Thấy gì từ những vụ bị “người lạ” đánh dằn mặt sau khi có “va chạm” với CSGT

Gần đây, không ít người tham gia giao thông mỗi khi bị cảnh sát chặn lại để kiểm tra giấy tờ hay xử phạt thường phải ngó nghiêng, nhìn trước nhìn sau xem có "nhân vật bí ẩn" nào đứng gần đó không. Không phải tự nhiên mà họ cảnh giác cao độ như vậy, họ sợ kẻ xấu sẵn sàng tấn công họ nếu có xảy ra cãi vã. Nỗi hoang mang của họ thực sự không phải là hiện tượng đáng mừng trong một xã hội đang cần để cao tính nghiêm minh của pháp luật.

 Đánh người ngay trước mặt CSGT

Có thể nói vụ người vi phạm giao thông bị người lạ đánh ngay trước mặt nhóm CSGT xảy ra trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1 hồi cuối năm 2012 đã mở màn cho những sự việc tương tự, nhưng hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn về sau. Theo lời người bị đánh, kẻ hành hung họ đã nói: “Sao mày không chịu chung (tiền), mày chống đối à?” và còn gọi điện cho một ai đó thông báo là “Tao xử nó rồi”.

1 CSGT quay lưng, 1 CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau. Ảnh: TNO 

Khi sự việc leo thang, báo chí vào cuộc. Sau một thời gian theo dõi, ngày 28-6-2013, các nhà báo đã trực tiếp quay được cảnh một người đàn ông mặc thường phục luôn "sánh đôi" cùng nhóm CSGT trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. 

Người này đã lao vào đánh người vi phạm giao thông mà cảnh sát thổi lại ngay trước mắt nhóm cảnh sát. Đáng nói là nhóm CSGT này chỉ đứng nhìn chứ không có bất cứ hành động can thiệp nào. Sau chừng 2 phút để người này tự do đánh đấm, CSGT mới bước tới nhắc nhở. Không ít người đã bị kẻ “đứng gần” công an dằn mặt. Theo nhiều nhân chứng kể lại, nhân vật này vẫn luôn theo sát nhóm CSGT mỗi ngày, không chỉ ở chốt chặn đường Nguyễn Hữu Cảnh mà còn ra cả đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Từ dằn mặt cho tới đánh đến chết

Cái chết thương tâm của anh Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) hồi tháng 4-2013 đã gây phẫn nộ trong dư luận. Vụ việc xảy ra vào ngày 9-4, khi anh Hiền cùng một người bạn nữa chạy xe về nhà sau một cuộc nhậu. Khi đến đoạn đường Lê Trọng Tấn quận Tân Phú, anh Hiền bị CSGT chặn lại, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Dù đã “lót tay” để cho qua nhưng không được, sẵn hơi men, anh Hiền đã cự cãi với nhóm CSGT rồi bắt xe ôm về nhà. Thế nhưng, ngay khi đi khỏi vị trí trên khoảng 300 mét thì có hai thanh niên mặc thường phục, đi trên một chiếc xe SH đuổi theo. Anh Hiền bị hai người này kéo ngã xuống đường và bị đánh cho đến khi ngất xỉu. Đánh xong, hai thanh niên này bỏ đi còn nạn nhân Hiền tử vong sau đó.

Vợ và con anh Trần Văn Hiền sững sờ bên cỗ áo quan

Hai kẻ này sau đó đến công an đầu thú. Theo lời khai của hung thủ Lê Thanh Bằng và Lê Văn Tòng, do thấy anh Hiền đã say, vi phạm giao thông mà còn cãi CSGT nên quá bức xúc mới đuổi theo để đánh “dằn mặt”. 

Thế nhưng lời khai của cảnh sát lại có sự khác nhau so với những người “bênh vực” họ. Phía CSGT làm nhiệm vụ khẳng định không hề có tranh cãi với nạn nhân và hoàn toàn không hay biết về vụ ẩu đả đêm đó cho đến khi báo chí đưa tin. Vụ việc tiếp tục gây bức xúc khi cơ quan công an điều tra ra một trong hai hung thủ có mối quan hệ mật thiết với CSGT.

Không còn là hiện tượng lẻ tẻ

Nạn nhân mới nhất của những kẻ lạ mặt, bị hành hung sau khi “đụng độ” với CSGT là ông  Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp).

Theo lời người nhà nạn nhân, đêm 25-6, trời mưa như trút nước, ông Chín lái xe về nhà trong tình trạng người có hơi men. Đến ngã tư Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý, ông Chín bị CSGT chặn lại. Xác định ông Chín say rượu khi điều khiển xe nên cảnh sát lập biên bản xử phạt. Ông Chín đề nghị được giao biên bản nên đã có cự cãi giữa đôi bên. Đúng lúc này có hai thanh niên đến gần, đưa ông Chín ra một nơi khác với lý do “ra kia đưa biên bản”. Nơi ông Chín được đưa đến chỉ cách chỗ nhóm CSGT đứng khoảng 50 m và tại đây ông bị hai thanh niên đánh đập tàn nhẫn.

Sau một lúc, hai người này bỏ đi, ông Chín đau đớn quay trở lại vị trí nhóm CSGT đứng và được gọi taxi đưa đi cấp cứu. Ngày hôm sau, ông tử vong vì thủng ruột non.

 Vợ và hai con vô cùng đau đớn trước cái chết của ông Chín. Ảnh: XUÂN NGỌC

Qua một loạt sự kiện đã xảy ra, có thể thấy một hiện tượng chung là có tồn tại một nhóm người “bí ẩn” luôn có mặt trong một số trường hợp người đi đường xảy ra tranh chấp với CSGT. Có dư luận cho rằng những người này hoặc làm nhiệm vụ cảnh giới, ngăn cản báo chí hoặc người dân quay phim, chụp ảnh, theo dõi hành động của CSGT; nếu gặp thái độ phản kháng, họ sẵn sàng lao vào hăm dọa người dân bằng những cú đấm, kèm theo là lời “nhắc nhở”, “hướng dẫn” người bị giữ phương tiện hãy có thái độ “biết điều” để được giải quyết êm xuôi.

Nhóm người này là ai, có mối quan hệ như thế nào với lực lượng chức năng mà có thể kè kè các tổ CSGT tuần tra ở khắp mọi nơi, ra tay đánh người mà cảnh sát "không hề hay biết", hoặc có biết cũng mãi mới ngăn cản? 

Phải chăng những người này đang muốn tạo nên một đạo luật bất thành văn rằng người dân chớ nên có phản ứng chống đối với CSGT nếu không muốn chuốc họa vào thân? Nếu vậy, lợi ích của họ đạt được sau những phi vụ này là gì? Chẳng lẽ là danh tiếng những "anh hùng rơm" bảo vệ lực lượng cảnh sát? Tin rằng thể loại anh hùng ấy không thể tự nhiên mọc ra chỉ để “tự sướng”. Nhóm người ấy phải có động lực, có năng lượng nuôi sống và có mục tiêu rõ ràng, thậm chí là sự bảo vệ mới có thể liều mạng tự biến mình thành kẻ hành hung, thậm chí sát nhân vì những chuyện, trên bề mặt, không hề liên quan đến họ.

Những cá nhân này có thể bị bắt, bị pháp luật trừng trị hoặc không. Thế nhưng, câu hỏi mà dư luận đặt ra - có hay không mối quan hệ "nào đó" giữa nhóm người ấy với CSGT - thì trong tất cả các vụ việc đã xảy ra vẫn chỉ nhận được câu trả lời "không có bằng chứng về mối liên hệ". Nhưng liệu dư luận có thấy thỏa đáng với kết quả này không, khi mà những cái chết bất thường, những trận đánh dằn mặt ngay sau khi va chạm với CSGT vẫn đang xảy ra trên thực tế?

PV tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm