Ông Đinh La Thăng ‘có dấu hiệu của động cơ cá nhân’

Ngày 19-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội HĐTV PVN, bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái.

PVN thiệt hại 800 tỉ đồng

Theo kết luận điều tra, PVN đã ba lần góp vốn vào Ngân hàng (NH) Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) vào các năm 2008, 2010 và 2011 với tổng số tiền là 800 tỉ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Khi NH Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank với giá 0 đồng vào cuối tháng 4-2015 thì quyền và nghĩa vụ của các cổ đông (trong đó có PVN) chấm dứt. “PVN đã mất toàn bộ số vốn góp 800 tỉ đồng tại OceanBank, PVN phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỉ đồng trên sổ sách kế toán, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước và của PVN” - bản kết luận điều tra nhận định và cho rằng “trên cương vị là chủ tịch PVN giai đoạn này, ông Thăng phải có trách nhiệm về khoản thiệt hại nói trên”.

Vẫn theo CQĐT, sau khi PVN góp 20% vốn điều lệ của OceanBank, ông Thăng đã ký hai văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các công ty thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ NH của OceanBank.

Thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian từ năm 2009 đến 2014, có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN thực hiện gửi tiền vào OceanBank với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình là hơn 2.500 tỉ đồng/tháng và 74 triệu USD/tháng; tiền gửi có kỳ hạn khoảng 16.000-18.000 tỉ đồng và 100 triệu USD.

“Đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi trong nhiều năm, trong đó có 145 đơn vị của PVN với số tiền hơn 318 tỉ đồng, chưa kể số tiền 246 tỉ đồng Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc OceanBank, cựu chủ tịch PVN) nhận. Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Đinh La Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, cũng không có biện pháp điều tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời là có dấu hiệu của động cơ cá nhân và là tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái nêu trên” - kết luận điều tra nêu rõ.

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: HTD

Góp vốn trước khi Thủ tướng đồng ý

Cũng theo CQĐT, ông Thăng đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 30-9-2008 ông Thăng ký ba công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính và NH Nhà nước xem xét, phê duyệt cho PVN và các cán bộ, nhân viên chuyển phần vốn đã góp vào NH Thương mại Cổ phần Hồng Việt để mua cổ phần của OceanBank.

Ngay hôm sau, khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, ông Thăng đã ký nghị quyết của HĐQT PVN, thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của OceanBank, trong đó PVN góp 400 tỉ đồng, nắm giữ 20% vốn điều lệ; các cán bộ, công nhân viên của PVN góp 200 tỉ đồng, nắm giữ 10% vốn điều lệ của OceanBank.

Có một mốc thời gian đáng chú ý cần nhắc tới là ngay từ ngày 18-9-2008, ông Thăng và chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận số 6943 về việc tham gia góp vốn, cam kết PVN góp 20% vốn điều lệ tại OceanBank.

Về việc này, ông Thăng khai tại CQĐT: Việc ký nghị quyết trước khi có ý kiến của Thủ tướng là để thống nhất trong HĐQT, để ban hành chủ trương. Sau khi báo cáo Thủ tướng và được sự đồng ý bằng văn bản mới chuyển tiền mua cổ phần. Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn (ngày 25-10-2008) thì đã có ý kiến của Thủ tướng nên không vi phạm.

Nhờ làm giấy xác nhận để hợp thức hóa

Liên quan vấn đề trên, theo hồ sơ, trước khi bị khởi tố, ông Thăng khai rằng trước khi ký thỏa thuận số 6943 với Hà Văn Thắm, ông đã trao đổi nhiều lần với các ông, bà trong HĐQT mà trực tiếp là các ông, bà: Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa về việc PVN tham gia góp vốn vào OceanBank. Ông Thăng đã cung cấp cho CQĐT giấy xác nhận ngày 28-3-2017 thể hiện điều này.

Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố điều tra, ông Thăng khai nhận lại. Theo đó, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc tại PVN để có tài liệu xác nhận việc đã trao đổi xin ý kiến thống nhất trong HĐQT trước khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm; ông Thăng đã gọi điện thoại nhờ ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo và Phan Thị Hòa (nguyên là thành viên HĐQT năm 2008) xác nhận việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank.

Sau đó, ông Thăng nhờ bà Bùi Thị Nguyệt (trước đây là Ban kiểm soát, nay là trưởng Ban tổ chức nhân sự PVN) đến trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào giấy xác nhận ngày 28-3 nêu trên cho ông Thăng nhưng không có việc thông qua HĐQT, hay tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.

Bản kết luận điều tra cho rằng lời khai này của ông Thăng phù hợp với lời khai của các bị can, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tài liệu điều tra thu thập được. Lời khai của ông Hùng, ông Cảnh và bà Hòa thể hiện ngày 30-9-2008, HĐQT có tổ chức họp do ông Đinh La Thăng chủ trì. Tại đây, ông Thăng có trao đổi việc PVN góp vốn mua cổ phần của OceanBank và từ đây các ông, bà này mới biết được chủ trương PVN góp vốn vào NH này. Cạnh đó, các thủ tục báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành đều do ông Thăng ký mà không thông qua HĐQT.

“Né tránh trách nhiệm, gây cản trở hoạt động điều tra”

Cũng theo CQĐT, năm 2010, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt phương án tăng vốn lần hai, ông Thăng đã đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỉ đồng cho OceanBank. Lần góp vốn thứ ba, PVN đã góp thêm 100 tỉ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN tại OceanBank lên 800 tỉ đồng, duy trì tỉ lệ nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank. Kết luận điều tra cho rằng việc đề xuất chủ trương, ban hành nghị quyết để PVN bổ sung vốn góp này là trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”.

Tại CQĐT, ông Thăng đã thừa nhận việc góp vốn này là trái quy định. Tuy nhiên, do bận đi công tác tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng đã ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16 đến 18-5-2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV. Do vậy, ông Thăng cho rằng mình không liên quan đến việc ban hành nghị quyết nói trên.

Trong khi đó, bị can Nguyễn Xuân Thắng khai: Khi ông Thăng đi công tác về, ông Thắng đã báo cáo ông Thăng về việc ký nghị quyết nêu trên để PVN góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng vào OceanBank nhưng ông Thăng không có chỉ đạo gì mà đồng ý để thực hiện. Ngoài ra, tài liệu thu được tại PVN thể hiện bộ phận thư ký HĐTV đã gửi bản chính nghị quyết trên cho ông Thăng để báo cáo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.