Học thêm kiểu trẻ con nước ngoài

Tôi là người từng viết bài phản đối việc cho phép dạy thêm tràn lan suốt thời gian qua theo kiểu giáo viên vừa đứng lớp vừa dạy ở nhà. Tôi cũng từng kịch liệt phản đối những ai yêu cầu được dạy thêm chỉ vì họ cho rằng “bác sĩ được mở phòng mạch tư thì họ cũng được dạy thêm” hoặc cho rằng nghề giáo nghèo quá phải cho kiếm thêm thu nhập. Tôi phải khẳng định lại, không phải Việt Nam mà ngay cả các nước châu Âu, nghề giáo không phải là nghề có thể giàu có kiểu thượng lưu. Cuộc sống của giáo viên (đơn thuần dạy học) ở đây chỉ dừng ở mức trung bình-khá và kém xa thu nhập của thương gia hay bác sĩ, kỹ sư.

Dù vậy, nói đi cũng cần phải nói lại, thực tế nhu cầu tăng thu nhập của giáo viên là chính đáng và nhu cầu được gia tăng kiến thức của học sinh cũng không sai. Luật pháp nên tạo điều kiện cho họ thực hiện nguyện vọng, miễn không để khoảng trống phát sinh tiêu cực.

Khoảng trống có thể tạo ra tiêu cực trong việc dạy thêm ở Việt Nam là giáo viên vừa đứng lớp vừa tự mở lớp dạy thêm. Trong khi cuộc tranh luận về dạy thêm còn nóng, tôi xin kể lại câu chuyện học thêm tại nước Đức -nơi tôi đang theo học.

Tôi trao đổi với một phụ huynh người Việt có con lớn lên và học ở Đức về chuyện dạy thêm, vị này cho biết: “Các con của tôi chẳng bao giờ học thêm, chủ yếu dành thời gian rỗi để vui chơi và giải trí, tham gia các lớp năng khiếu cháu thích”. Giáo viên ở Đức cũng được dạy thêm, tuy nhiên không theo cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Một giáo viên vừa đứng lớp mà vừa mở lớp dạy tư nhân thì làm sao đảm bảo khách quan, làm sao đảm bảo được người đó không bắn tín hiệu để các em học sinh theo học” - vị phụ huynh này giải thích.

Thế nên muốn dạy thêm môn nào đó thì giáo viên phải đăng ký vào các trung tâm dạy thêm, là những đơn vị đào tạo độc lập. Các giáo viên muốn vào đó phải được kiểm tra trình độ bài bản. Không cần là giáo viên ở các trường thì vẫn có thể dạy học ở các trung tâm dạy thêm được, hay còn gọi là giáo viên tự do.

Đối với các giáo viên ký hợp đồng với trường thì theo vị này, số giờ dạy thêm bên ngoài phải tuân theo quy định của trường chứ không phải muốn dạy thế nào là dạy. Làm như vậy mới đảm bảo được chất lượng và sự toàn tâm toàn ý của giáo viên với trường lớp.

Nếu ai quan sát nền giáo dục Đức hay nhiều nước châu Âu sẽ thấy học sinh ở đây được thời gian nghỉ rất nhiều. Thứ Bảy và Chủ nhật không phải giờ có lớp học. Các em không chỉ được thầy cô dạy kiến thức mới mà còn được dạy cách giơ tay phát biểu ý kiến, bảo vệ ý kiến của bản thân về các vấn đề nhỏ nhất ngay từ tiểu học. Thế nên học thêm hay không phải xuất phát từ các em chứ không xuất phát từ phụ huynh.

Phụ huynh ở Đức bận không? Xin thưa là rất bận, không thua kém gì ở Việt Nam. Họ có nhu cầu gửi con họ để họ “rảnh tay” làm việc không? Xin thưa cũng có. Nhưng họ dựa trên nguyện vọng của con. Ví dụ, các lớp đàn, các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ nhạc kịch, hay cả các lớp ngoại khóa ngoài trời vào các ngày trẻ nghỉ (thay vì phải tham gia các lớp học toán, lý, hóa hay ngoại ngữ nếu trẻ không có nhu cầu). Các hoạt động này hoặc là do chính trường các em tổ chức hoặc ở các trung tâm giáo dục tổ chức.

Như vậy, việc gửi con đi học thêm để rảnh tay làm việc, theo tôi là suy nghĩ sai lầm. Gợi ý đặt ra lúc này là thay vì trường tổ chức dạy thêm thì hãy tổ chức các hoạt động mang tính hướng ngoại để các em vừa hứng thú tham gia, vừa kích thích các kỹ năng xã hội của các em phát triển, vừa nhẹ gánh thời gian cho phụ huynh và tất nhiên vừa có thêm thu nhập cho các giáo viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm