Hiện nay các trường mầm non công lập ở TP.HCM mới chỉ lắp đặt camera ở sân trường để bảo vệ an ninh. Từ năm học 2018-2019, TP.HCM sẽ thí điểm lắp camera trong phòng học nhằm ngăn chặn nạn trẻ bị bạo hành. Trước thông tin này, không ít giáo viên (GV) mầm non cảm thấy e ngại vì nhất cử nhất động của mình đều diễn ra trước ống kính.
Camera - công cụ để bảo vệ GV
Tại hội nghị chuyên môn của ngành diễn ra vào sáng 4-5, Sở GD&ĐT TP đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non có lắp đặt camera cần giám sát và kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời. Cạnh đó, Sở cũng đề nghị các đơn vị giáo dục tuyên truyền và động viên tâm lý GV mầm non khi lắp đặt camera trong lớp học.
Đề cập đến việc này, cô Nguyễn Thị Chung, GV một trường mầm non ở quận Gò Vấp, cho biết sau những sự việc bạo hành tại các trường mầm non được phát hiện, hầu hết phụ huynh đều mong muốn các trường lắp đặt camera để quan sát việc ăn, ngủ, học của con mình. “Bản thân tôi thấy nếu làm việc trong phòng có camera thì cũng bình thường, chỉ có điều nhiều lúc bản thân sẽ thấy không được thoải mái. Thế nhưng thông qua camera, phụ huynh có thể hiểu được công việc chăm sóc trẻ vất vả và mệt mỏi như thế nào. Từ đó họ sẽ yêu mến và kính trọng GV hơn” - cô Chung bày tỏ.
Cùng suy nghĩ, cô Phạm Thị Ngọc Anh, GV Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, nói hiện tại công việc ở trường là giờ nào việc đó, được tuân thủ nghiêm ngặt và đúng quy định. Cho nên nếu lắp đặt camera trong lớp học cũng không ảnh hưởng gì.
Cô trò Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Theo cô Ngọc Anh, việc lắp camera cũng có lợi, nhiều khi nó là công cụ để bảo vệ và minh oan cho GV. Hiện nay nhiều khi mọi người chỉ nhìn vào một hành vi cụ thể rồi cắt khúc, quy chụp là cô giáo bạo hành trẻ, như thế là phiến diện. “Có camera thì mọi người có thể theo dõi, quan sát được toàn bộ quá trình, nhìn mọi việc trên nhiều khía cạnh thì mới đưa ra được kết luận chính xác. Khi đó camera rõ ràng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ GV tránh bị hàm oan” - cô Ngọc Anh nói.
Tâm lý e ngại khi giao tiếp, tương tác với trẻ
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ, có không ít GV bày tỏ sự lo ngại về mặt trái của chiếc camera trong phòng học.
Cô Nguyễn Đào, GV một trường mầm non ở quận Bình Tân, cho biết so với các bậc học khác, bậc mầm non có những đặc thù riêng trong công tác nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Nếu ở những bậc khác, việc tương tác giữa thầy và trò chủ yếu trên sách vở thì đối với trẻ mầm non, các bé cần nhiều tương tác về mặt giao tiếp, tình cảm.
“Nhiều khi muốn bày tỏ tình yêu thương với con trẻ, tôi thường có thói quen nựng má hay nựng nhẹ vào hai cánh mũi học trò. Thử hình dung nếu có camera giám sát 24/24 giờ thì tôi chắc sẽ không thoải mái, thậm chí không dám thể hiện những hành động đó. Nhỡ phụ huynh hiểu lầm thì sao!” - cô Đào tâm sự.
Cô Đào bày tỏ: “Tôi không thích việc lắp camera trong lớp học. Bởi một khi đã chọn nghề, gắn bó với nghề có nghĩa là tôi phải có lòng yêu thương trẻ con. Cho nên tôi thấy việc lắp camera để theo dõi GV là không cần thiết. Một người có tâm với nghề dù không có camera họ vẫn làm việc tốt. Còn với những người đã không có tâm thì dù có camera cũng chưa chắc giám sát, quản lý được họ”.
Không giải quyết tận gốc vấn đề Camera không thể giải quyết tận gốc tình trạng bạo hành. Bởi vẫn có những “góc khuất” mà camera không thể chiếu rọi tới. Dù có camera nhưng nếu GV muốn đánh đập trẻ thì họ vẫn có thể thực hiện bằng mọi cách. Việc đào tạo GV có kỹ năng, tâm huyết với nghề, có kiến thức về quyền trẻ em… mới là yếu tố quyết định chống bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non. Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM |
Liệu có giải quyết tận gốc nạn bạo hành?
Nhiều GV khi được hỏi đều cho rằng họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc trong lớp học có gắn camera.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện ngoại thành TP cho biết hiện nay để đảm bảo an ninh, trường đã lắp đặt camera trong khuôn viên trường học, còn việc lắp trong lớp học thì trường chưa nghĩ tới. “Điều đó chỉ tạo thêm áp lực cho GV. Việc lắp camera cho thấy niềm tin của phụ huynh vào ngôi trường không còn như trước. Khi niềm tin nhường chỗ cho các thiết bị công nghệ, điều đó đồng nghĩa với sự tôn trọng bị giảm xuống, ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ trong nhà trường” - vị hiệu trưởng nói.
“Trước thông tin sẽ lắp camera tại lớp học, tôi thấy buồn và thương cho cái nghề của mình. Hơn nữa, camera cũng không giải quyết tận gốc vấn đề bạo hành. Điều quan trọng là sự toàn tâm, toàn ý của người GV và việc điều hành, quản lý của hiệu trưởng” - vị hiệu trưởng bày tỏ.
Thí điểm ở các trường từng có bạo hành Sau khi sự kiện GV Trường Mầm non 30-4 tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM bạo hành trẻ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn nạn bạo hành trẻ. Bà Thu yêu cầu Sở GD&ĐT TP khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai lắp đặt camera tại hệ thống trường mầm non trên địa bàn nhằm giúp các trường quản lý tốt hơn hoạt động của GV. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Trước mắt Sở GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch thí điểm lắp camera trong lớp học trường mầm non trình UBND TP.HCM xem xét. Quá trình xây dựng kế hoạch, Sở sẽ tham khảo ý kiến của phụ huynh, học sinh và GV các trường. Sau đó, Sở sẽ tham mưu cho ủy ban thực hiện thí điểm mô hình này trong năm 2018-2019 ở quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn. Các trường được chọn là nơi từng xảy ra bạo hành. |