Hãy tự “xé kén” cho mình

Trong chương trình huấn luyện “Kỹ năng sống - Hành trang vào đời” tại Làng Thiếu niên quận Thủ Đức diễn ra ngày 10-1, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết không chỉ các em trong làng này mà ngay cả các em ngoài đời cũng đang chơi vơi, chưa biết mục tiêu của mình là gì, bởi đơn giản các em không biết mình là ai!

Những ước mơ giản dị

Mở đầu buổi huấn luyện, TS Sơn đưa ra đề nghị mỗi em hãy ghi những ước mơ của mình vào tờ giấy, ước mơ càng đơn giản càng tốt, không cần phức tạp. Bài tập đầu tiên diễn ra trong vòng hai phút. Rất nhiều ước mơ được nêu ra: 12 tuổi nhưng chiều cao 1,30 m, em muốn cao hơn nữa; em ước mơ được làm họa sĩ; ước mơ được lấy vợ tỉ phú...

TS Sơn phân tích: Chiều cao của em là khuyết điểm nhưng trong những tình huống đặc biệt như chui vào địa đạo Củ Chi thì em sẽ đi nhanh hơn các bạn. Nếu em ước mơ trở thành họa sĩ thì hãy bắt đầu là một họa sĩ bình thường. Nếu em ước mơ lấy vợ tỉ phú thì hãy tự hỏi mình có cái gì để người ta lấy. Giữa hai người đàn ông: Một người đẹp trai nhưng không có trình độ và một người đẹp trai lại có trình độ thì phụ nữ sẽ lấy người thứ hai. Vậy để lấy được vợ tỉ phú, em cần phải có kiến thức. Thế thì ngay bây giờ em phải lo học hành chăm chỉ…

Hãy tự “xé kén” cho mình ảnh 1

Tương lai bạn sẽ làm gì? Ảnh: DUY TÍNH

“Em ước mơ tìm được ba mẹ, mong muốn ba mẹ đừng gây gổ và được mọi người quan tâm!”. TS Sơn cắt nghĩa đó là ước mơ dễ thực hiện. Nếu các em học tập nên người, sau này sẽ có nhiều cơ hội để tìm được cha mẹ và chính các em sẽ hòa giải được cha mẹ. Khi đó các em sẽ có được gia đình đúng nghĩa. Sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau sẽ mang đến cho các em niềm hạnh phúc.

Nhiều em không ghi ra điều mơ ước vì nghĩ là không thể thực hiện được ước mơ của mình. Hoặc các em giờ đây không định hình được điều mình mong muốn, bởi đơn giản các em không tự tin ở bản thân mình, đánh giá quá thấp hoặc quá cao về mình.

Tự đánh giá về mình

“Hãy hiểu về chính mình, trước nhất để có cách cư xử nghiêm túc hơn, có công việc hợp lý, một tương lai thích hợp để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu sức ép của xã hội… Đó là hạnh phúc” - TS Sơn giảng giải.

“Các bạn đi ngang cánh đồng, nhìn thấy một cái kén, một con vật lúc nhúc xé kén để bò ra. Thấy tội nghiệp, các bạn xé kén thay con vật. Con vật vui mừng bay ra, nó bay ba vòng và rơi xuống chết vì quá yếu” - TS Sơn dí dỏm thí dụ và hỏi: “Ai sẽ là người giúp mình chui ra khỏi cái kén?”. Nhiều em gật đầu đáp: Không ai có thể thay mình làm những việc mình cần phải làm. Nếu con vật kia không bị con người thương hại xé kén sớm cho, hẳn nó sẽ không chết.

“Các mẹ nói các em hay buồn bã, các bạn kém may mắn nhưng các em hãy vào Làng Hòa Bình xem, có nhiều em không tay chân, mặt mũi… Đừng tự ti về mình nhưng cũng không tự tin quá đáng về mình. Hãy đánh giá mình, hoàn thiện mình” - TS Sơn nói tiếp.

Biết hoạch định tương lai

Sau khi hướng dẫn các em đánh giá về mình, TS Sơn đã hướng dẫn các em hoạch định mục tiêu tương lai bằng nhiều câu hỏi buộc các em phải trả lời như một lời hứa. Thí dụ, năm sau em có hút thuốc, uống rượu không? Đến tuổi 27-28 các em làm việc gì, có gia đình hay chưa? Các em dự định mua nhà bao nhiêu tiền, như vậy để dành tiền bao nhiêu năm? Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 5-30 năm sau, hiện các em phải thực hiện những gì? Đó là chú tâm học tập, nghe lời các mẹ ở làng, các em phải vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống và cứ từng bước, các em sẽ đạt được mục tiêu như mình hoạch định.

Kết thúc buổi huấn luyện, TS Sơn đã hướng dẫn các em về tự đánh giá và hoạch định tương lai cho mình. “Hơn 75% các em nói đã hiểu được cuộc sống phía trước các em cần những gì. Hiện các em không chỉ cần sự quan tâm mà muốn hưởng thụ tinh thần để có thể bước vào đời mạnh mẽ, tự tin và an toàn” - TS Sơn cho biết thêm.

Chương trình huấn luyện “Kỹ năng sống - Hành trang vào đời” do TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) và Công ty Truyền thông - Tư vấn và Đào tạo Ý Tưởng Việt (Viet Ideas) phối hợp tổ chức dành cho trẻ em Làng Thiếu niên Thủ Đức.

Theo TS Sơn, chương trình huấn luyện sẽ trang bị những kỹ năng cần thiết để các em hòa nhập và hạnh phúc hơn khi sống cùng các mẹ và các anh chị em tại làng. Chương trình cũng trang bị những kỹ năng cơ bản để các em nhận thức về chính mình, tự đánh giá bản thân, hoạch định mục tiêu cuộc đời; có kỹ năng làm việc nhóm, chung sống và tạo ra bản lĩnh sống trong tương lai...

Trẻ vi phạm pháp luật ngày càng nhiều

TNHP học lớp 8. Cách đây vài tháng, P. bỏ học, bỏ Làng Thiếu niên Thủ Đức đi chơi Vũng Tàu đúng một tuần. Sau khi hết tiền trở về, P. bị đuổi học. P. cho biết khi đi Vũng Tàu trong túi chỉ có khoảng 20.000-30.000 đồng, P. được các bạn lo mọi chi phí từ tiền… ăn cắp của cha mẹ.

Hiện P. đang được đưa sang một trung tâm ở Củ Chi để phụ giúp các anh chị trông coi vườn. Theo đại diện làng thiếu niên, mục đích là để P. có thời gian suy nghĩ, nhìn nhận lại chính mình, sau đó làng sẽ cho P. đi học tiếp.

Ngày 4-1, P.N.M, học sinh lớp 12 (Thanh Hóa) đã lẻn qua nhà hàng xóm vào ban đêm chém một phụ nữ 50 tuổi bị thương và đứa cháu bốn tuổi của bà chết ngay tại chỗ để cướp dây chuyền, bông tai bán, đi chơi game và bao bạn gái ăn xài. M. bị công an bắt tạm giam để điều tra và chờ ngày xét xử.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm