Làm lại cuộc đời với nhóm tự lực

Chị Châu Pha (ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh) được xếp vào diện nghèo ở địa phương. Chị đi làm mướn, đơn thân nuôi đứa con trai suy dinh dưỡng. Chị làm hoài vẫn không đủ tiền sửa sang lại mái lều xơ xác đang trú nắng mưa.

Làm lại cuộc đời với nhóm tự lực ảnh 1

Chị Châu Pha (bìa phải) được dự án hỗ trợ tiền mua bò giống. Ảnh: H.Minh

Bước qua quá khứ đau thương

Giữa lúc túng bấn cùng cực, chị Pha đồng ý theo một phụ nữ mai mối lấy chồng người Trung Quốc.

Sang Trung Quốc chị mới hay nhà chồng không khá giả như bà mai vẽ vời. Khoản tiền ít ỏi nhà chồng hỏi cưới chị đã nộp cho bà mai gần hết. Nhà chồng chị Pha là gia đình nông dân nghèo khổ. Chị Pha không được đi đâu ra ngoài, phải ở nhà phục vụ cả nhà chồng mà vẫn thường xuyên bị mắng chửi. Quá bức bối, chị xin nhà chồng đi làm và được đồng ý. Họ gửi chị vào một xưởng may có người thân bên chồng đang làm công nhân ở đó. Đến kỳ lương, họ cũng lãnh “giùm” chị luôn. Ngay cả khi mang thai chị vẫn phải làm việc quần quật, ăn uống rất kham khổ.

Ngày nọ, chị đi làm như thường lệ rồi chạy trốn luôn vào vườn chuối gần nơi làm. Đợi đến đêm tối, chị Pha men theo con đường sát bìa rừng đi về hướng cửa khẩu. Chị đi bộ gần một tuần, hễ có bóng người lại trốn vào rừng, đề phòng bị bắt trở lại. Đến khi gần kiệt sức thì chị Pha liên lạc được với một người bạn Việt kiều tốt bụng. Người này đã đón xe đưa chị qua biên giới.

Về tới nhà, chị Pha nằm khóc suốt nhiều ngày vì tuyệt vọng. Lúc đó, cái thai trong bụng đã được năm tháng. Hội Phụ nữ xã đã quyên góp quần áo, tiền bạc, mua gạo, thức ăn, đường, sữa giúp chị Pha để chị yên tâm sinh nở. Đến tháng 10-2012, chị Pha được giới thiệu vào nhóm tự lực Ban Mai. Vào sinh hoạt với nhóm, chị mới biết có nhiều người khác hoàn cảnh nghèo khổ, bi đát như mình.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) trước đây đi chặt mía, nhổ cỏ mướn, chồng chị Loan đi bủa lưới kiếm cá trên kênh rạch. Gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Vì quá túng thiếu nên có người dụ dỗ qua Singapore phụ bán quán lương cao, chị nhận lời liền. Đặt chân xuống Singapore, chị mới biết mình mắc bẫy bọn buôn người. Chủ quán lấy hết giấy tờ tùy thân, ép chị vào quán bar làm gái mại dâm. May mắn là chị Loan đã liên lạc được với người em gái nhờ gọi cảnh sát nhờ giúp đỡ và được đưa về Đại sứ quán Việt Nam.

Làm lại từ đầu

Chị Châu Pha được ông Omar- Al Qenael, Tổng lãnh sự quán Kuwait tài trợ xây dựng một căn nhà Nhân Ái trị giá 30 triệu đồng. Ông Omar là đối tác được Tổ chức Di cư Quốc tế IOM giới thiệu giúp đỡ nhiều địa chỉ đặc biệt khó khăn.

Các chị em trong Hội Phụ nữ giúp chị Châu Pha tìm được một công việc ổn định ở nông trường cao su, mỗi tháng kiếm được hơn 3 triệu đồng. Chị được vay vốn của dự án 8 triệu đồng. Số tiền đó chị Châu Pha hùn với chị gái mua một con bò giống.

Cuộc sống còn rất khốn khó nhưng chị Pha đã lạc quan trở lại: “Lúc mới về nhà mình thấy bế tắc lắm. Giờ mình đã có chỗ dựa tinh thần. Mấy chị em trong nhóm thân nhau như ruột thịt. Phải làm lại từ đầu và ráng nuôi hai đứa con thôi”.

Hằng tháng, giáo viên của dự án mang đến những bài học giúp các chị vượt qua những tổn thương tâm lý, học kỹ năng sống, cách quản lý vốn, chăn nuôi… Chị Pha tâm sự: “Mình học được nhiều điều lắm. Học được cách làm chủ bản thân, phải thay đổi suy nghĩ rồi mới thay đổi được hoàn cảnh”.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan chia sẻ: “Nhờ dự án của IOM mình gầy dựng lên được chút chút rồi. Hồi mới về, mình không có nhà để ở…”. Chị Loan hiện đang nuôi cá lóc bông dưới chân cầu Gò Chai, còn hai tháng nữa là được thu hoạch. Lồng cá lóc bông đang nuôi cũng là quà của dự án IOM. Chị Loan được giúp vốn 5 triệu đồng để mua cá giống. Giáo viên của dự án hướng dẫn chị cách nuôi, cách phòng bệnh cho cá và cách quản lý nguồn vốn của mình.

Tham gia nhóm tự lực Ban Mai, chị Loan được tặng một căn nhà nhỏ kiên cố. Mỗi ngày sau khi chăm sóc lồng cá, chị vẫn đi chặt mía mướn kiếm tiền. Chị bộc bạch: “Mấy chị em trong nhóm ai cũng gắng gỏi làm, mấy chị giỏi buôn bán đã khá rồi đó. Mình cũng phải ráng…”.

Giúp chị em hòa nhập cộng đồng

 Ba nhóm tự lực ở Tây Ninh được hình thành vào tháng 10-2012, khi Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thỏa thuận với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh thực hiện giai đoạn II của dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực” với kinh phí hơn 358 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh đã tham gia tích cực vào dự án.

Có ba nhóm tự lực được thành lập ở ba huyện Tân Biên, Châu Thành và Gò Dầu với 30 thành viên. Trong số đó, nhóm tự lực Ban Mai ở huyện Châu Thành có số lượng thành viên đông nhất: 17 chị.

Các chị trong nhóm hằng tháng gặp nhau một lần, được học các khóa học nâng cao kỹ năng sống, học chăn nuôi trồng trọt, quản lý vốn làm ăn…, cùng chia sẻ vui buồn với nhau trong cuộc sống…

Ngoài những hỗ trợ của dự án, Hội Phụ nữ các cấp ở huyện Châu Thành còn có nhiều hoạt động giúp đỡ chị em như thực hiện mô hình góp vốn xoay vòng, vận động nhà hảo tâm giúp các chị em đặc biệt khó khăn, phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền phòng, chống buôn bán người. Nhiều người bị dụ dỗ đi nước ngoài đã từ bỏ ý định khi được Hội Phụ nữ và nhóm tự lực giải thích, vận động.

Dưới sự hướng dẫn của các giáo viên của dự án, mọi người trong nhóm tự lực ngày càng khăng khít, giúp đỡ nhau bước qua quá khứ đầy tổn thương.

 

Chị Võ Hồng Khuê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Điền, chia sẻ: “Có một chị tên L. bị dụ dỗ đi thi tuyển lấy chồng nước ngoài, mình đã báo công an hốt nguyên một ổ ở sân bay. Chị L. giận dữ lắm vì nghĩ mình đã phá cơ hội đổi đời của chị. Sau đó chị L được mời đi sinh hoạt với nhóm tự lực rồi trở thành thành viên luôn. Hội và dự án giúp chị L. vay vốn buôn bán, ổn định được cuộc sống. Chị L. giờ đã lấy chồng và rất gắn bó với nhóm”.

Họ đã nói

Lúc đầu triển khai dự án, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận và thuyết phục các chị tham gia nhóm tự lực do các chị mặc cảm và ngại tiếp xúc. Hội Phụ nữ đã vận động rất hiệu quả. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Hội Phụ nữ trong dự án. Đến nay, các nhóm tự lực đã hoạt động rất thành công. Chúng tôi quyết tâm duy trì và vận động các nguồn lực để thực hiện tiếp dự án, dù giai đoạn II đã kết thúc cuối năm 2013.

Ông TRẦN VĂN YÊN, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh)

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm