CỤC TRƯỞNG CỤC CHỐNG THAM NHŨNG PHẠM TRỌNG ĐẠT:

Phải ‘khui’ tham nhũng ra ngay từ đầu

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ (TTCP)) Phạm Trọng Đạt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ thị về việc tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ông Đạt nói: Để công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được hiệu quả hơn cần tăng cường sự phát hiện tham nhũng qua việc tố giác, cung cấp các hành vi vi phạm, có dấu hiệu tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức cơ sở. Từ đây sẽ “khui” ra những quan chức tham nhũng ngay từ ban đầu để chặn đứng hậu quả lớn hơn. Thực tế hiện nay cho thấy có những vụ việc tham nhũng khi phát hiện, xử lý hình sự thì đã quá lớn rồi.

Chặn đứng bao che tham nhũng

. Phóng viên:Thưa ông, hiện nay việc phát hiện tội phạm tham nhũng còn thấp. Vậy nguyên do nằm ở cơ chế chưa đủ mạnh hay vì lý do nào khác?

+ Ông Phạm Trọng Đạt (ảnh): Cơ chế để phát hiện tham nhũng thì đã có rồi, với hành lang pháp lý cụ thể quy định hành vi tham nhũng cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra để phát hiện tham nhũng đến đâu thì phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan đến đó.

Điều quan trọng là trong quá trình này phát hiện các dấu hiệu tham nhũng thì người đứng đầu phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra tiến hành xác minh, xử lý theo pháp luật quy định chứ đừng bao che cho hành vi phạm tội.

. Thực tế cho thấy khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng cũng thường “xử lý nội bộ”. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ sẽ xử lý nghiêm cán bộ, công chức có biểu hiện bao che trong quá trình thanh tra, thiếu kiên quyết trong việc kết luận thanh tra, xử lý đối với các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Điều này sẽ có tác động thế nào, theo ông?

+ Thực tế thì rất khó phát hiện người bao che cho các hành vi tham nhũng. Còn phát hiện được rồi thì xử về tội bao che tội phạm, cái này thì rõ rồi.

Tuy nhiên, muốn phát hiện được phải quy ngay trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan. Chẳng hạn như người đứng đầu các bộ, ngành không làm tốt để cấp dưới tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý trách nhiệm liên quan. Thực hiện nghiêm điều này thì việc phát hiện tham nhũng sẽ chuyển biến mạnh hơn trong các cơ quan, đơn vị và ngăn chặn hữu hiệu hơn hiện tượng bao che tham nhũng.

Muốn thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả hơn thì phải thực hiện việc này ngay trong quá trình điều tra, truy tố. Ảnh: HTD

Tiến hành phong tỏa, thu hồi tài sản tham nhũng ngay

. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rất rõ quá trình thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, phải chăng chúng ta còn né tránh, nể nang nên việc này chậm, thưa ông?

+ Hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chỉ chủ yếu là đôn đốc, xử lý theo quy chế hành chính, tổ chức mà thôi, chưa có các biện pháp mạnh mẽ cũng như các quy định có liên quan. Điều đáng nói việc thu hồi tham nhũng thường gặp rất nhiều khó khăn khi các đối tượng đã tẩu tán tài sản. Theo tôi, muốn thu hồi tài sản tham nhũng thì ngay trong quá trình điều tra, truy tố việc này phải được xem xét thực hiện. Cụ thể là trong quá trình này có thể phong tỏa tài sản, tiến hành thu hồi ngay. Còn nếu để đến khi xét xử, xác định rõ là tài sản tham nhũng mới tiến hành thu hồi thì đối tượng có thể đã tẩu tán tài sản ra bên ngoài, đến lúc này sẽ rất khó khăn.

. Ngay cả như việc thu hồi tài sản sai phạm, sau khi đã có kết luận thanh tra của TTCP và được Thủ tướng chỉ đạo thu hồi nhưng số thu hồi cũng rất thấp. Điều này gây thất thoát không ít tiền của Nhà nước, làm sao để xử lý vấn đề này tốt hơn, thưa ông?

+ Đúng là có tình trạng đó và có nhiều nguyên do dẫn đến điều này.

Cụ thể, hiện nay chúng ta chưa có chế tài nghiêm để xử lý về mặt hình sự về việc chây ì, chậm thực hiện kết luận của TTCP mà chỉ xử lý về mặt hành chính, trách nhiệm.

Ngoài ra TTCP chủ yếu vẫn là đôn đốc, kiểm tra, kiến nghị các đơn vị thực hiện nghiêm theo pháp luật sau kết luận của thanh tra. Với cơ chế như thế thường không giải quyết được gì cả.

Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng phải đưa vào luật quy định trong trường hợp đơn vị nào cố tình không thực hiện theo kết luận thanh tra thì phải xử lý hình sự. Có như thế thu hồi tài sản cho Nhà nước sau thanh tra mới đạt kết quả tốt hơn.

Đặc biệt từ phát hiện, điều tra đến thu hồi tài sản tham nhũng phải xác định không nể nang, né tránh dù là ai cũng buộc phải xử lý theo các quy định của pháp luật.

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ để khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cần phải chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng, có biện pháp kiên quyết để xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra. Kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp để thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, được phát hiện trong quá trình thanh tra, xử lý vụ việc tham nhũng.

Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có biểu hiện bao che trong quá trình thanh tra, thiếu kiên quyết trong việc kết luận thanh tra, xử lý đối với các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy