Ngôi trường có thuận lợi là được xây dựng trên nền tảng Chương trình Fulbright hoạt động tại VN từ hơn 20 năm qua. Đây là ĐH không vì lợi nhuận của VN, theo luật pháp của VN chứ không phải ĐH của Mỹ.
Những người đã đi học lấy bằng chính thức từ Chương trình Fulbright có Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, Phạm Bình Minh và rất nhiều thứ trưởng, cán bộ cao cấp, cả lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Hiện nay con số người Việt tốt nghiệp Chương trình Fulbright ở Mỹ trên 600 người.
Đào tạo nhân tài quản lý cho đất nước
Ông Trần Đức Cảnh là người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts, Mỹ. Ông từng giúp kết nối nhiều chương trình giáo dục Mỹ với VN, trong đó có Chương trình Fulbright và FUV hôm nay.
Theo ông Cảnh, Chương trình học bổng Fulbright của Mỹ hoạt động toàn cầu, đến nay hoạt động ở khoảng 150 nước. Hằng năm chương trình này cấp học bổng cho khoảng 3.600 người trên toàn cầu vào Mỹ học. Có nhiều dạng học bổng; sang học lấy bằng, sang học một năm nghiên cứu, những chương trình trao đổi văn hóa - khoa học kỹ thuật - chính trị. Họ tuyển chọn những người có tiềm năng xuất sắc, có khả năng lãnh đạo quốc gia sau này. Đây là chương trình vừa học vừa giao lưu văn hóa - xã hội - chính trị giữa các nước với Mỹ. Đây cũng là cơ hội các nước khác có những người từ chương trình này về lãnh đạo quốc gia của họ.
Ông Trần Đức Cảnh kể: Năm 2005, trong chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ tham dự buổi hội thảo của Trường MIT và Harvard, Thủ tướng bày tỏ mong muốn ĐH Harvard giúp VN thành lập ngôi trường đào tạo theo mô hình của Mỹ. Ông lặp đi lặp lại mấy lần tại hội thảo. Các chuyên gia giáo dục, trong đó có ông Cảnh sau đó làm một dự thảo cho mô hình ngôi trường này.
Nhóm các chuyên gia giáo dục, trong đó có cả thượng nghị sĩ John Kerry, Bob Kerry, John McCain… làm cầu nối giữa VN và Chương trình Fulbright. Chính thức tuyển sinh, đưa người Việt sang Mỹ học Fulbright từ năm 1991. Ở giai đoạn đầu, chương trình tuyển khoảng 20 người cho mỗi năm, sau này tăng lên 25-26 người, tuyển sang học thạc sĩ hành chính công - kinh tế - quản trị kinh doanh - luật là chủ yếu để chuẩn bị cho VN có một nguồn lực tài năng.
Chương trình Fulbright thứ hai sau đó là chương trình giảng dạy kinh tế nằm ở đường Võ Thị Sáu, TP.HCM hiện nay, bắt đầu từ năm 1995. Ngân sách cho Chương trình Fulbright là của Chính phủ, nằm trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Mỗi năm chương trình này tuyển dụng đào tạo khoảng 65 người từ các doanh nghiệp và chính quyền nhằm có khả năng về phân tích kinh tế, hiểu biết về kinh tế, quản lý, phân tích hành chính công, chính sách… trong khoảng một năm. Đào tạo không cấp bằng do đây chỉ là chương trình. Từ năm năm trở lại đây, họ được nhận bằng nhưng không phải bằng của Chương trình Fulbright mà là bằng của ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhưng khóa học kéo dài đến gần hai năm do phải thêm một số môn theo yêu cầu của VN và viết luận án. Năm nay khi FUV được tuyên bố chính thức thành lập thì người học được cấp bằng của Fulbright.
Hiện FUV sắp được khởi công xây dựng trên 15 ha đất thuộc Khu Công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. Dự kiến năm 2017 trường chính thức đi vào hoạt động tại đây.
Giáo dục khai phóng, kiểm định chất lượng quốc tế
Theo bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng FUV, trường chưa xác định mức học phí cụ thể. FUV sẽ có các hình thức học bổng và hỗ trợ tài chính để đảm bảo những học sinh tài năng đều đủ điều kiện theo đuổi việc học ở trường nếu được nhận. Tại FUV, với mô hình giáo dục khai phóng, những niềm đam mê như hát, nhảy của SV được nuôi dưỡng, bên cạnh việc giới thiệu những môn học mà các em có thể chưa biết sẽ thích hay không do chưa có cơ hội tiếp xúc trước đây.
Giáo dục khai phóng của FUV tập trung đào tạo kỹ năng cứng (như cách suy luận, cách lập luận, tính toán, cách làm việc nhóm...) nhưng quan trọng hơn là giúp xây dựng tính cách con người. Đó cũng là điều mà phần lớn công ty khi tuyển nhân sự đều chú trọng.
Về tuyển sinh, ngoài điểm số, FUV sẽ chú trọng cách các em trả lời phỏng vấn, cách các em bày tỏ ước mơ, nguyện vọng, cách các em nói về sự đam mê của bản thân đối với một ngành, nghề, các em có tham gia những hoạt động xã hội, cộng đồng hay không.
Về kiểm định chất lượng, FUV hướng đến tìm kiếm những công ty đã kiểm định cho các trường như Harvard, Yale...