Ở đây, một số học sinh là con của các chiến binh thánh chiến Boko Haram, số còn lại là con cái nạn nhân của Boko Haram và con cái thường dân khác. Vì thế tiếng chào trong ngôi trường này có một sự cộng hưởng lớn hơn bình thường.
Ở đông bắc Nigeria, con cái của các chiến binh Boko Haram thường bị phần còn lại của cộng đồng sợ hãi và kỳ thị. Boko Haram là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan gây kinh hoàng tại Nigeria và các nước láng giềng.
Những phụ nữ được giải cứu khỏi tay Boko Haram đôi khi cho biết họ bị gia đình và cộng đồng từ chối. Con cái của họ thường phải chịu nhiều thiệt thòi do mang cùng dòng máu của những chiến binh cực đoan.
Con cái của chiến binh Boko Haram đôi khi bị xã hội kỳ thị, cho rằng chúng kế thừa chủ nghĩa cực đoan. Một cô dâu Boko Haram lúc đầu còn chối bỏ đứa con do chính cô sinh ra vì sợ rằng đứa bé sẽ trở thành một phần tử nổi dậy.
Tại ngôi trường Kỹ năng Tương lai, những đứa trẻ này được cho một cơ hội để sống một cách bình thường như bao đứa trẻ khác. Nép mình trong một con phố yên tĩnh ở thủ phủ Maiduguri, trường có 540 học sinh - 20% trong số này là con của chiến binh Boko Haram, 80% là con các nạn nhân của Boko Haram.
Em Hauwa không để quá khứ cản bước tương lai của mình. Nguồn: Guardian
Đứng ở sân trường, em Hauwa Modu 11 tuổi bình tĩnh giải thích cảnh quân Boko Haram sát hại cha em trước mặt em như thế nào và người mẹ đang mang thai của em đã chết ra sao khi cả nhà tìm đến Maiduguri để náu thân. Nhưng rồi tất cả những chuyện này sẽ được gác lại khi các em vào lớp, Hauwa nói. “Chúng em sống và học tập với nhau” - cô bé nói - “Giữa chúng em không có sự khác biệt”.
Được luật sư nổi tiếng Zannah Mustapha thành lập năm 2008, ban đầu Trường Kỹ năng Tương lai không tham vọng một tác động chính trị gì. Nhưng đến năm 2009, ông Mustapha nhận ra rằng cuộc chiến do Boko Haram gây ra - đã và đang khiến 20.000 người chết, 2,6 triệu người phải dời chỗ ở và hàng ngàn người bị bắt cóc - đã làm rạn nứt các mối liên kết xã hội ở vùng đông bắc Nigeria. Vì thế ông nghĩ phải để cho con cái của chiến binh Boko Haram, nhân viên an ninh và người dân địa phương học cùng một trường.
Do chủ trương trên, nhà trường vào thời gian đầu đã gánh chịu nhiều chỉ trích. Hiệu trưởng Suleiman Aliyu nhớ lại, những người chỉ trích không muốn chấp nhận con cái của Boko Haram. Đáp lại những phản đối này, Aliyu cho rằng việc rũ bỏ những đứa trẻ này khỏi xã hội sẽ chỉ khiến chúng đi theo con đường của cha chúng.
“Nếu bạn bêu xấu các em, bạn đang tạo ra nhiều vấn đề hơn. Nhưng nếu bạn thể hiện tình yêu thương, các em sẽ thay đổi - ngay cả khi các em có tâm lý cực đoan” - ông Aliyu phân tích.
Để tạo ra môi trường tiến bộ này, tất cả nhân viên nhà trường được yêu cầu phải ghi danh cho con em của chính mình vào học tại trường. Điều này “để thể hiện cam kết” đối với nhà trường. Nhiều học sinh có mẹ vẫn còn sống và những quả phụ được khuyến khích tham gia hội phụ huynh nơi mà các thành viên có được tiếng nói trong công tác điều hành nhà trường.
“Đó là một chương trình giúp nâng cao ý thức về sự gắn kết” - nhà sáng lập Mustapha nói - “Tất cả các quả phụ là một phần của chương trình này. Vợ của chiến binh Boko Haram và vợ của tất cả người khác ngồi lại với nhau, để họ cảm thấy họ là một. Họ thậm chí không biết rằng đó là vợ của những người đã giết chết chồng mình”.
Cả học sinh và mẹ của các em được trị liệu tâm lý miễn phí để có thể bắt đầu đi đến chỗ khép lại những trải nghiệm kinh nghiệm gần đây của mình. “Có rất nhiều em ở đây chứng kiến cha mẹ mình bị giết hại” - Hiệu trưởng Aliyu nói - “Có những bà mẹ chứng kiến chồng mình hoặc thậm chí con mình bị giết hại. Họ đang bị tổn thương. Vì thế chúng tôi đã mời chuyên gia tâm lý”.
Mọi chuyện đang tiến triển khá thuận lợi. Ibrahim Garwa, 12 tuổi, vẫn nhớ về cái ngày cha em bị bắn chết khi đang ngồi bên ngoài nhà. Nhưng Ibrahim không nuôi giữ hình ảnh đó để chống lại bất kỳ người bạn nào của em. “Không có chuyện gì cả” - em Ibrahim tâm sự - “Chúng em biết ai là ai nhưng chúng em cùng nhau làm mọi việc”.
(Theo The Guardian)