Thực hư vụ ‘mất việc vì từ chối thăng chức’

Ngày 15-11, ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, xác nhận đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ThS-BS Nguyễn Thị Băng Sâm, Trưởng khoa Mắt BV Đa khoa tỉnh này. Lý do vì BS Sâm không chấp hành sự phân công công tác của lãnh đạo Sở Y tế, tự ý nghỉ việc khi chưa được sự chấp thuận của BV Đa khoa tỉnh và Sở Y tế.

Từ chối chức trưởng khoa

Ngày 30-7, Sở Y tế tỉnh Phú Yên có quyết định điều động, bổ nhiệm BS Sâm, Phó khoa Chống nhiễm khuẩn BV Mắt (thuộc Sở Y tế), giữ chức trưởng khoa Mắt BV Đa khoa tỉnh, kể từ ngày 17-8. Ông Nhân nói: “Theo quyết định này, BS Sâm được thăng chức”.

Tuy nhiên, trong ngày 13-8, BS Sâm gửi đơn đến Sở Y tế từ chối chức vụ được bổ nhiệm vì “chưa đủ năng lực lãnh đạo”. Ngày 19-8, Sở Y tế có công văn yêu cầu BS Sâm chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm trên. Ngày 20-8, BS Sâm tiếp tục có đơn từ chối nhiệm vụ mới. Lúc này quyết định điều động, bổ nhiệm của Sở Y tế đã có hiệu lực (ngày 17-8), BS Sâm không thể tiếp tục ở lại cơ quan cũ nhưng cũng không đến cơ quan mới làm việc. Đến ngày 22-9, BS Sâm gửi đơn xin thôi việc nhưng Sở Y tế không đồng ý. Ngày 30-9, BS Sâm tiếp tục gửi đơn xin thôi việc.

Theo BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, bệnh viện đã ba lần gửi thư mời BS Sâm đến làm việc nhưng cô cũng không đến. Cho rằng BS Sâm không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền và tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng, Hội đồng Kỷ luật Sở Y tế đã thống nhất hình thức kỷ luật như trên.

BS Nguyễn Thị Băng Sâm cho rằng cô chỉ phù hợp với công việc chuyên môn nên từ chối nhận chức vụ cao hơn. Ảnh: TẤN LỘC

“Tôi chỉ xin làm việc phù hợp”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Phan Vũ Nhân cho rằng quyết định kỷ luật trên là đúng quy định. “Trước đây BS Sâm có ý thức tốt nhưng sau khi được điều động, bổ nhiệm lại không chấp hành. Sở đã mời đến giải quyết nhưng cô ấy không đến, lại tự ý bỏ việc. Tôi đã rất nhượng bộ nhưng cô ấy cương quyết không nhận nhiệm vụ mới nên Sở phải kỷ luật thôi” - BS Nhân nói.

Trong khi đó, BS Sâm cho biết khi Sở Y tế bắt đầu thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm, cô đã có đơn đề nghị được tiếp tục công tác ở BV Mắt. “Tôi tự biết điểm mạnh, điểm yếu của mình nên từ đầu đã nêu ý kiến với Sở Y tế. Tôi thấy mình chỉ phù hợp với công việc chuyên môn và ở cơ quan cũ tôi đã làm rất tốt. Tôi không làm tốt việc quản lý, điều hành và cũng chưa có kinh nghiệm. Tôi chỉ xin được làm việc vừa sức với mình” - BS Sâm chia sẻ.

Cũng theo BS Sâm, cô đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng xin được ở lại cơ quan cũ nhưng không được chấp thuận. Do đó cô không còn cách nào khác là phải nộp đơn xin nghỉ việc. BS Sâm nói: “Tôi xin trở về cơ quan cũ không được, còn ở nơi mới lại không được làm công việc phù hợp. Điều đáng buồn là dù tôi đã hai lần làm đơn xin thôi việc nhưng không được giải quyết, thay vào đó Sở Y tế lại buộc thôi việc tôi”.

Tuy nhiên, BS Sâm cũng nhìn nhận Sở Y tế có quyền điều động cán bộ và cô nhận lỗi là đã vi phạm Luật Viên chức. “Tôi không khiếu nại quyết định kỷ luật của Sở Y tế nhưng sẽ tiếp tục trình bày nguyện vọng được trở lại công tác ở BV Mắt Phú Yên” - BS Sâm bày tỏ.

Chấp hành trước rồi xin nghỉ sau

Theo Luật Viên chức, một trong những nghĩa vụ của viên chức là “chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền”. Chính vì thế, dù không đồng ý với quyết định điều động, bổ nhiệm mới thì BS Nguyễn Thị Băng Sâm vẫn phải chấp hành và trong thời gian gửi đơn xin thôi việc mà không được chấp thuận thì chị vẫn phải đi làm việc bình thường. Sau đó chị có thể gửi đơn xin thôi việc lần nữa theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức. Cụ thể, điều luật này quy định: “Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày”. Nếu đã thông báo đúng theo hạn định này thì việc thôi việc của chị được xác định là đúng luật và chị đã không phải bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Giờ đây, nếu cho rằng quyết định kỷ luật của Sở Y tế tỉnh là đúng và có ý muốn được làm việc trở lại ở bệnh viện cũ, chị phải làm lại từ đầu thông qua việc gửi hồ sơ xin việc để được bệnh viện cũ xem xét, tiếp nhận và ký hợp đồng làm việc mới.

Luật sư LÊ VĂN HOAN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ĐH Y Tây Nguyên, BS Nguyễn Thị Băng Sâm được tuyển dụng vào BV Mắt Phú Yên. Tháng 3-2014, BS Sâm được bổ nhiệm chức phó khoa Chống nhiễm khuẩn BV Mắt Phú Yên.     

Chúng tôi sẵn sàng nhận lại BS Sâm

Khi Sở Y tế có quyết định điều động BS Sâm, BV Mắt đã có công văn gửi Sở xin cho BS Sâm được ở lại tiếp tục công tác nhưng Sở không đồng ý. Để thực hiện quyết định của Sở, chúng tôi phải cắt lương, cắt hết mọi chế độ nên BS Sâm buộc phải nghỉ làm vì có đi làm cũng chẳng ai chấm công. Nghĩ rất tội!

Trong thời gian công tác ở BV Mắt, BS Sâm có khả năng chuyên môn tốt, có đạo đức nghề nghiệp, rất tận tâm với bệnh nhân. Nếu Sở Y tế chấp thuận, chúng tôi sẵn sàng nhận lại BS Sâm.

BS HUỲNH PHÚC NHĨ, Giám đốc BV Mắt Phú Yên

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.