Còn phụ huynh thì lại rất hoan nghênh chủ trương này, nhất là sau nhiều vụ bạo hành trẻ.
Nguyện vọng của phụ huynh về tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em họ là điều rất chính đáng. Song về phía GV thì sao? Liệu việc làm này có gây bất công cho các thầy cô mầm non hay không? Những cô giáo nổi nóng đánh trẻ hoặc không yêu trẻ chắc chắn chỉ là thiểu số, không phải tất cả. Vậy tại sao lại gây ức chế cho những GV còn lại?
Ngành giáo dục chắc hẳn đã lường được điều này. Thực ra một chính sách được xem là đúng nếu nó phù hợp với thực tế xã hội và nó đảm bảo tính bảo vệ cho cả những nhóm nhỏ, nhóm cá biệt. Dựa trên hai tiêu chí trên thì hẳn các thầy cô dù cảm thấy ức chế (hoặc oan ức) cũng hiểu được đây là điều cần làm và nên làm.
Thứ nhất, nó phù hợp với thực tế vì hệ thống giáo dục mầm non thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống trường lớp ở TP.HCM chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, thiếu GV. Các cơ sở mầm non tư thục mở ra đã giảm áp lực đáng kể cho hệ thống trường công lập nhưng việc tuyển GV bảo mẫu quá dễ dàng dẫn đến việc có nhiều người làm nghề nhưng không đủ kỹ năng, trình độ và lòng yêu trẻ. Với thực tế đó, nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra nghiêm trọng, ở nhiều nơi và cũng không còn là hiện tượng cá biệt nữa.
Thứ hai, trẻ em là những đối tượng yếu thế nhất, cần được bảo vệ bởi người lớn. Nếu bị bạo hành, các em không có khả năng tự vệ, không có khả năng kể lại liền mạch cho người lớn để can thiệp. Hầu hết các vụ bạo hành được phát hiện là do… hàng xóm kể cho nhà báo biết, chứ cha mẹ các em không hề hay biết trong thời gian dài. Vì vậy, dù bạo hành trẻ em chỉ là thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng chúng ta cần giải pháp ngăn ngừa để đảm bảo nó đừng bao giờ xảy ra.
Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, người vun xới, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em nhỏ. Vì vậy, lòng yêu trẻ, tính kiên nhẫn và sự dịu dàng là điều các thầy cô mầm non rất cần phải có. Những cô giáo yêu nghề, thương trẻ, không ngại sự giám sát sẽ vượt qua được khó khăn tâm lý ban đầu, những người không vượt qua được rào cản tâm lý sẽ khó gắn bó tiếp tục với công việc đầy áp lực này.
Ở bậc học càng thấp, yêu cầu về trình độ, về kỹ năng của các kỹ sư tâm hồn càng phải cao hơn các bậc học khác. Việc tuyển GV mầm non và tiểu học ở nhiều nước phát triển là cực kỳ khắt khe. Ở nước ta, yêu cầu này lại theo chiều ngược lại. Vì vậy, ngoài việc chia sẻ áp lực với các cô giáo, chúng ta cũng cần nhớ rằng: Lắp camera mới chỉ là giải pháp kỹ thuật mang tính tạm thời chứ không phải là giải pháp nền tảng cho giáo dục mầm non.