Cần dỡ bỏ hộ khẩu khỏi điều kiện tuyển dụng

Việc quy định phải có hộ khẩu khi tuyển dụng công chức, viên chức đã gây ra rất nhiều áp lực, khó khăn cho không ít người khi muốn ứng tuyển vào các cơ quan, đơn vị tại TP.HCM.

Ngậm ngùi vì “hộ khẩu”

Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị của một quận trên địa bàn TP.HCM cho biết anh đã mất rất nhiều thời gian để được làm việc chính thức trong một cơ quan nhà nước vì không có hộ khẩu TP.HCM.

Anh kể sinh ra ở một tỉnh thuộc miền Trung, sau khi tốt nghiệp một trường ĐH ở TP.HCM, anh muốn được làm việc ở cơ quan nhà nước để ổn định cuộc sống nhưng thực tế không dễ dàng như anh nghĩ.

“Lúc Phòng Quản lý đô thị của quận cần người có chuyên môn để làm việc, tôi rất muốn vào làm nhưng tôi không có hộ khẩu ở TP.HCM. Vì vậy phòng mới tuyển dụng tôi với hình thức ký hợp đồng thời vụ vài tháng, như vậy hết hợp đồng đó tôi lại phải ký tiếp hợp đồng thời vụ khác. Cứ vậy mãi đến mấy năm sau tôi mới đủ điều kiện mua nhà, có hộ khẩu ở đây nên mới được thi công chức” - anh kể.

Hay như trường hợp bạn Nguyễn Thị Trinh (quê Phú Yên, ngụ quận Thủ Đức) đã từ bỏ ước mơ làm giảng viên đại học vì “cái hộ khẩu”. Trinh tốt nghiệp ngành tiếng Anh, Trường ĐH Ngân hàng TP và rất muốn trở thành một giảng viên ngoại ngữ. Từng tìm hiểu thông tin tuyển dụng của nhiều trường ĐH, CĐ; thậm chí là các trường tiểu học, trung học nhưng nơi nào cũng có yêu cầu hộ khẩu phải ở TP.HCM. Trinh ngán ngẩm nên đi dạy thêm ở một trung tâm ngoại ngữ và bây giờ thì đã không còn ước mơ làm giảng viên nữa.

Trinh ngậm ngùi: “Ban đầu mình cảm thấy rất tủi thân khi không phải là người dân TP.HCM. Mình cũng không hiểu tại sao lại có quy định như vậy. Trong khi năng lực của chúng mình chưa hẳn đã thua kém những bạn TP. Vậy mà có một số trường như thách đố chúng mình khi đặt ra yêu cầu phải có “hộ khẩu”. Mà muốn có cái hộ khẩu thì chẳng dễ dàng gì...”.

Nhiều ứng viên cho rằng cần dỡ bỏ điều kiện hộ khẩu khỏi yêu cầu tuyển dụng để họ có cơ hội được phục vụ cho sự phát triển của TP. HCM. Ảnh minh họa: Cán bộ đang làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không “hộ khẩu” thì phải tiến sĩ hoặc xuất sắc…

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều sở/ngành, quận/huyện, các trường ĐH, bệnh viện trên địa bàn TP khi tuyển công chức, viên chức, đều có yêu cầu: Có quốc tịch Việt Nam nhưng phải kèm “có hộ khẩu tại TP.HCM”.

Gần đây nhất, đầu tháng 2-2017, các BV Nguyễn Trãi có thông báo tuyển nhiều bác sĩ cho các khoa nội, ngoại, chấn thương chỉnh hình,…; được nộp hồ sơ từ ngày 13-2 tuy nhiên ngoài các điều kiện về sức khỏe, bằng cấp thì phải có hộ khẩu ở TP.HCM. Hay BV Nhi đồng TP.HCM cũng có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kế toán,… và cũng có yêu cầu về hộ khẩu TP.HCM.

Tháng 12-2016, UBND quận 10 có thông báo tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo quận 10 năm học 2016-2017 (đợt 2). Trong thông báo cũng nêu rõ người đăng ký dự tuyển viên chức phải có: “Quốc tịch Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Trường hợp người dự tuyển không có hộ khẩu thường trú tại TP thì phải có ít nhất một trong các điều kiện: Có học hàm giáo sư (tuổi đời dưới 45 tuổi đối với nữ và 50 đối với nam), phó giáo sư (tuổi đời dưới 40 tuổi); có bằng tiến sĩ (tuổi đời dưới 35); có bằng thạc sĩ (tuổi đời dưới 30); tốt nghiệp loại xuất sắc các ĐH trong nước hoặc tốt nghiệp loại giỏi các ĐH nước ngoài (tuổi đời dưới 25)”.

Giải thích về vấn đề này gần đây, tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với Sở KH&CN TP, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết chính sách hộ khẩu trong tuyển dụng có vấn đề “lịch sử” khi mục đích trước đây đặt ra nhằm giảm bớt người nhập cư vào TP. Thời gian gần đây TP đã có chính sách nới lỏng hơn như đối với các trí thức Việt kiều, TP.HCM đã có chính sách riêng để thu hút với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng. Hay một số lĩnh vực cho phép tuyển dụng các chuyên gia, nhà khoa học trong nước tốt nghiệp ĐH loại giỏi, thạc sĩ loại khá và tiến sĩ trẻ mà không cần hộ khẩu TP.

Ông Trương Văn Lắm cũng cho biết tới đây sẽ chỉnh sửa quy định tuyển dụng liên quan đến hộ khẩu để trình UBND TP. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa quy định theo hướng không quy định hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức” - ông Lắm nói.

Yêu cầu về hộ khẩu sao thu hút được nhân tài

Chiều 22-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho hay từ nhiều năm qua trong công tác tuyển dụng của TP không có quy định nào về vấn đề hộ khẩu. Theo đó, khi tuyển dụng thì có yêu cầu mô tả về vị trí việc làm kèm theo tiêu chuẩn chức danh.

Theo ông Đồng, TP Đà Nẵng khi tuyển dụng cũng không có phân biệt hộ khẩu người ngoại tỉnh hay ở địa phương. Khi tuyển TP chỉ thêm một số yêu cầu về trình độ như khá, giỏi, xuất sắc, ngoại ngữ… “Nếu quy định về hộ khẩu thì làm sao TP Đà Nẵng có thể thực hiện thành công được chính sách thu hút nhân tài từ các nơi khác về làm việc. Chúng tôi thực hiện việc tuyển dụng theo quy định của Nhà nước và không đặt thêm rào cản tiêu chí về hộ khẩu trong tuyển dụng” - ông Đồng cho hay.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng cho rằng không những không ngăn cấm mà TP còn muốn kêu người tài từ các tỉnh, thành khác về cống hiến cho TP.  “Chính sách thu hút của chúng tôi đã kêu gọi được nhiều người tài về làm việc. Bây giờ đã có nhiều người ngoài địa phương đang giữ các chức vụ cao trong hàng ngũ lãnh đạo” - ông Đồng khẳng định.

LÊ PHI

“Đã không quy định, yêu cầu hộ khẩu làm chi”

Hồi nào đến giờ ở An Giang tôi làm công tác thi tuyển công chức, viên chức không đòi hộ khẩu của người dự tuyển. Hộ khẩu trong, ngoài tỉnh không phân biệt, chỉ yêu cầu đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Ở đây chúng tôi không đòi hộ khẩu. Người ta không quy định thì yêu cầu hộ khẩu làm chi? Lấy hộ khẩu làm mục đích gì?

Cần Thơ lên dự tuyển cũng được; Kiên Giang qua dự tuyển cũng được. Đồng Tháp sang dự tuyển cũng được luôn, không ràng buộc gì hết trơn.

Ông PHẠM TRUNG QUÂN,
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang

NHẪN NAM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm