Nghi án thẩm phán "chạy án" ở Lâm Đồng: Lại hủy án để điều tra lại

Ngày 10-11-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm lần hai, tuyên hủy án, điều tra lại để làm rõ bị cáo Lưu Đình Nghĩa (nguyên luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) và bị cáo Nguyễn Thanh Hải (nguyên thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng) có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì tội gì.

Xử sơ thẩm trước đó, hai bị cáo đã được TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chưa đủ chứng cứ kết tội

Phiên xử phúc thẩm này, tòa cách ly hai bị cáo ngay từ đầu để thẩm vấn. Hai bị cáo Nghĩa và Hải vẫn cho rằng mình không có hành vi phạm tội. Thậm chí bị cáo Hải không đồng tình với bản án sơ thẩm khi tuyên mình vô tội mà lại nhận định hành vi đi cùng luật sư Nghĩa nhận tiền của bị cáo là vi phạm quy chế đạo đức nghề nghiệp...

Phần tranh luận, công tố viên nói vụ án này phức tạp là do có sự khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ giữa bên buộc và gỡ tội, cách nhìn nhận giữa viện và tòa cấp tỉnh. Vì thế cần hủy án, phải tiếp tục điều tra làm rõ một số nội dung. Trong đó, cần trưng cầu giám định xác định giọng nói trong băng ghi âm ngày xảy ra sự việc để xem các bị cáo có phạm tội hay không...

Nghi án thẩm phán "chạy án" ở Lâm Đồng: Lại hủy án để điều tra lại ảnh 1

Bị cáo Hải đang trả lời thẩm vấn tại tòa, phía sau bị cáo Nghĩa ngồi chăm chú theo dõi. Ảnh: HOÀNG YẾN

Hai luật sư bào chữa cho rằng không cần thiết phải hủy án điều tra lại vì quá nhiều lần điều tra, chứng cứ vẫn không có gì mới hơn mà chỉ kéo dài vụ án gây đau khổ cho bị cáo.

HĐXX nhận định nghĩa vụ chứng minh việc phạm tội thuộc về cơ quan tố tụng. Với mức độ chứng cứ trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa thì vẫn chưa đủ để buộc hai bị cáo tội lừa đảo. Vì chứng cứ chưa vững chắc, tòa chấp nhận đề nghị hủy án của công tố viên để điều tra làm rõ hai bị cáo có phạm tội hay không, nếu có thì tội gì mới chính xác.

Bắt quả tang nhưng vẫn khó xử   

Chiều 12-2-2007, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt một vụ nhận tiền tại quán cà phê theo tin báo của một đương sự. Khám người, công an thu giữ trong túi quần của ông Nghĩa một bọc tiền 4 triệu đồng, trong túi áo khoác của ông Hải hai bọc tiền 9 triệu đồng. Công an lập biên bản phạm tội quả tang và bắt giam.

Cơ quan điều tra xác định khi TAND tỉnh Lâm Đồng đang xử lý một vụ kiện của bà L., luật sư Nghĩa (bảo vệ quyền lợi cho bà L.) gợi ý bà muốn thắng phải chi 300 triệu đồng, đưa trước một nửa để ông Nghĩa lo. Sau đó, ông Nghĩa đã chở ông Hải đến nơi hẹn nhận tiền thì bị bắt.

Mặc dù ông Hải kêu oan cho rằng bị gài bẫy, nhét tiền vào túi, còn ông Nghĩa nói đang thực hiện thỏa thuận trợ giúp pháp lý cho thân chủ nhưng cuối năm 2008, TAND tỉnh Lâm Đồng đã phạt bị cáo Nghĩa 18 tháng tù, bị cáo Hải 12 tháng tù cùng về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì còn nhiều lời khai mâu thuẫn, chứng cứ chưa đầy đủ.

Sau khi có kết quả điều tra, VKS tỉnh đã truy tố Nghĩa và Hải về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khác với tội danh ban đầu. Xử sơ thẩm lần hai tháng 9-2009, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên hai bị cáo không phạm tội lừa đảo. Theo tòa, việc bị cáo Nghĩa nhận tiền của thân chủ là nằm trong thỏa thuận trợ giúp pháp lý chứ không phải nhằm chạy án. Còn về phía bị cáo Hải, không có chứng cứ chứng minh đã lấy tiền của đương sự bỏ vào túi áo. Bị cáo Hải có mặt tại quán cà phê không liên quan đến chuyện nhận tiền trợ giúp pháp lý của bị cáo Nghĩa…

Sau đó, VKS tỉnh đã kháng nghị đề nghị hủy bản án này. Và tòa cấp phúc thẩm đã tuyên án như trên.

Tòa khuyên các bị cáo thành khẩn

Tại phiên xử phúc thẩm, chủ tọa cho rằng lời khai trong vụ án thay đổi liên tục làm vụ án trở nên rắc rối và phức tạp hơn. Dù sao thì sự thật khách quan của vụ án cũng chỉ có một, vì thế tòa mong muốn có sự trung thực từ phía các bị cáo. “Các bị cáo từng làm thẩm phán (bị cáo Nghĩa trước khi ra làm luật sư thì từng làm thẩm phán ở tòa huyện), với tư cách đồng nghiệp cũ, tôi chân thành khuyên các bị cáo thành khẩn” - chủ tọa nói.

Công tố viên cũng cho rằng quan trọng nhất vẫn là lời khai trung thực. Tuy nhiên, qua phần thẩm vấn thì lời khai bị cáo Nghĩa và bị cáo Hải là tiền hậu bất nhất.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm