Bảng điểm 'đỏ rực' chưa chắc cửa vào ĐH Fulbight VN

Vậy tiêu chí tuyển sinh khóa đầu tiên của ĐH khai phóng này tại Việt Nam có gì khác biệt so với phương án tuyển sinh của hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam và trên thế giới? TS Ryan Debby- Talbot, khái quát tiêu chí tuyển sinh không dựa vào điểm số ứng viên có mà vấn đề cốt yếu là hội đồng tuyển sinh phát hiện ra một số tố chất sáng tạo của sinh viên. Qua đó, giảng viên sẽ phỏng vấn trực tiếp ứng viên để phát hiện tố chất sáng tạo thông qua việc thiết kế một sản phẩm, kỹ năng làm việc nhóm. “Tiêu chí tuyển sinh của chúng tôi không thiên về một tiêu chí vượt trội nào đó của học sinh mà chúng tôi đánh giá năng lực, sự sáng tạo của các em một cách toàn diện, dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hiện chúng tôi đang thiết kế bộ tiêu chí đánh giá này” - Giám đốc học thuật ĐH Fulbright Việt Nam, bật mí.

Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam công bố thông tin tuyển sinh khóa đầu tiên của trường tại Việt Nam. Ảnh: P.ĐIỀN

Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, công bố thông tin tuyển sinh khóa đầu tiên của trường tại Việt Nam. Ảnh: P.ĐIỀN

Vậy sinh viên năm đầu sẽ học những gì? TS Ryan Debby- Talbot thông tin thêm, năm đầu các em sẽ học kỹ năng căn bản, nền tảng một số kiến thức tổng hợp và quan trọng nhất là kỹ năng đặt câu hỏi. Không chỉ năm nhất mà các năm sau đó, các em sẽ học làm thế nào để đặt câu hỏi và nghĩ ra câu hỏi. Dĩ nhiên, việc đặt câu hỏi luôn có sự kèm cặp của giáo viên. Khi đã có câu hỏi, sinh viên sẽ phải nhảy vào giải quyết, trả lời câu hỏi đó có thể cùng nhóm, sự hỗ trợ của giáo viên. Khi các em đã giải quyết các câu hỏi, trong mớ rối rắm các vấn đề đặt ra, các em sẽ có các câu hỏi lớn hơn. Trong quá trình đặt câu hỏi luôn có sự dìu dắt, đồng hành của giảng viên và không phải loại câu hỏi nào cũng bàn tính, mổ xẻ mà có sự sàng lọc. Đó là điều khác biệt của ĐH khai phóng.

Những câu hỏi thường trực sẽ giải quyết vấn đề gì? Giám đốc học thuật ĐH Fulbright Việt Nam giải thích: Việc đặt nhiều câu hỏi sẽ giúp sinh viên tiếp cận vấn đề ở đa ngành, ở nhiều lăng kính khác nhau để phát triển kiến thức, kỹ năng toàn diện, phù hợp xu thế thời đại. Đây là điều khác biệt so với cách tuyển sinh và đào tạo của các trường ĐH khác. Mô hình này đã được đúc kết từ các trường danh tiếng trên thế giới và rất thành công tại Mỹ. Với những câu hỏi có ý nghĩa sẽ được nuôi dưỡng để phát triển thành câu hỏi lớn hơn. “Chúng tôi không theo lối mòn tập trung vào chuyên ngành nào đó để sinh viên chăm bẵm học để đi kiếm việc, bởi như vậy người học chỉ làm được một nghề. ĐH Fulbright Việt Nam đào tạo kiến thức toàn diện, người học sẽ linh hoạt hơn trong công việc. Với một công việc có nhiều cách để giải quyết và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, dù họ không theo một chuyên ngành cố định. Đây là cách mà chúng tôi tạo ra nhiều nhà lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực. ĐH khai phóng là như vậy” - ông TS Ryan Debby- Talbot nói.

Tuyển chọn 50 sinh viên ưu tú

Mùa thu năm 2018, những sinh viên đầu tiên của chương trình ĐH Fulbright Việt Nam sẽ có cơ hội có một không hai để tham gia vào “Năm học đồng kiến tạo”. Kỳ tuyển sinh này sẽ có 50 sinh viên ưu tú sẽ cùng các giảng viên đến từ các trường ĐH danh tiếng hàng đầu thế giới và các nhân viên của FUV trải nghiệm và hoàn thiện hành trình ĐH. 50 sinh viên này sẽ được nhận học bổng của sáng lập FUV.

Theo đó, “Năm học đồng kiến tạo” FUV sẽ mở rộng và trải nghiệm chương trình giảng dạy, đến các hoạt động ngoại khóa và học tập qua thực tiễn trên khắp các vùng, miền của đất nước Việt Nam. Năm học này sẽ giúp FUV định hình nền tảng văn hóa ĐH mà ở đó sinh viên chính là những người được trao quyền và đóng vai trò như những người làm chủ quá trình học tập của mình. Những năm tới, FUV sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động, sự kiện trên khắp Việt Nam để chia sẻ thông tin chi tiết hơn về chương trình đào tạo ĐH.

Hồ sơ ứng tuyển “Năm học đồng kiến tạo” dự kiến công bố ngày 1-12-2017. Hồ sơ dự tuyển cần được hoàn tất trước ngày 1-2-2018.

Tất cả sinh viên đồng kiến tạo sẽ nhận được học bổng toàn phần trong năm này, bao gồm học phí và tiền ăn ở.

Đối với mỗi năm học tiếp theo, học phí hằng năm dự kiến khoảng 20.000 USD (tương đương 460 triệu đồng). Chi phí sinh hoạt dự kiến khoảng 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng) mỗi năm.

Tuy nhiên, chương trình Học bổng sáng lập FUV sẽ cung cấp cho các sinh viên đồng kiến tạo một học bổng trị giá khoảng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng) cho mỗi năm sau năm đồng kiến tạo. Do vậy, tổng chi phí sinh viên phải chi trả sẽ không vượt quá 18.000 USD (tương đương 415 triệu đồng) mỗi năm.

FUV cho biết đây không phải là chi phí thực tế vì mọi sinh viên đều được quyền nộp đơn xin hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế. Mức hỗ trợ tài chính sẽ được quyết định dựa trên điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Ngoài ra, học phí và chi phí sinh hoạt có thể thay đổi tùy theo tỉ lệ lạm phát.

 

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam làm phó chủ tịch FUV

Thông tin này vừa được công bố trên website của ĐH Fulbright Việt Nam. Theo đó, ông Ted Osius là thành viên đội ngũ lãnh đạo cao cấp của trường, ông sẽ tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của FUV. Ông Ted Osius sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động đối ngoại của ĐH Fulbright và xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức ở Việt Nam và Mỹ.

Ngoài ra, ông Ted Osius cũng nắm giữ vị trí giám đốc sáng lập của Grand Challenges Initiative (Sáng kiến Thách thức lớn).

Ông Ted Osius từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014-2017. Trong suốt sự nghiệp 29 năm tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ted Osius đã làm việc tại Phái đoàn của Liên Hiệp Quốc tại Mỹ và sáu quốc gia bao gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Vatican và Philippines. Ông đã giảng dạy tại National War College ở Washington, D.C. và từng là một thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông có bằng cử nhân ĐH Harvard và bằng Thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế ĐH Johns Hopkins.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm