Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý

Cùng với việc tháo dỡ xong 112 căn nhà xây dựng không phép, UBND quận Tân Bình (TP.HCM) đang khẩn trương làm thủ tục hỗ trợ cho những hộ dân sử dụng đất tại khu vườn rau phường 6. Tới đây, trên khu đất gần 5 ha này, UBND quận Tân Bình sẽ thực hiện dự án xây dựng ba trường học đạt chuẩn quốc gia, cụm công trình công cộng, công viên cây xanh và các công trình hạ tầng kết nối.

Có ba thông tin pháp lý cần được minh định từ việc triển khai dự án trên.

Đất do Nha Viễn thông chế độ cũ quản lý, sử dụng: Nhà nước quản lý

Theo bản kết luận năm 2008 của Thanh tra TP.HCM, vườn rau phường 6 nằm trong khu đất lớn (6,8 ha) thuộc bốn thửa đất với nhiều phần do Quốc gia Việt Nam đứng bộ, một phần (2,7 ha) do Hội đồng Quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ vào năm 1939.

Trước năm 1975, toàn bộ khu đất lớn đó được Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ cũ quản lý, sử dụng. Trong số đó có hơn 4 ha được làm bãi ăngten cho đài phát tín, đối với 2,7 ha còn lại thì vào năm 1955 trạm phát tín chấp thuận cho một số người dân canh tác dưới cột ăngten vào ban ngày…

Sau năm 1975, Trung tâm Viễn thông 1 - Tổng cục Bưu điện đến tiếp quản khu đất và tiếp tục quản lý, sử dụng để làm Đài phát tín Chí Hòa.

Tiếp nữa, Ban Quản lý ruộng đất TP, UBND TP.HCM lần lượt ban hành nhiều văn bản giao đất cho một số cơ quan và UBND quận Tân Bình để thực hiện nhiều dự án. Hiện tại, theo quyết định được UBND TP.HCM ban hành vào tháng 8-2013, UBND quận Tân Bình có nhiệm vụ hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án công trình công cộng (xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia…) trên diện tích đất 49.320 m2.

Như vậy, cần phải khẳng định là: Sau giải phóng thì khu vườn rau phường 6, quận Tân Bình thuộc khu đất 6,8 ha nêu trên đã thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước. Việc tiếp quản, quản lý đất được chính quyền thực hiện theo Điều 1 Phần IV Quyết định 111/CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ là đúng quy định, đảm bảo được nguyên tắc chung của các luật đất đai. Đó là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý”.

Cũng theo kết luận đã nêu của Thanh tra TP, đối chiếu quy định của Điều 1 Phần IV Quyết định 111/CP khu đất 6,8 ha này thuộc diện đất của các tổ chức thuộc bộ máy cai trị của chế độ cũ, cụ thể là đất của Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ cũ quản lý, sử dụng.

Từ chỗ đó sẽ không đúng nếu nghi ngờ “có sai trái trong việc quản lý đất khi chính quyền đã không thuyết phục dân giao đất” vì các cơ quan chức năng không tiếp quản, quản lý đất theo diện đất của các đoàn, hội tôn giáo.

Thông tin có một phần đất từng được Hội đồng Quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng tên và sau đó Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ cũ đã quản lý, sử dụng càng làm rõ tư cách sử dụng đất của các hộ dân. Các hộ được người đại diện của chính quyền chế độ cũ chấp thuận cho sử dụng đất để trồng rau chứ họ không phải là chủ đất.

Một diện tích đất không thể có hai chủ

Theo một báo cáo năm 2016 của UBND TP.HCM thì từ năm 2000, nhiều hộ dân ở khu vườn rau đã đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không được giải quyết. Các hộ này được UBND phường 6 xác nhận “đã canh tác hoa màu từ năm 1976 đến nay”. Vậy việc không cấp giấy của chính quyền có đúng với quy định của các luật đất đai hay không? Câu trả lời là: Đúng.

Năm 2006, để phản hồi ý kiến thắc mắc của Sở TN&MT TP.HCM, Bộ TN&MT cho rằng: “Từ thực tế quá trình sử dụng đất nêu trên, việc sử dụng đất của các hộ dân để trồng rau là tận dụng phần diện tích đất trống giữa các cột ăngten để canh tác. Khi Bưu điện TP yêu cầu các hộ dân ngừng canh tác để trả lại mặt bằng thì các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về QSDĐ với bưu điện”.

Trong một công văn ký năm 2015, Sở TN&MT TP.HCM cũng cho là: “Việc một số hộ dân tận dụng phần diện tích đất trống giữa các cột ăngten để canh tác trồng rau là không đủ điều kiện được công nhận QSDĐ và cấp giấy chứng nhận QSDĐ”.

Trước đó, vào năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất TP.HCM đã có văn bản giao 4 ha đất cho Bưu điện TP sử dụng. Đến 10 năm sau, UBND TP.HCM có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Sài Thành và Bưu điện TP đầu tư hạ tầng khu nhà ở… nhưng hai cơ quan này đã không có năng lực triển khai. Sau cùng, UBND TP.HCM giao đất cho UBND quận Tân Bình thực hiện dự án xây dựng trường công. Điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất trên đã lần lượt có chủ hợp pháp.

Vậy nên chính quyền không thể xét cấp giấy chứng nhận cho những hộ dân ở khu vườn rau, nhất là khi họ không thỏa được điều kiện luật định nào (các hộ không có giấy tờ về QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp).

Vi phạm xây dựng thì phải bị tháo dỡ

Theo các báo cáo của UBND quận Tân Bình, từ tháng 4-2008 đến tháng 12-2017, khu vườn rau có 67 trường hợp vi phạm về xây dựng. Khi phát hiện được, các cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản, đình chỉ thi công xây dựng, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế… theo hai nghị định 180/2007, 121/2013.

Các quyết định này đều được giao trực tiếp hoặc qua bưu điện cho người bị xử phạt, đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường 6 theo yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tính ra đối với diện tích đất đã được UBND TP ra quyết định thu hồi vào tháng 4-2008 để chính quyền làm công trình công cộng và các cá nhân không hề có QSDĐ hợp pháp thì việc xây dựng nhà trên đó là hoàn toàn trái phép. Việc xử lý như đã nêu trên của UBND quận Tân Bình là phù hợp với quy định.

Giải tỏa chiếm dụng đất, xây dựng trái phép: Một được, hai thiếu sót

Được:

Trong việc giải tỏa khu vườn rau để triển khai dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia, UBND quận Tân Bình đang khẩn trương áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ đủ điều kiện. Tính đến nay đã có nhiều hộ nhận tiền hỗ trợ và đang tiếp tục kê khai để được hưởng hỗ trợ.

Theo thông tin từ UBND quận Tân Bình (TP.HCM), tính đến 18 giờ ngày 23-1, quận này đã tiếp xúc với 95/124 hộ dân ở khu vườn rau phường 6, trong đó đã có 86 hộ bày tỏ sự đồng thuận. Như vậy đến thời điểm này đã có 86/124 trường hợp đồng thuận và 72 trường hợp đã thực hiện xong việc kê khai.

Hiện đã có 22 hộ dân vườn rau nhận tiền hỗ trợ đợt 1 với tổng kinh phí hơn 23 tỉ đồng, tương ứng với diện tích 6.650 m2 đất. Quận cũng đã tiến hành khen thưởng cho 22 hộ này với số tiền 5 triệu đồng/hộ và hỗ trợ quà Tết cho 30 hộ với mức 6 triệu đồng/hộ.

Quận Tân Bình cho hay thời gian tới quận sẽ tiếp xúc với 29 hộ còn lại và xác nhận hồ sơ pháp lý để cấp tạm ứng cho 50/72 trường hợp đồng thuận còn lại.

Thiếu sót:

1. Không giải quyết từ đầu quyền lợi của những người canh tác

Từ năm 1991, chính quyền đã không xem xét, giải quyết quyền lợi của những hộ trồng rau trước khi giao đất cho các cơ quan. Đến khi các cơ quan không thể thương lượng việc bồi thường thì chính quyền cũng không tập trung giải quyết dứt điểm quyền lợi của các hộ. Năm 2006, mặc dù Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua khi đó đã chủ trì cùng với nhiều cơ quan tiếp xúc với hơn 130 hộ dân nhưng vụ việc vẫn không được xử lý rốt ráo, gây ra nhiều phát sinh phức tạp.

2. Không xử lý sớm các trường hợp vi phạm xây dựng

Tuy phát hiện được vào năm 2008 nhưng địa phương đã không tích cực triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu khiến nhiều vi phạm xây dựng bùng phát trong chín năm dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm