Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng đã ký quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, TP.HCM hủy bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng hủy bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” khi tuyển dụng công chức. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 1-11.
Để làm rõ việc triển khai các nội dung này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP.HCM.
TP phải chấp hành theo quy định chung
. Phóng viên: Ông đánh giá gì về hiệu ứng từ quyết định được dư luận cho là tích cực này của UBND TP.HCM?
+ Ông Lê Hoài Trung: Trước đây, UBND TP.HCM quy định ứng viên phải có hộ khẩu thường trú TP.HCM thì mới tuyển dụng. Nhưng trong quá trình thực tiễn thì Sở Nội vụ có tham mưu cho UBND TP mở ra hơn trong công tác tuyển dụng. Chẳng hạn như các ngành giáo viên mầm non, giáo viên một số bộ môn không tuyển được thì TP vẫn tuyển KT3.
Từ đó Quyết định 03/2016 của UBND TP không phải dựa vào tiêu chí hộ khẩu cứng nhắc mà nhất là gần đây đã mở ra tuyển dụng các ứng viên chỉ có KT3. Có những vị trí thí điểm tuyển cả nhà khoa học Việt kiều từ nước ngoài về làm việc, thậm chí lương rất cao. Hay vừa rồi Sở Nội vụ cũng đề xuất ngành lao động được tuyển dụng nhân sự ở các tỉnh về làm việc tại các trung tâm giải quyết việc làm, trung tâm cai nghiện ma túy... ở các tỉnh thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Như vậy TP.HCM đã có cơ chế mở ra chứ không phải cái gì cũng cần hộ khẩu.
Nhưng đến thời điểm hiện nay thì căn cứ Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định 24, Nghị định 29 của Chính phủ về thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức thì không có yếu tố hộ khẩu nên TP chấp hành theo quy định. Đó là chuyện bình thường.
. Việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình nào, kế hoạch ra sao?
+ Từ ngày 1-11-2017 trở đi, thi tuyển công chức hay xét tuyển viên chức sẽ không đặt vấn đề hộ khẩu.
Như vậy, các đơn vị hành chính lâu nay tổ chức thi tuyển công chức đặt ra yêu cầu hộ khẩu thì giờ bỏ yêu cầu này ra thôi. Nhưng trong sơ yếu lý lịch của ứng viên, anh phải ghi rõ địa chỉ cư trú, tạm trú…
Về xét tuyển viên chức, TP.HCM có ba trường: ĐH Sài Gòn, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Cán bộ và các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ…
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trong một cuộc thi tuyển công chức ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Như vậy, tới tháng 11-2017 mới thông báo thi tuyển theo quyết định trên. Khả năng phải mất nhiều thời gian thông báo công khai vị trí cần tuyển, đăng ký hồ sơ, ôn tập mới tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo đến công bố kết quả. Như vậy, có khi tới giữa năm 2018 mới có kết quả tuyển dụng.
Khó quản lý nổi các ứng viên (?!)
. Khi bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng thì TP.HCM sẽ nhận được những lợi ích gì? Đặc biệt là trong vấn đề thu hút nhân tài cho TP?
+ Cái lợi khi TP bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng chính là việc TP đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, không bị mang tiếng vi phạm pháp luật, xé rào, còn cái lợi gì khác thì chưa thấy vì chưa thực hiện. Nhưng dự báo được những bất lợi.
Thứ nhất, sắp tới tỉ lệ chọi sẽ rất cao, vừa rồi có vị trí đến 10 người, bây giờ sẽ tăng lên nữa. Công tác tổ chức thi tuyển sẽ mất nhiều thời gian, phức tạp hơn; quy mô tổ chức kỳ thi sẽ khác, chấm thi cũng dài hơn.
Thứ hai, khi trúng tuyển vào, ứng viên đó phải qua một năm tập sự. Ứng viên từ môi trường khác đến đây làm việc phải có thời gian am hiểu thực tiễn TP.HCM, đơn vị tuyển dụng trên các lĩnh vực. Đó là khâu khó, khó cho ứng viên và khó cho cả đơn vị tuyển dụng. Một năm sau thử việc, nếu không đạt sẽ chấm dứt lao động, như vậy tốn bao nhiêu công sức thi tuyển, đào tạo. Thậm chí người này vào làm không được cũng tự nghỉ. Sau đó lặp lại một vòng thi tuyển mới, vào rồi lại nghỉ…
Còn nói khi TP.HCM bỏ yếu tố hộ khẩu sẽ thu hút nhân tài thì chưa thể khẳng định được. Vì một trong những năng lực của người công chức là phải am hiểu địa phương nơi mình làm việc, am hiểu từ lịch sử, con người, văn hóa (giao thông, ứng xử) đến am hiểu cả kinh tế-xã hội của TP.
Ngoài ra, chưa kể ứng viên tỉnh khác đậu công chức ở TP.HCM thì các vấn đề điều kiện đi lại, cư trú… sẽ như thế nào với đồng lương công chức ít ỏi khi mới vào làm.
Trước đây, khi đặt ra yêu cầu về hộ khẩu, TP.HCM ít nhiều có thể quản lý được, bây giờ thì không rõ lai lịch thì khó quản lý nổi các đối tượng ứng viên.
Còn nói riêng về vấn đề thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì TP đang chờ Chính phủ có nghị định. Thu hút nhân tài là hoàn toàn khác với tuyển dụng công chức, viên chức.
Việc cạnh tranh sẽ rất gay gắt
. Nhiều ý kiến cho rằng với tiêu chí hộ khẩu thì TP.HCM đã quá khắt khe trong tuyển dụng và chúng ta nên căn cứ vào những tiêu chí khác mang tính “nội dung” hơn là phải bắt buộc có hộ khẩu. Ông nghĩ thế nào?
+ Không phải khắt khe mà vì nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học trong TP.HCM đã là quá nhiều, quá dư thừa nhu cầu tuyển dụng. Mỗi lần tuyển, lượng ứng viên đăng ký đã gấp ba lần nhu cầu tuyển dụng, nay bỏ hộ khẩu số lượng có thể tăng cao hơn nữa. Điều đó cho thấy mặc dù đã đưa ra tiêu chí hộ khẩu nhưng việc cạnh tranh đã rất gay gắt.
Như vậy, không phải TP.HCM hạn chế, khắt khe mà chính mình đã có nguồn đào tạo tại đây rất lớn và mình phải sử dụng nguồn đó. Nếu mở ra thì rộng hơn, có những vấn đề như đã dự báo.
. Nhưng nhiều tỉnh, thành khác đã bỏ yếu tố hộ khẩu trong tuyển dụng từ lâu?
+ Được biết hiện nay có tỉnh yêu cầu ứng viên phải có hộ khẩu thường trú trong ba năm mới được thi tuyển. Nhiều nơi thực tế không đặt ra yêu cầu hộ khẩu nhưng chưa thấy tuyển dụng người ở tỉnh khác.
. Vậy sắp tới đây, khi TP.HCM thực sự bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng thì có đảm bảo rằng những người không có hộ khẩu sẽ được tuyển dụng một cách công bằng không, thưa ông?
+ Nhiều năm qua TP.HCM tổ chức thi tuyển theo quy định pháp luật: công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh. UBND TP đã quyết định thành lập hội đồng thi tuyển, có ban đề, giám thị, ban phách, chấm thi, phúc khảo… và tổ chức nghiêm túc.
. Xin cám ơn ông.