Xác định danh tính hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp

Sau ba ngày tìm kiếm, Malaysia khẳng định chưa tìm thấy bất kỳ dấu vết nàocủa chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 mất tích hôm 8-3.

Báo The Star (Malaysia) đưa tin ngày 10-3, tại cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia), Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Abdul Rahman bác bỏ thông tin đã tìm thấy một cánh cửa máy bay gần vùng biển Việt Nam.

Liên quan đến hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp ở Thái Lan mang tên Christian Kozel (Áo) và Luigi Maraldi (Ý) để lên máy bay, Tổng Thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết đã xác định được danh tính của một người. Ông từ chối tiết lộ cụ thể nhưng cho biết người này không mang quốc tịch Malaysia.

Bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông Hishamuddin Hussein nói ảnh của hai người này đã được chuyển cho các quan chức Mỹ tại Kuala Lumpur. Cục trưởng Abdul Rahman nói đang cân nhắc công bố ảnh chụp hai người này từ máy ghi hình giám sát ở sân bay.

Tổng Giám đốc Cơ quan Thực thi pháp luật biển Malaysia Mohd Amdan Kurish cầm mẫu dầu đã qua kiểm nghiệm xác định không phải là dầu từ máy bay mất tích. Ảnh: THE STAR

Báo Financial Times (Anh) dẫn lời Benjaporn Krutnait, Giám đốc công ty lữ hành Grand Horizon ở Pattaya (Thái Lan), cho biết một mối làm ăn lâu năm của công ty tên Ali, người Iran đã đặt vé cho hai hành khách trên. Ban đầu ông Ali yêu cầu đặt vé cho hai người này đến Amsterdam (Hà Lan) rồi sau đó họ sẽ mua vé đến Copenhagen (Đan Mạch) và Frankfurt (Đức).

Giám đốc Benjaporn Krutnait đã đặt một vé của hãng hàng không Qatar Airways (Qatar) và một vé của hãng hàng không Etihad Airways (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Sau khi hai vé hết hạn mà không có ai nhận, đến ngày 6-3, ông Ali lại liên hệ nhờ đặt vé lại cho hai người đàn ông nọ. Giám đốc Benjaporn Krutnait đã đặt vé lại cho họ trên chuyến bay MH370 vừa mới mất tích.

Sáng 10-3, tàu chiến Miên Dương và tàu tuần tra 3411 của cảnh sát biển Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm ở khu vực biển giữa Malaysia và Việt Nam. Chiều cùng ngày, tàu tuần tra 3411 phát hiện hai vệt dầu loang lớn và đã thu thập mẫu để kiểm tra.

Trong khi đó, cơ quan thực thi pháp luật biển Malaysia thông báo mẫu dầu thu từ vết dầu loang cách bờ biển bang Kelantan 100 km không phải là dầu từ máy bay mất tích.

LÊ LINH

Ngày 10-3, hãng hàng không Malaysia Airlines thông báo sẽ lập một trung tâm chỉ huy cứu nạn ở Kota Baru thuộc bang Kelantan (Malaysia) hoặc TP.HCM khi xác định được khu vực máy bay mất tích. Hãng khẳng định sẽ tiếp tục minh bạch trong công tác cung cấp thông tin.

Dữ liệu Lầu Năm Góc cho thấy máy bay Malaysia không bị nổ. Tờ New York Times cho biết “các dữ liệu tình báo sơ bộ” của Lầu Năm Góc cho thấy chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines không hề bị nổ ở biển Đông. Báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng: “Một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới” không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ.

Cựu giám đốc IBM có mặt trên máy bay Malaysia bị mất tích. Đó là ông Philip Wood, 50 tuổi, một giám đốc lâu năm tại IBM, đã từng sinh sống tại Bắc Texas trước khi chuyển đến Bắc Kinh. Bố của ông Wood, ông Aubrey Wood đã nói với đài truyền hình KTVT-TV ở Dallas rằng Đại sứ quán Malaysia ở Mỹ đã liên lạc với ông và thông báo về việc con trai ông có mặt trên chuyến bay xấu số đó.

Những vụ tai nạn máy bay bí ẩn

Năm 2009, máy bay Airbus 330 của Air France biến mất trên bầu trời Đại Tây Dương trong hành trình từ Rio de Janeiro tới Paris. Năm 2012, các nhà điều tra kết luận vụ tai nạn là do sai sót của phi công và trục trặc của các thiết bị cảm biến tốc độ.

Năm 1996, chuyến bay TWA 800 phát nổ trên không ngoài khơi bờ biển Long Island, New York khiến 230 người thiệt mạng mà nguyên nhân đến nay vẫn còn là ẩn số.

Năm 1994, chuyến bay USAir 427 rơi trên nước Mỹ làm 132 hành khách thiệt mạng mà nguyên nhân còn là giả thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm