Làng Cam - Bảo tàng sống về tội ác chiến tranh

UBND TP.HCM vừa có quyết định giao 49.000 m2 đất tại xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn (TP.HCM) cho Hội Nạn nhân da cam xây dựng mái nhà chung cho nạn nhân da cam với tên gọi Làng Cam.

Làng Cam - Bảo tàng sống về tội ác chiến tranh ảnh 1
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ(ảnh) - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có gần 20.000 nạn nhân bị nhiễm độc và phơi nhiễm chất da cam/dioxin. Trong đó, 1/3 sống dưới mức nghèo khổ, có người không nơi nương tựa. Chỉ hơn 2.000 người được trợ cấp chính sách theo diện người có công. Vì vậy, Thành ủy, UBND TP cấp cho VAVA miếng đất kể trên để hội xây dựng Làng Cam. Đây sẽ là nơi nuôi dưỡng, điều trị và dạy nghề cho những nạn nhân da cam của TP.HCM và những vùng phụ cận. Sẽ có ba trung tâm như thế tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Có thể nuôi dưỡng tập trung 500 người

. Bao giờ việc xây dựng sẽ bắt đầu, thưa ông?

+ TP đã giao đất, chúng tôi đang vận động kinh phí từ các nguồn trong nước và quốc tế. Dự kiến tháng 9, chúng tôi sẽ tổ chức lễ khởi công, san lấp. Tổng kinh phí xây dựng làng khoảng 100 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ xây lần lượt từng hạng mục để năm 2014 bắt đầu đưa người vào ở. Đầu tiên, chúng tôi xây khu điều trị, kế đến là khu bảo tàng để đưa các hình ảnh về nạn nhân da cam vào triển lãm, sau nữa là khu dạy nghề. Nơi đây có thể chăm sóc cùng lúc 500 bệnh nhân.

Làng Cam - Bảo tàng sống về tội ác chiến tranh ảnh 2

Phối cảnh Làng Cam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

. Làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) hiện đang nuôi dưỡng 60 nạn nhân da cam từ trẻ sơ sinh đến 30 tuổi nhưng 29 y, bác sĩ, kỹ thuật viên nơi đây rất vất vả. Việc nuôi dưỡng tập trung hàng trăm nạn nhân da cam liệu có quá mạo hiểm?

+ Đúng là có mạo hiểm nhưng chúng ta phải quyết tâm làm. Hiện nay có những tổ chức, cá nhân tự đứng ra thành lập những nơi nuôi dưỡng nạn nhân da cam và người khuyết tật nhưng chỉ giới hạn trong một độ tuổi. Khi được trả về cộng đồng, những nạn nhân da cam và người khuyết tật này sẽ về đâu? Đáng nói là có nơi còn lợi dụng việc làm từ thiện mà đón các nạn nhân về rồi để họ ngồi xe lăn đi xin tiền nuôi cả tổ chức đó. Một tổ chức như vậy từng xin tham gia vào hội nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi xây dựng Làng Cam nhằm giải quyết hậu quả da cam, dạy nghề cho các nạn nhân để ai còn sức thì vươn lên, ai không còn sức thì được chăm sóc, điều trị.

Cộng đồng quốc tế ủng hộ

. Sao chúng ta không để họ sống ngay tại nhà riêng mà phải sống chung như vậy?

+ Khi đi thực tế, chúng tôi thấy có nhiều phụ huynh muốn tự tay chăm sóc những đứa con tật nguyền vì da cam. Thế nhưng cha mẹ rồi cũng đến lúc lìa đời, ai sẽ chăm sóc những đứa con da cam kia? (trầm ngâm hồi lâu)… Số này khá nhiều. Chúng ta phải làm trước, nếu nước đến chân mới nhảy thì không kịp. Bên cạnh đó, những gia đình quá khó khăn, dù có trợ cấp xã hội vẫn khó chăm sóc tốt những đứa con bị nhiễm da cam có thể gửi con em mình vào đây. Nếu họ không muốn xa con thì cứ đưa đến làng để được chăm sóc, cuối ngày hoặc cuối tuần đưa về.

Ngoài việc dạy nghề, điều trị, nuôi dưỡng những nạn nhân da cam để họ có một cuộc sống dễ chịu hơn, Làng Cam còn là bảo tàng sống cho bạn bè thế giới biết đến…

. Ai sẽ chăm sóc họ, thưa ông?

+ Nhiều tình nguyện viên trong và ngoài nước rất muốn đến đây chăm sóc các nạn nhân này. Chúng tôi cũng vận động thêm những bác sĩ đã nghỉ hưu như BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, người đã nhiều năm gắn bó với nạn nhân da cam). BS Phượng đang tự bỏ tiền túi ra nuôi 70 bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần tuyển thêm một số bác sĩ, nhân viên có tâm.

. Có phản hồi nào từ phía cộng đồng quốc tế về việc xây công trình Làng Cam?

+ Khi lập Làng Cam, chúng tôi nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, nhất là các cựu binh Hàn Quốc đã từng chiến đấu ở VN cho Mỹ. Khi kết thúc chiến tranh, Mỹ chỉ bồi thường cho binh lính trong nước và một số quốc gia, trong đó không có Hàn Quốc. Khi đó chính phủ Hàn Quốc đã bỏ ra khoản tiền tương ứng để hỗ trợ quân nhân họ. Nay những cựu quân nhân Hàn Quốc đã nhận thấy sai lầm của mình và muốn chuộc lỗi. Họ càng muốn chuộc lỗi hơn khi thấy nạn nhân da cam VN cũng chưa được Mỹ hỗ trợ. Do đó, họ đã sang VN đặt trụ sở Hội Cựu chiến binh - Thương tật - Da cam Hàn Quốc (KAOVA) để vận động hỗ trợ nạn nhân da cam nước ta.

Chuẩn bị kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam

VAVA đang tích cực chuẩn bị cho lần kiện thứ tư tại Mỹ để đòi công lý cho các nạn nhân da cam. Đối tượng bị kiện lần này vẫn là hai công ty Mỹ sản xuất thuốc hóa học phát quang mang nhiều chất dioxin. Đây vẫn tiếp tục là vụ kiện dân sự đòi bồi thường ngoài hợp đồng đối với sức khỏe, tính mạng con người và thanh khiết môi trường ở các khu dân cư nơi nạn nhân đang sinh sống.

Dự kiến sẽ có 20 người đại diện cho nạn nhân da cam VN đi kiện. Đoàn luật sư người Mỹ (năm người) sẽ giúp chúng ta trong vụ kiện lần này. Các luật sư tự lo chi phí đi lại, thu thập chứng cứ; chỉ khi nào chúng ta thắng kiện họ mới lấy thù lao tượng trưng là 3%.

Ba lần kiện trước, phía Mỹ đều từ chối đơn kiện với lý do còn nhiều vướng mắc với luật pháp Mỹ, thiếu bằng chứng gây bệnh và thiệt hại gây ra là nhỏ.

Ngày 8 và 9-8, các luật sư Mỹ đã có mặt tại Hà Nội để cùng VAVA thảo luận cách thức khởi kiện.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

THANH MẬN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm