lý tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc. Nhưng quá trình thảo luận tại QH cũng như quan điểm một số cơ quan trong hệ thống chính trị, thậm chí ngoài xã hội còn ý kiến khác nhau. Điều đó phản ánh vấn đề đột phá trong công tác PCTN thế nào còn phải cân bằng, phù hợp với yêu cầu ổn định để phát triển. Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy đang cấp bách thế này thì xử lý các vấn đề khó, nhạy cảm trong PCTN như vấn đề tài sản bất minh phải rất cân nhắc. Đổi mới mà lại đưa ra quá nhiều ưu tiên thì có khi khó thành công. Có thể Luật PCTN được thông qua chưa được mọi kỳ vọng, nhưng xét về hệ thống mà nói, đã có bước tiến rõ rệt. Đã ra đời được cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và xác minh tài sản sẽ trở thành công việc thường xuyên chứ không năm thì mười họa như mười mấy năm qua. Khi đã có thiết chế với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng thì các cơ quan giám sát sẽ có căn cứ để chất vấn năm qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập kết quả thế nào. Luật mới trao cho Thanh tra Chính phủ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà người thực hiện từ cỡ giám đốc sở trở lên. Đây cũng là đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ. Với thẩm quyền mới này và các quy định chi tiết, các quy trình nghiệp vụ mà tới đây Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, ban hành thì những trường hợp biệt phủ như của ông giám đốc Sở Tài nguyên tỉnh Yên Bái sẽ được xác minh, xử lý triệt để, ít nhất về mặt thuế. Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, thành viên tổ biên tập Luật PCTN sửa đổi Liên quan quyền sở hữu tài sản nên cần cân nhắc Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới. Tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế với tài sản, thì việc xác định “tính hợp lý” của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung, ý kiến các vị đại biểu (ĐB) QH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Kết quả lấy phiếu thăm dò, có 209/456 ý kiến, chiếm hơn 43% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa; 156 ý kiến, chiếm hơn 32% tán thành phương án thu thuế; 40 ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (tức không bổ sung cơ chế xử lý mới), 51 ĐBQH không thể hiện chính kiến hoặc ý kiến khác. Như vậy, không có phương án nào nhận được trên 50% tổng số ĐBQH ủng hộ. Do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ nhận thấy nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật. (Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCTN sửa đổi của Ủy ban Thường vụ QH gửi ĐBQH trước phiên biểu quyết thông qua đạo luật này) |