Sửa biên bản để “cù nhầy” tiền nợ?

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa nhận được đơn của một số nhà xuất bản (NXB) và công ty phát hành sách tại khu vực Hà Nội. Trong đơn, các đơn vị này tố cáo bị bà Tạ Hồng Minh, ngụ huyện Chương Mỹ, dùng phương thức mua sách chịu, sau đó lập biên bản ma hay sửa biên bản để khất nợ, dây dưa khoản nợ hàng trăm triệu đồng suốt nhiều năm.

Nợ 1 năm thành nợ 5 năm?

Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc NXB Văn hóa Thông tin, cho biết cuối năm 2008, NXB có bán gần 44 ngàn cuốn lịch cho bà Minh với giá hơn 390 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận bên mua sẽ trả tiền thành năm đợt, đợt đầu thanh toán vào tháng 11-2008, đợt cuối là ngày 15-8-2009.

Chờ gần một năm nhưng vẫn chưa thấy người mua trả bất kỳ khoản nào, NXB gửi công văn đòi nợ thì được con nợ trả lời: “NXB đã cho tôi nợ số tiền này đến bốn năm nữa, sao chưa đến hạn đã đòi?”. Tá hỏa vì câu trả lời, ban giám đốc NXB phải đến nhà riêng bà Minh, chờ đợi cả buổi và được bà này trình ra một bản photocopy “Biên bản xác nhận bán hàng trả chậm”. Trong biên bản này, chủ nợ và cán bộ phát hành của NXB thỏa thuận: Đến cuối năm 2013, con nợ mới phải trả gần 400 triệu đồng.

Về cơ quan gặp cán bộ phát hành, ban giám đốc NXB được người này cho biết chị quen bà Minh qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp cùng cơ quan. Sau khi giao hàng xong, cách đây 10 tháng, bà Minh đến gặp chị, đề nghị chị ký vào một biên bản để bà Minh nhận tiền hoa hồng rồi sẽ thanh toán tiền hàng ngay. Theo chị, biên bản này đã bị bà Minh sửa chữa nội dung thành trả chậm sau 46 tháng.

Một phương thức, nhiều nạn nhân?

Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Minh Hiền, nguyên Phó Giám đốc Công ty Phát hành sách, nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình (nay là Công ty cổ phần Sách văn hóa tổng hợp Hòa Bình), bà Minh đã mua hơn 20 ngàn cuốn lịch, sau đó sửa biên bản để lùi ngày trả nợ hơn 370 triệu đồng từ năm 2005 đến nay. Thậm chí bà Minh còn tự thêm dòng chữ “Đã trả cho công ty 150 triệu đồng”.

Bà Hiền nói: “Sau khi phát hiện hành vi gian dối trên, chúng tôi đã tố cáo sự việc đến Công an tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan điều tra. Từ đó đến nay, tôi và bốn cán bộ liên quan đến vụ bán lịch này phải chịu cảnh không lương vì lương đã bị cơ quan cấn trừ vào khoản nợ bà Minh chưa trả”.

Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã tìm cách liên lạc với bà Minh để tìm hiểu sự việc nhưng các số điện thoại của bà này đều không thể liên lạc được.

Ông Nguyễn Đăng Toàn, Phó phòng Thanh tra báo chí - xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), người thụ lý vụ việc, cho biết: “Liên quan đến bà Minh, một số NXB, công ty phát hành sách khác trên cả nước cũng có thể là nạn nhân và số nợ có thể lên tới tiền tỷ. Hiện chúng tôi đang thu thập thêm chứng cứ. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị khởi tố”.

Luật sư Vân Hằng, Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Nguyên tắc làm biên bản là phải lập ít nhất hai bản, các bên cùng ký và mỗi bên giữ một bản. Thế nhưng ở đây, các bên chỉ lập một bản, sau đó để bên mua giữ nên bên mua mới có thể sửa chữa, khi phát sinh tranh chấp thì không có bản thứ hai để đối chiếu. Nay nếu muốn xác định biên bản có bị sửa chữa hay không thì sẽ phải mất thêm khâu giám định.

Trong vụ này, nếu cơ quan chức năng chứng minh được bên mua đã dùng thủ đoạn gian dối để khỏi phải trả tiền, chẳng hạn sửa biên bản, tự ghi là đã trả tiền cho bên bán thì hành vi đó được xem là có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS).

THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm