KẾT THÚC CÓ HẬU VỤ “LẤY TIỀN CỦA VỢ CŨNG BỊ TỘI”

Người chồng chính thức vô tội

Ngày 9-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh này tuyên xử anh Nguyễn Thanh Cần không phạm tội trộm cắp tài sản có hiệu lực pháp luật.

Tài sản chung hợp nhất

Trước đó, tháng 8-2012, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt anh Cần bảy năm tù về tội trộm cắp tài sản và anh Cần kháng cáo. Tháng 11-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Theo nhận định của tòa phúc thẩm, lời khai của bị hại (vợ anh Cần) thể hiện số tài sản trên là tài sản chung của hai vợ chồng nên cần phải làm rõ trị giá tài sản của bị hại là bao nhiêu, tài sản của bị cáo là bao nhiêu mới định tội được.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai ngày 1-7 mới đây, cả anh Cần và vợ đều khẳng định một lần nữa rằng tài sản trong két sắt là tài sản chung của hai vợ chồng. Sau hai ngày nghị án, ngày 3-7, TAND tỉnh Tây Ninh nhận định đây là tài sản chung hợp nhất không xác định nên không có căn cứ kết luận anh Cần phạm tội trộm cắp tài sản. Không đồng tình với bản án tòa tuyên, VKSND tỉnh Tây Ninh đã kháng nghị theo hướng ông Cần có tội.

Người chồng chính thức vô tội ảnh 1

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Cần vui mừng trước cái kết có hậu. Ảnh: PHAN THƯƠNG

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua, sau phần thủ tục, ngay đầu phiên tòa, đại diện VKSND Tối cao tại TP.HCM (Viện Phúc thẩm 3) cho rằng sau khi nhận được kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh, qua nghiên cứu hồ sơ cũng như xem xét toàn bộ bản án, Viện Phúc thẩm 3 nhận thấy bản án cấp sơ thẩm tuyên là có cơ sở, đúng pháp luật. Từ đó, viện tuyên bố phải rút toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. Ngay sau đó, HĐXX đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

“Ổng lấy chỉ để trêu ngươi tui!”

Theo bản án sơ thẩm, anh Cần và vợ là chị Nguyễn Thị Mén dù ly thân nhưng vẫn sống chung nhà (thực ra vợ chồng anh Cần chỉ không thường xuyên ngủ chung giường, theo lời tiết lộ của cả hai vợ chồng anh - PV). Chị Mén “giao” chồng khai thác 2 ha cao su, còn mình thì quản lý vườn mãng cầu và kinh doanh xe tải.

Khoảng 17 giờ ngày 20-5-2012, biết vợ vắng nhà, anh Cần đã phá cửa phòng, cạy két sắt (do vợ giữ chìa khóa), lấy 197 triệu đồng và hơn 29 lượng vàng (24K và 18K), tổng trị giá hơn 1,3 tỉ đồng. Sau đó, anh Cần dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng để tạo dựng hiện trường giả rồi đem vàng đi chôn giấu trong vườn cao su do anh đang quản lý, theo phân công của vợ. Khuya đó, chị Mén về nhà phát hiện mất tiền vàng, hỏi thì anh Cần bảo không biết nên chị đã báo công an.

Trong tất cả biên bản lời khai cũng như trước tòa, anh Cần vẫn thừa nhận hành vi mình có làm như thế. Tuy nhiên, anh nói: “Kêu vợ đưa tiền mổ mắt, vợ chẳng nói năng gì, cứ im thin thít rồi bỏ đi. Tiền của trong nhà thì giao vợ giữ hết. Đang giận mà ngửa tay hỏi tiền hoài, tôi tức quá nên mở két sắt lấy hết rồi tiện thể giấu luôn cho bõ ghét”.

Về phần mình, chị Mén vẫn khẳng định đây là tài sản chung do hai vợ chồng tạo lập và “chắc chắn ổng lấy chỉ để trêu ngươi tui”…

Từ những điều trên, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên xử anh Cần không phạm tội tại phiên tòa sơ thẩm lần hai.

Cái kết có hậu

Với diễn biến phiên tòa phúc thẩm ngày 9-10, xem như anh Nguyễn Thanh Cần, người từng bị cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh quy kết phạm tội trộm cắp tài sản vì đã “lấy tiền của vợ” đã chính thức trắng án. Hình ảnh hai vợ chồng anh Cần mừng rỡ dắt nhau ra khỏi sân tòa như một cái kết có hậu trong câu chuyện chẳng may “đáo tụng đình” vì vợ chồng hục hặc, cư xử không đúng mực.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, ở một góc tòa, chị Mén đang tất bật vì nhiều nhà báo đến hỏi thăm, chia sẻ niềm vui và chụp ảnh, hỏi chuyện. Còn anh Cần thì lúc này lẳng lặng ra sân tòa liên tục nói chuyện điện thoại để báo tin vui cho người thân và bạn bè. Trông anh lúc này rất khác so với ba tháng trước đây tại phiên tòa sơ thẩm (lần hai), khi anh vẫn còn tạm giam. Áo thun, quần kaki, đeo cặp kính đen, trong anh “ngầu” hẳn. “Ra ngoài thì phải khác khi ở tù chứ” - anh cười.

“Thế bây giờ khi tức vợ anh có làm liều, làm cho bõ ghét nữa không?” - tôi hỏi. Anh khoát tay: “Sợ lắm rồi cô à, ở trong tù một năm 11 ngày như vậy là tởn đến chết!”. (Anh bị tạm giam từ ngày 22-6-2012, đến ngày 3-7 thì được TAND tỉnh Tây Ninh tuyên vô tội và trả tự do ngay tại tòa - PV)

Đang nói chuyện, chị Mén đi xuống. Thấy tôi, chị tiến đến nắm tay cười: “Vậy là tôi không còn cảm thấy có lỗi với ổng và các con nữa. Ai ngờ đâu vì báo công an mà tôi khiến ổng phải ngồi tù. Giờ thì vui quá rồi, về lo đám cưới cho hai đứa con thôi!”.

Trước khi về, anh Cần còn xin số điện thoại của tôi và nói: “Khi nào đám cưới tụi nhỏ, tôi gọi điện thoại mời cô lên dự nha”. Chị Mén nói thêm: “Các anh chị (chỉ các nhà báo có mặt ở sân tòa) cho tôi số điện thoại, đám cưới tôi mời hết!”. Rồi vợ chồng anh  rời tòa để bắt xe buýt về Tây Ninh cho kịp bữa cơm tối có đông người thân và bà con chòm xóm đến chúc mừng.

Chưa nghĩ đến chuyện đòi bồi thường

Liên quan đến chuyện bị khởi tố, giam oan của anh Cần, TS Phan Anh Tuấn (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) cho biết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ngay sau khi nhận được bản án, anh Cần có thể làm đơn yêu cầu bồi thường oan. “Trong vụ này, do VKSND tỉnh Tây Ninh đã phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam đồng thời truy tố anh Cần nhưng sau đó tòa tuyên vô tội nên trách nhiệm bồi thường thuộc về VKS tỉnh này theo khoản 2 Điều 31 luật nói trên” - TS Tuấn nói.

Nói về việc này, anh Cần cho biết hiện anh chưa nghĩ đến vì “muốn ở bên gia đình và thư giãn đã”. “Trước phiên tòa này, TAND tỉnh Tây Ninh cũng đã mời tôi lên làm việc. Tòa nói nếu tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì khi có bản án cứ cầm lên tòa để được hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường” - anh Cần nói.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm