Khi Chi Pu, Luật Záo zụk vào đề thi văn

Mời bạn đọc xem thêm: Khi lòng yêu nước được khơi gợi đúng hướng 

Xu hướng ra đề thi môn văn ở bậc THPT gần đây có nhiều đổi mới, nội dung gắn liền với những vấn đề thời sự xã hội. Tuy nhiên, với chuyện cải tiến tiếng Việt và cái tên Chi Pu vào đề văn, dư luận bắt đầu đặt vấn đề về giới hạn sáng tạo khi chọn nhân vật, sự kiện cho đề văn…

Sáng tạo nhưng cần nhân văn hơn

Mọi người đều nhận thấy đề văn những năm gần đây không còn quanh quẩn trong sách vở mà đã có sự cởi mở, gắn với thực tế, đáp ứng được tính thời sự và cũng là một trong những mối quan tâm của lớp trẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn mong những đề văn có tính nhân văn và ôn hòa hơn. Đề phải gợi ra vấn đề mang tính bao quát hơn để cho học sinh (HS) nêu quan điểm của mình. Chứ nếu không khéo sẽ dễ sa đà vào việc mang nhân vật ra để HS phân trần, giải thích, thương khóc hay tiếp tục ném đá.

Ví dụ với vấn đề của tiếng Việt trong thời gian gần đây, đề có thể ra theo hướng trích dẫn một đoạn bài hát về tiếng Việt, một nhận định của người nước ngoài về tiếng Việt, hoặc một nhận định về tiếng Việt nào đó... rồi đặt câu hỏi gợi cho HS nêu quan điểm về vấn đề “gìn giữ tiếng Việt” chẳng hạn. Khi đó, trong bài viết của các em, nếu HS nào có quan tâm đến thời sự chắc chắn em sẽ có những dẫn chứng hoặc lý lẽ liên quan đến những việc gần đây. Nhờ vậy giáo viên cũng có thể nhận biết HS có nhạy cảm với các vấn đề xã hội hay không.

Cô Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Giáo viên ngữ văn Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TP.HCM

Hình ảnh ca sĩ Chi Pu được đưa vào đề kiểm tra khiến dư luận đặt vấn đề về giới hạn sáng tạo khi chọn nhân vật, sự kiện cho đề thi. Ảnh: TL

Đừng biến đề văn thành sự phán xét hay nhân rộng cái xấu

Tôi rất ủng hộ việc đổi mới cách ra đề theo dạng “mở” nhưng nếu ra đề như một số dạng gần đây thì tôi rất quan ngại. Có thể những đề đó về hình thức vẫn đảm bảo chương trình, cấu trúc nhưng việc hình thành cho HS năng lực tư duy, thông điệp nhân văn và đảm bảo tính thẩm mỹ thì không có.

Theo tôi, đa phần giáo viên ra những đề văn này dường như đang hiểu sai về việc ra đề văn “mở”. Thay vì tạo điều kiện, cơ hội cho HS bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, thái độ trước một vấn đề nào đó thì lại đồng nhất đề mở phải theo hướng khai thác những vấn đề, sự kiện gây chú ý trong xã hội. Như có nhiều đề ra về bài hát “ông bà anh”, Ngọc Trinh, bài “lạc trôi” của Sơn Tùng…

Theo tôi, một đề văn phải đáp ứng được ba mục đích. Thứ nhất, nó phải đảm bảo tính chính xác, khoa học. Nó thể hiện ở chỗ văn bản được trích dẫn phải là văn bản được thẩm định hoặc được phổ biến rộng rãi một cách chính thức như trích trong sách giáo khoa, văn bản nào đó…

Thứ hai, đề văn phải tạo được điều kiện để đánh giá năng lực HS, đó phải là vấn đề mà HS có thể tư duy, phản biện hoặc đưa ra được góc nhìn của mình. Tuy nhiên, muốn được vậy thì HS phải được cung cấp đủ thông tin. Như đề văn, khi đề cập đến vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và đề cập đến công trình đề xuất cải tiến bảng chữ cái của PGS-TS Bùi Hiền, rõ ràng các em còn chưa hiểu hết về ngôn ngữ tiếng Việt, các em không có cái nhìn toàn cảnh mà chỉ biết sự kiện đó qua báo chí. Như vậy, khi không được cung cấp đủ thông tin để nhìn nhận, đánh giá vấn đề thì việc đánh giá đó sẽ biến thành việc phán xét chứ không phải đánh giá. Chưa kể khi ra đề như vậy, đối tượng là những bạn trẻ phán xét một công trình nghiên cứu khoa học của một tác giả dày dạn kinh nghiệm về ngôn ngữ thì càng khó để chấp nhận.

Thứ ba, đề văn phải có tính thẩm mỹ, lấy câu chuyện nào thì ẩn trong đó vẫn phải là những thông điệp lành mạnh, nhân văn, tích cực. Những vấn đề mặt trái của xã hội đầy rẫy trên truyền thông nhưng mỗi lần cho HS làm văn thì nên cho các em tiếp xúc với những thông điệp nhân văn và tích cực. Lâu dần, quá trình học văn đó sẽ hình thành cho các em những góc nhìn tích cực và nhân văn, dần hình thành quan điểm tư tưởng nhân văn và tốt đẹp ở thế hệ trẻ.

Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM

Liên quan đến đề thi văn có xuất hiện Chi Pu, thầy Nguyễn Tiến Đường, Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ, cho biết việc ra đề thi giao cho tổ chuyên môn nên không nắm rõ sự tình chi tiết. Sau khi làm việc với các thầy cô tổ văn, có thông tin cụ thể ông sẽ thông báo đến báo chí.

Cũng trong chiều 11-12, ông Phùng Quang Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, cho biết lãnh đạo Sở đã nắm được thông tin của Trường THPT Hạ Hòa nhưng thực hư vấn đề vẫn còn chưa rõ. Trong tuần này Sở GD&ĐT sẽ cho người xuống Trường THPT Hạ Hòa nắm thông tin cụ thể, đồng thời cho thanh tra về việc này. Khi nào có kết luận chính thức về vấn đề sẽ công bố với báo chí.  

Phải chọn lọc, giới hạn

Thầy Hoàng Long Trọng, tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Văn Lang, cho rằng việc ra đề thi lấy tư liệu từ thực tế cuộc sống đã có nhiều môn học áp dụng. Việc này vừa có lợi lại có những bất cập. Lợi là sẽ khiến HS thích thú vì được cập nhật những vấn đề từ thực tế, gần gũi, từ đó tạo hứng thú cho các em trong quá trình làm bài. Nhưng ngược lại, nếu giáo viên không cẩn thận trong lựa chọn tư liệu từ cuộc sống sẽ gây phản cảm, sẽ đưa HS đến lối nghĩ, lối làm như chính những vấn đề trong cuộc sống mà đề đưa ra. Như vậy, vô hình trung sẽ hướng HS đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực (nếu đề lấy những hiện tượng tiêu cực).

Trong khi đó, cô Dương Ngọc Yến, tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Trường Chinh, nêu quan điểm cần cân nhắc việc lựa chọn những hiện tượng từ thực tế nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với giới trẻ. Bởi nhân vật có lối sống tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến HS. Ngược lại, nếu người đó có cách sống và đạo đức chưa chuẩn mực sẽ phản tác dụng. “Trong chương trình lớp 10 về văn học trung đại, đề cập đến chủ nghĩa yêu nước có Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão. Họ là những nhân vật lịch sử rất hay. Hoặc trước đó, về truyện dân gian có những sử thi có giá trị nhân văn đối với HS sao không để cho các em hóa thân? Dù đổi mới, sáng tạo như thế nào vẫn phải theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT” - cô Yến nhấn mạnh.

Đề Luật Záo zụk có quá tầm?

Sau khi bất ngờ xuất hiện trong đề thi môn tài chính ngân hàng, mới đây Chi Pu lại tiếp tục xuất hiện trong đề kiểm tra môn ngữ văn của Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ khiến dư luận xôn xao. Đề văn yêu cầu HS hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của cô Chi Pu sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.

Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cũng đã đưa câu hỏi liên quan đến đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền vào đề thi HKI môn ngữ văn cho HS khối 12. 

Theo đó, trong phần đọc hiểu, đề thi đã yêu cầu HS viết khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” của PGS-TS Bùi Hiền.

Phát biểu trên báo chí, PGS-TS Bùi Hiền cho rằng ông không tán thành cách đưa vào đề thi câu hỏi này bởi theo ông, “việc đưa đề xuất cải tiến chữ của tôi vào đề thi trong thời điểm này là hơi sớm và mang tính đánh đố HS”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm