Thẩm phán xử sai, lỗi gì?

Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi và hậu quả của hành vi đó. Nếu người nhận thức rõ hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì đó là cố ý. Còn nếu thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó thì đó là lỗi vô ý. Không có hình thức lỗi thứ ba.

Khi nói đến lỗi dù đó là lỗi cố ý hay vô ý đều nói đến ý thức chủ quan (mặt chủ quan). Ngoài lỗi ra, mặt chủ quan còn có động cơ, mục đích, các yếu tố xúc cảm. Không có trường hợp nào lỗi lại thuộc mặt khách quan. Như vậy về lý luận cũng như thực tiễn không có hình thức lỗi chủ quan hay lỗi khách quan.

Các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do sai lầm của thẩm phán chỉ có thể do lỗi cố ý hoặc vô ý. Dù cố ý hay vô ý thì đó cũng là lỗi của thẩm phán. Khi xem xét trách nhiệm của thẩm phán cần tìm ra nguyên nhân của sai lầm đó là nguyên nhân chủ quan hay nguyên nhân khách quan chứ không truy tìm do “lỗi chủ quan” hay “lỗi khách quan”.

Thẩm phán cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật là trường hợp biết sai mà cứ làm vì những động cơ, mục đích khác nhau. Về nguyên tắc, hành vi ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào thẩm phán cố ý ra bản án hoặc quyết định, mà bản án hoặc quyết định đó bị hủy hoặc bị sửa đều là hành vi phạm tội. Nếu cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật nhưng vì nguyên nhân khách quan và chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Theo quan điểm của thẩm phán thì bị cáo không phạm tội nhưng khi báo cáo thì lãnh đạo lại cho rằng bị cáo có tội; vì sợ hoặc nể nang, không dũng cảm, không dám chịu trách nhiệm nên đã tuyên bị cáo có tội, sau đó tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội. Tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng trường hợp cố ý ra bản án trái pháp luật này cũng phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đồng thời lãnh đạo tòa án ở đơn vị này cũng phải bị xem xét trách nhiệm.

Thẩm phán vô ý ra bản án bị hủy, bị sửa là trường hợp do không nhận thức được việc ra bản án hoặc quyết định đó là sai. Có thể do quá tin vào năng lực trình độ của mình hoặc do đọc không kỹ hồ sơ vụ án, tại phiên tòa không thực hiện đúng các quy định của luật tố tụng hoặc do nguyên nhân khách quan dẫn đến việc quyết định sai.

Thông thường, khi bản án hoặc quyết định của mình bị hủy, bị sửa, thẩm phán giải trình thường chỉ nhận là do nhận thức, do trình độ hoặc do nguyên nhân khách quan; rất ít có trường hợp thẩm phán thừa nhận do cố ý, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng thẩm phán đã cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật. Khi xem xét, đánh giá thẩm phán ra bản án bị hủy, bị sửa do cố ý hay vô ý phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Thẩm phán không mở phiên tòa mà vẫn ra bản án, quyết định; án tuyên tại phiên tòa một đằng, bản án phát hành một nẻo; kết án oan bị cáo vì thực hiện ý kiến của lãnh đạo, của cấp trên thì không thể cho rằng thẩm phán đó vô ý được.

Lỗi chủ quan hay lỗi khách quan chỉ là cách nói, cách viết để chỉ nguyên nhân dẫn đến sai lầm của thẩm phán nhưng nói và viết như vậy rõ ràng là không chính xác, nhất là văn bản đó lại do tòa án ban hành...

Góc của ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm