Thi hoa hậu nhiều như... game show

hông kể các cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, thành, người đẹp ảnh bìa báo, người đẹp qua ảnh... thì chỉ tính trong năm 2006, cả nước đã có sơ sơ... 11 cuộc thi quy mô cả nước: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Biển và tiếng hát biển, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Ảnh, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Siêu mẫu Việt Nam, Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam, Người đẹp quê hương Hai Bà Trưng...

Na ná và... khác thường

Ông LÊ NGỌC CƯỜNG, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch):

Sẽ siết lại nội dung các cuộc thi

Các cuộc thi người đẹp của Việt Nam hiện vẫn tìm kiếm người đẹp theo kiểu tự nhiên như “bó đũa chọn cột cờ” thành thử tuyển chọn thí sinh đạt chất lượng như mong muốn là không có. Đâu đó các cuộc thi hoa hậu vừa qua vẫn còn có ý nghĩa về mặt kinh doanh. Muốn hoạt động này chuyên nghiệp phải có công tác đào tạo và những tiêu chí phải tiến dần đến đẳng cấp nước ngoài. Mỗi cuộc thi ngoài tiêu chí riêng phải có tiêu chí chung như các cuộc thi lớn trên thế giới. Sắp tới sẽ yêu cầu nhà tổ chức phải sáng tạo hơn khi soạn nội dung.

Hoạt động này không phải là gì ghê gớm, nó cũng chỉ như những chương trình nghệ thuật bình thường. Với số dân như Việt Nam, với 64 tỉnh, thành và lực lượng lớn thanh niên trẻ hiện nay thì trong một năm tổ chức mười cuộc thi hoa hậu cũng chưa phải là nhiều.

Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng hầu hết các cuộc thi na ná nhau. Quay đi quay lại cũng chỉ thi áo tắm, áo dài, trang phục tự chọn và ứng xử. Một số cuộc thi khác còn nghĩ ra thêm nhiều “chiêu”... không đụng hàng. Trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (diễn ra vào cuối năm nay), thí sinh bắt buộc phải tham dự các môn thi... yoga, leo núi, đua xe đạp, chạy điền kinh, nấu ăn. Thí sinh nào biết cưỡi ngựa, múa, hát, dệt cửi... thì sẽ được cộng thêm điểm. Tương tự, cuộc thi Hoa hậu trang sức Việt Nam (tổ chức vào tháng 10 tới) các thí sinh buộc phải đeo trang sức là sản phẩm của các nghệ nhân kim hoàn tham gia mảng thi Sản phẩm nữ trang trong các phần thi.

Ngoài ý nghĩa na ná, nhiều cuộc thi còn “trùng lắp” bởi... thí sinh. Nhiều gương mặt đã đăng quang các cuộc thi người đẹp toàn quốc lại tiếp tục khăn gói đi thi ở một cuộc thi khác cũng... toàn quốc và tiếp tục đội chồng lên một danh hiệu khác (Nguyễn Thị Huyền từng đoạt danh hiệu Á hậu cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2004; Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2004 Bùi Thị Diễm từng đoạt giải Á hậu 1 cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2003...).

Tôn vinh hay “buôn” danh hiệu?

Xã hội hóa các cuộc thi người đẹp như tinh thần của quy chế tổ chức thi hoa hậu (ban hành cuối tháng 3-2006) là điều tốt, tuy nhiên vì thiếu những kiểm soát năng lực đơn vị đăng cai nên không ít cuộc thi đã mang nặng tính thương mại. Không khó nhận diện được một số giải thưởng trong các cuộc thi hoa hậu đã được an bài sẵn cho “gà” của các công ty tài trợ cuộc thi. Một cuộc thi hoa hậu giữa tháng 5-2006 còn bị tai tiếng “gạ tiền đổi danh hiệu” với một công ty nước ngoài kinh doanh về mỹ phẩm để kiếm một khoản tiền gần 200 triệu đồng.

Với chi phí bình quân của một cuộc thi từ một đến hai tỷ đồng thì không có sự góp tay của doanh nghiệp chắc chắn các cuộc thi khó lòng huề vốn từ tiền bán vé. Dĩ nhiên chẳng có một doanh nghiệp nào hào phóng tài trợ hàng trăm triệu đồng để rồi không được gì từ cuộc thi đem lại. Một số cuộc thi khác tuy mang danh nghĩa tổ chức định kỳ hàng năm nhưng thực chất sống bám tài trợ. Không tìm được tài trợ là chết ngắt hoặc “nghiêm, nghỉ” một thời gian chờ tài trợ (Siêu mẫu Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam sau ba lần tổ chức đều đặn (1993, 1995, 1997) đến năm 2000 tái diễn với tên Hoa hậu Thể thao Việt Nam và “ngủ” cho đến năm nay mới tổ chức lại).

Nhiều nhưng vẫn... thiếu

Trong thực tế, chẳng người đẹp nào bỏ quá nhiều thời gian và công sức cho một cuộc thi mà không có mục đích riêng nên cũng dễ hiểu vì sao nhiều người thường né câu hỏi “Lý do tham dự cuộc thi hoa hậu này?”. Hoặc có trả lời thì cũng “hoa mỹ” muốn học hỏi, giao lưu..., trong khi khán giả thừa hiểu cái đích đến mà họ hướng tới chính là danh hiệu, giải thưởng...

Với thực tế bùng phát các cuộc thi hoa hậu vừa qua, phải thẳng thắn nhìn nhận các cuộc thi vẫn chưa mang lại giá trị xã hội thực sự. Ngoại trừ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức khá bài bản và tạo được ấn tượng đẹp cho hình ảnh hoa hậu trong xã hội (thông qua các hoạt động từ thiện) thì các cuộc thi còn lại đều cho thấy sự luộm thuộm của việc tổ chức và các người đẹp sau khi đăng quang cũng chưa đóng góp nhiều cho xã hội. Điều đáng nói hơn là với hàng chục cuộc thi toàn quốc nhưng cứ mỗi lần đụng đến các cuộc thi quốc tế là lại nghe điệp khúc không tìm được người xứng đáng. Hoặc có tìm được thì việc tổ chức đưa đi cũng gặp đủ sự cố, để lại một ấn tượng không hay (Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tham dự Hoa hậu Thế giới 2005 muộn. Hoa hậu Mai Phương Thúy tham dự Hoa hậu Thế giới 2006 chẳng những muộn mà còn mất luôn va ly đựng toàn bộ trang phục, đạo cụ để dự thi phần thi tài năng...).

Hoa hậu “quậy”, ai tước danh hiệu?

Sau khi cuộc thi hoa hậu chấm dứt, hầu hết nhà tổ chức coi như “hết xôi rồi việc”. Rất ít nơi tính tới khả năng phát triển của hoa hậu sau đó dẫn đến nhiều hoa hậu chẳng có hoạt động xã hội nào xứng đáng danh hiệu. Thậm chí có người còn... quậy tưng (Hoa hậu H. từng để lộ một vết xăm hình con rồng sau lưng trong cuộc thi Hoa hậu châu Á năm 2005).

Theo ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, hiện quy định liên quan đến tước danh hiệu hoa hậu chưa rõ ràng. “Sắp đến sẽ quy định rõ ràng hơn điều này. Nếu nhà tổ chức không thu hồi danh hiệu thì cơ quan quản lý buộc phải có quyết định...” - ông Cường nói.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm