Đó là những câu hỏi được các đại biểu (ĐB) nêu ra tại phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 17-11.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu vấn đề các siêu dự án thua lỗ thời gian qua, trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng Công Thương báo cáo hoạt động triển khai thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của các chủ đầu tư, tức là ban quản trị các DN. Do đó vai trò của các bộ chuyên ngành hết sức hạn chế.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình).
Theo đó, ông Sinh cho rằng: “Đây là lỗ hổng rất lớn của pháp luật về trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước, khiến hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn nhà nước đã tan thành mây khói mà không xác định được trách nhiệm cụ thể của các tổ chức hay cá nhân”.
Ông đặt câu hỏi: “Thủ tướng có giải pháp nào để khắc phục lỗ hổng và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư của các DNNN?”.
ĐB Sinh dẫn chứng báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 do Chính phủ trình QH mới đây cho biết tình hình tham nhũng diễn ra hết sức phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong chế độ.
"Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp nào đột phá để phòng chống tham nhũng, biến quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính thành hiện thực” - ông Sinh chất vấn.
Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP.HCM, cho rằng trong báo cáo, phát biểu của Thủ tướng cho thấy “tham nhũng còn phổ biến nghiêm trọng, lãng phí còn rất nghiêm trọng, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội được đề cao, tuy nhiên chưa đủ mạnh".
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP.HCM.
Theo đó, bà Tâm đặt ra câu hỏi: “Trong thời gian qua, kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được như mong muốn, có hay không việc Chính phủ chưa phối hợp một cách hiệu quả với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân, chưa phát huy đúng tầm vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, chính vì vậy hiệu quả chưa cao?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại QH sáng nay 17-11.
Trước những câu hỏi của các ĐB về giải pháp phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi xin đề nghị QH những biện pháp phải xây dựng thể chế không có kẽ hở để làm sao không dám, không nên tham nhũng.
Đồng thời thực hiện cải cách hành chính để không còn cơ chế xin cho, hạn chế tối đa việc xin cho, nhất là những lĩnh vực dễ tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, tài nguyên…”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ việc phát hiện tham nhũng, tăng cường kiểm soát quyền lực của mọi cấp cán bộ; công khai, minh bạch, quan tâm đến đời sống cán bộ trong bộ máy, kết hợp với làm công tác tư tưởng".
Thủ tướng cũng nhất trí quan điểm của ĐB là Chính phủ cần phối hợp tốt hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ, đoàn thể, nhân dân, báo chí trong phòng chống tham nhũng.
"Tôi nghĩ với những biện pháp đồng bộ như vậy thì sẽ hạn chế được tham nhũng” - Thủ tướng nói.
Liên quan đế biện pháp để chống hiện tượng “bốc hơi” tài sản nhà nước tại các DNNN, Thủ tướng cho hay hiện Nhà nước đã có cơ chế quản lý DNNN qua từng thời kỳ. Trung ương đã cho phép thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN để phát huy hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
“Đặc biệt là biện pháp cổ phần hóa DNNN, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, có sự giám sát của số đông trong vấn đề này. Đi kèm với đó là công khai, minh bạch trong giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước cũng phải đặc biệt được quan tâm hơn trong vấn đề giám sát các DNNN” - Thủ tướng nhấn mạnh.
ĐB Thái Trường Giang.
ĐB đoàn Cà Mau Thái Trường Giang nêu bức xúc của cử tri về những vụ việc có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, tài sản lên đến ngàn tỉ của quan chức tuy được dư luận đưa ra nhưng sau đó bị chìm xuồng. "Thủ tướng có biện pháp nào đối với những vụ việc này hay không?".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không để chìm xuồng bất cứ vụ việc sai phạm nào đã được phát hiện. Ngoài ra, bất cứ thông tin tham ô, tham nhũng nào cử tri và các ĐB phát hiện được cũng hãy mạnh dạn trao đổi, tố cáo để góp phần chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Ngay sau kỳ họp của QH, Chính phủ sẽ triệu tập hội nghị toàn quốc về quản lý DNNN để đưa ra các biện pháp cụ thể hơn, trong đó có việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh trong quản lý DNNN.